Học cách dịu dàng

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Người ta thường nói có ba điều sợ nhất trong cuộc đời là tuổi già, bệnh tật và đứa con hư.

Minh họa: Tiến Thành
Minh họa: Tiến Thành

Đời người ai cũng phải trải qua quy luật sinh - lão - bệnh - tử. Ai rồi cũng phải đến lúc già yếu, ốm đau. Hạnh phúc của tuổi già là được quây quần bên con cháu, được sống mạnh khỏe nhưng không phải ai cũng đạt được niềm mong ước ấy. Tuổi già có rất nhiều chuyện khó lường, nằm ngoài dự liệu của con người...

Bà Nhuận có năm người con: Hai trai, ba gái nhưng từ trước đến nay bà chỉ ở cùng nhà với anh Lợi - con trai trưởng.

Mặc dù vợ chồng anh Lộc ở ngay bên cạnh, bà cũng chỉ thi thoảng sang chơi, hiếm khi ăn cơm hay ngủ lại. Bà bảo “ở đâu quen đó, lạ nhà khó ngủ, không hợp khẩu vị, khó ăn lắm”.

Vợ anh Lộc không khéo chiều người già nên bà Nhuận thường tự ái, ít trò chuyện. Cách đây hơn một tháng, bà Nhuận bị ngã gãy xương đùi, chỉ vì chạy ra giữ chó cho khách đến nhà, trượt chân ở bậc hè. Từ đó, bà phải nằm bẹp một chỗ, không thể nào tự mình ngồi dậy được nữa.

Sau khi khám ở bệnh viện, bác sĩ khuyên bà nên mổ nhưng vì tuổi cao, sức yếu, tỷ lệ thành công rất thấp nên các con quyết định đưa bà đi bó lá. Bà phải nằm cố định một chỗ, lúc nào cũng có người túc trực bên cạnh chăm sóc, nâng giấc, cho ăn, cho uống, thay bỉm. Những khi tắm gội, vệ sinh cho bà thì phải hai người mới có thể xoay xở làm được. Thi thoảng, bà lại mê sảng, gào khóc và rên rỉ đòi muốn chết.

Càng ngày bà Nhuận càng khó tính, trí nhớ giảm sút, nhiều lần ở một mình, bà tự tay dứt bỉm vứt xuống đất. Nước tiểu chảy ướt chiếu, khai mù. Tình trạng ấy kéo dài khiến vợ chồng anh Lợi rất mệt mỏi. Có lúc không ai ở bên, bà Nhuận cố ngóc đầu dậy, muốn tự mình ra khỏi giường rất nguy hiểm.

Nghe vợ phân tích, than thở, anh Lợi sốt ruột bèn tổ chức một cuộc họp gia đình và tuyên bố: “Mẹ là mẹ chung. Bây giờ không may mẹ bị ốm, phải nằm liệt một chỗ rất là bí bách nên cả năm anh em chúng ta phải có trách nhiệm chăm sóc mẹ, mỗi nhà hai ngày, thay phiên nhau đến đây chăm mẹ, còn cơm nước thì nhà tôi lo hết”.

Ba cô con gái gật gù nhất trí nhưng vợ anh Lộc đứng bật dậy: “Tôi không đồng tình, tôi không nhận đâu mà chia cho tôi. Tôi có gì tôi biếu mẹ ăn, rảnh lúc nào thì tôi chăm mẹ lúc ấy chứ đừng chia cho vợ chồng tôi”. Anh Lợi đập bàn, nói to: “Thím nói hay nhỉ, phải chia nhau cho công bằng chứ”.

Vợ anh Lộc tiếp tục khẩu chiến: “Từ trước đến nay vốn đã không có sự công bằng rồi thì bây giờ cũng đừng mong công bằng anh nhé. Mẹ toàn bế ẵm con nhà anh, chăm lo nhà cửa cho nhà anh, đất đai, vườn ruộng cũng cho nhà anh, thế thì nhà anh phải có trách nhiệm chính. Sao lúc được hưởng lợi lộc, anh không chia đều cho các em đi”. Anh Lợi đỏ mặt tía tai: “Giờ là lúc nào rồi mà còn tị nạnh, đầu hai thứ tóc rồi mà còn so bì thiệt hơn...”.

