Cốm - một thứ quà sêu Tết (*): Vẻ đẹp truyền thống và khát vọng hạnh phúc, sum vầy

GD&TĐ - Và tiếng nói ấy phải hướng về cái đẹp trong cuộc đời và bước vào những trang văn. Thạch Lam cũng là nhà văn

Cốm - một thứ quà sêu Tết (*): Vẻ đẹp truyền thống và khát vọng hạnh phúc, sum vầy

Và tiếng nói ấy phải hướng về cái đẹp trong cuộc đời và bước vào những trang văn. Thạch Lam cũng là nhà văn như thế.

Đến với văn chương, ông đã từng tâm niệm:“Cái đẹp man mác khắp vũ trụ, len lỏi khắp hang cùng ngõ hẻm, tiềm tàng ở mọi vật bình thường. Công việc của nhà văn là phải hiểu cái đẹp ở chính chỗ mà người ta không ngờ tới, tìm cái đẹp kín đáo và che lấp của sự vật cho người khác một bài học trông nhìn và thưởng thức”.

Một thứ quà của lúa non 

Thạch Lam, nhà văn của cái đẹp bình dị mà thanh cao. Văn chương của ông luôn có sự hài hoà giữa thiên nhiên và tâm trạng, giữa cảnh và tình. Bằng lối ngôn ngữ miêu tả giàu xúc cảm và hình tượng, Thạch Lam đưa người đọc trở về với những miền quê êm đềm, yên ả của nông thôn Việt Nam, cảnh sắc Việt Nam với một dấu ấn rất riêng.

Không trào lộng như Vũ Trọng Phụng, không hài hước như Nguyễn Công Hoan, không triết lý như Nam Cao, văn Thạch Lam nhẹ nhàng và tinh tế. Đến với tập tùy bút “Hà Nội băm sáu phố phường” của ông, ta như thấy hiển hiện trước mắt dáng hình của một Hà Nội xưa cũ thuở nào. Đó là những chuyện phố, chuyện phường, chuyện đời sống dân sinh, đặc biệt là những thức quà bình dị quen thuộc chỉ nơi đây mới có. “Một thứ quà của lúa non: Cốm” là một sáng tác tiêu biểu trong tập tùy bút ấy. 

Là một thành viên của nhóm Tự lực văn đoàn trong những năm 30 của thế kỉ XX nhưng khác với những người anh của mình, Thạch Lam không khai thác đề tài từ những chuyện tình lãng mạn, mà hướng ngòi bút vào thế giới của những điều bình dị, mộc mạc, gần gũi với cuộc sống con người, từ đó đem đến cho người đọc những rung cảm đẹp về cuộc sống và con người. Tập tuỳ bút Hà Nội băm sáu phố phường viết về những nét sinh hoạt, những thứ quà bình dị,.. ở Hà Nội trước năm 1945. Đây là một sáng tác có giá trị rất lớn về văn hoá, phong tục và chứa đựng cả tấm lòng yêu mến quê hương đất nước, những quan niệm cần trân trọng. 

Một thứ quà của lúa non: Cốm đưa ta vào một thế giới hoàn toàn yên bình, tĩnh lặng và đẹp như cổ tích. Cơn gió mùa hạ lướt qua vừng sen trên hồ, nhuần thấm cái hương thơm của lá như báo trước mùa về của những thức quà thanh nhã và tinh khiết. Những cánh đồng xanh, con đường nho nhỏ, bóng cây trộn lẫn bóng nắng và đặc biệt là những hạt thóc nếp trĩu thân, hương thơm mát, phảng phất của lúa – biểu tượng cho vẻ đẹp kỳ diệu của mảnh đất và tâm hồn Việt Nam tự muôn đời đã xoa dịu tâm hồn con người sau phút giây ồn ào, náo nhiệt của thị thành. Từ đó, nhà văn tiếp tục dẫn dụ người đọc vào cách hình thành của thứ quà tinh khiết ấy: Dưới ánh nắng, giọt sữa dần đông lại…

Thạch Lam đã sử dụng ngòi bút miêu tả kết hợp cảm xúc và suy ngẫm tinh tế. Nhiều tính từ, động từ gợi tả nối nhau xuất hiện: Nhuần thấm, thanh nhã, tinh khiết, thơm mát, trắng thơm, phảng phất, trong sạch… Mắt quan sát, mũi cảm nhận, tâm hồn đắm say rộng mở của người nghệ sĩ khiến cho những hạt sữa của bông lúa, tiền thân của cốm được đánh giá bằng những liên tưởng và tưởng tượng đẹp đẽ, cao quý. Bằng tình cảm trân trọng, tác giả đã phát hiện ra nét đẹp văn hóa dân tộc ẩn chứa trong thứ quà bình thường, quen thuộc và phổ biến trong dân dã.