- “Ối cha mẹ ơi! Cha mẹ đưa con đi đi cho đỡ khổ. Con có ăn ở ác với ai đâu mà ông giời đầy đọa con như thế này hả giời” - Trong phòng vang lên tiếng gào khóc, than vãn của bà Nhuận. Vừa gào, bà vừa đập tay xuống giường thùm thụp rồi lại đưa tay đấm ngực mình.

Các chị con gái xúm vào bên giường bà Nhuận, người bóp tay, bóp chân, người xoa lưng dỗ dành: “Mẹ đừng gào khóc nữa, mẹ đừng làm chúng con sợ. Chúng con còn phải đi làm thì mới có ăn, mẹ đừng như thế này nữa...”.

Bà Nhuận nghe con gái lớn nói thế thì hất tay ra, giận dỗi: “Các anh các chị về hết đi, để bà già này chết đi cho mọi người rảnh nợ”. Sau một hồi được con gái út xoa lưng, bà Nhuận chìm vào giấc ngủ.

Ảnh minh họa: ITN.

Ảnh minh họa: ITN.

Người già thường hay trái tính trái nết, thích được cưng nựng, dỗ dành như trẻ nhỏ. Thậm chí có lúc lú lẫn hay cố tình như thế, con cháu cho ăn rồi vẫn trách, vẫn kể xấu con cháu với hàng xóm, rằng: “Chúng nó bỏ tôi đói meo, chẳng đứa nào cho tôi ăn gì cả”. Nếu ai không hiểu nhiều khi làm con cái bị mang tiếng “vô tâm, bất hiếu”.

Bà Nhuận lúc khỏe vốn đã sắc sảo nên khi ốm đau, nằm một mình lâu ngày càng trở nên khó tính, hay bẳn gắt và bực bội trong người. Nhiều lần bà tự tay dứt bỉm vứt xuống đất chứ không chịu đóng cho sạch sẽ. Phòng bà thường khai khú khiến các cháu cũng sợ không dám lại gần, thành ra chỉ có mấy người con thay nhau ghé qua.

Mọi việc chăm sóc, tắm giặt cho bà Nhuận chủ yếu là vợ chồng anh Lợi đảm nhiệm. “Nhưng mẹ là mẹ chung, mẹ ốm lâu ngày chứ không phải ngày một ngày hai là khỏi” - Anh Lợi nhấn mạnh lần nữa. Mọi người chỉ biết nhìn nhau, thở dài, không biết vì thương mẹ hay cám cảnh phải chia nhau chăm mẹ.

Chị vợ anh Lộc vùng vằng bỏ về. Lúc này, anh Lộc mới lên tiếng: “Nhà tôi nó nóng tính, nhớ dai những chuyện từ hồi xửa hồi xưa nên mong các anh chị em thông cảm. Mẹ già cũng như con nít, ưa ngọt, ưa nhạt nên theo tôi, ban ngày anh Lợi và tôi sẽ thay nhau chăm mẹ, nếu tôi bận thì con tôi làm thay, buổi tối các cô ở lại ngủ cùng cho mẹ ngủ ngon. Hai chị em dâu thì lo hậu cần, cơm nước”.

Từ hôm sau, bên cạnh bà Nhuận lúc nào cũng có con cháu thay nhau túc trực, chăm sóc. Có lúc bà kén người đút cơm, không khiến thì tự nghiêng người xúc ăn. Con nào khéo dỗ dành, ngọt ngào bà để cho thay bỉm, con nào nói nặng lời là bà đuổi về. Vì vậy, ai nóng tính, hay nói to cũng phải học cách dịu dàng.

Sức khỏe bà Nhuận tiến triển rõ rệt, da dẻ hồng hào hơn. Bà muốn ngồi xe lăn để con gái út đẩy ra sân, ra vườn ngắm cảnh.

“Ở một mình sợ lắm, buồn lắm. Ai rồi cũng phải già con ạ!” - Nghe bà nói thế, con gái lặng đi, lòng trào lên tình thương mẹ hơn bao giờ hết. Đúng là nỗi sợ hãi nhất của con người chính là sự cô đơn. Trên đời này có ai mà chẳng sợ ở một mình. Thế nên, con trẻ hãy thấu hiểu để dịu dàng sẻ chia...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.