Cốm - một thứ quà sêu Tết (*): Vẻ đẹp truyền thống và khát vọng hạnh phúc, sum vầy ảnh 1

Nhưng đã mấy ai như Thạch Lam, lại có con mắt tinh tường và sự cảm nhận sâu sắc đến thế. Ngòi bút tài hoa của Thạch Lam đã biến một câu giải thích hết sức giản đơn là cốm được làm từ lúa nếp non thành cả một đoạn văn giàu tính nghệ thuật được dệt nên bởi những hình ảnh và từ ngữ đẹp đẽ, trau chuốt có sức hấp dẫn lạ lùng! Chúng ta hãy thử đặt mình vào vị trí và tâm trạng của nhà văn để cùng cảm nhận tất cả những gì có liên quan đến cốm: Cơn gió mùa hạ lướt qua vừng sen trên hồ... nhuần thấm cái hương thơm của lá, như báo trước mùa về của một thức quà thanh nhã và tinh khiết. Lá sen được dùng để gói cốm, tạo cho cốm một mùi thơm đặc biệt, khó quên.

Đó là mùi thơm mát của lúa non cùng hương vị ngàn hoa trên những cánh đồng xanh bát ngát. Mạch cảm xúc của bài văn bắt đầu từ hương thơm của lá sen, trong làn gió mùa hạ lướt qua vừng sen trên mặt hồ. Hương thơm ấy gợi nhắc đến hương vị của cốm, thứ quà đặc biệt của lúa non. Một cảm giác thật tinh tế. Cảm giác ấy càng tinh tế hơn khi nhà văn mở rộng lòng mình để đón nhận tất cả hương vị nồng nàn và thanh khiết của cánh đồng lúa, của lúa non. Nhà văn cũng không đi sâu miêu tả công việc làm cốm, mà chỉ lưu ý rằng đó là một nghệ thuật với một loạt cách chế biến, những cách thức làm truyền từ đời này sang đời khác, một sự bí mật trân trọng và khe khắt giữ gìn. đó là niềm trân trọng bàn tay khéo léo, đức tính cần cù đầy sáng tạo và tinh tế của những cô gái làng Vòng xinh xắn, thảo thơm.

Tình quê bâng khuâng, man mác 

Cốm là thức quà riêng biệt của đất nước, là thức dâng của những cánh đồng lúa bát ngát xanh, mang trong hương vị tất cả cái mộc mạc, giản dị và thanh khiết của đồng quê nội cỏ... Cốm gắn liền với phong tục tập quán của dân tộc ta - một dân tộc chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa nước.

Cũng như bánh chưng, bánh giầy, cốm là sản phẩm được làm ra từ hạt lúa. Vượt lên giá trị vật chất, cốm đã trở thành một sản phẩm chứa đựng giá trị tinh thần của đời sống văn hóa dân tộc Việt, là báu vật hòa quyện hương trời, sữa lúa và tài năng, tâm hồn người nông dân Việt Nam.

Ta có thể thấy rõ sự ngạc nhiên thích thú của Thạch Lam khi ông viết: “Ai đã nghĩ đầu tiên dùng đến cốm để làm quà sêu Tết. Không còn gì hợp hơn với sự vương vít của tơ hồng, thức quà trong sạch, trung thành như các việc lễ nghi. Hồng cốm tốt đôi... Và không bao giờ có hai màu lại hòa hợp hơn được nữa: Màu xanh tươi của cốm như ngọc thạch quý, màu đỏ thắm của hồng như ngọc lựu già.

Cốm - một thứ quà sêu Tết (*): Vẻ đẹp truyền thống và khát vọng hạnh phúc, sum vầy ảnh 2

Một thứ thanh đạm, một thứ ngọt sắc, hai vị nâng đỡ nhau để hạnh phúc được lâu bền…”. Nhà văn đã nhận ra ý nghĩa sâu xa trong việc dùng hồng và cốm làm quà sêu Tết. Nhà trai đem lễ vật đến nhà gái, còn gì quý hơn là hồng với cốm! Cốm là thức dâng của đất trời, có hương vị vừa thanh nhã vừa đậm đà, là sự kết tinh của nhiều giá trị. Cốm màu xanh ngọc, hồng màu đỏ thắm.

Hai màu tương phản đi với nhau thật ăn ý, tượng trưng cho sự hòa hợp âm dương, cho gái trai xứng đôi vừa lứa và cũng là hi vọng vào mối nhân duyên tốt đẹp, vững bền, thủy chung. Một đoạn văn thật hay và thấm đượm cảm xúc trữ tình, gợi lên cho người đọc cái tình quê bâng khuâng, man mác. Một giá trị đặc sắc chứa đựng trong những hạt cốm bình dị, khiêm nhường mà không phải ai cũng nhận thấy. Phải yêu quê hương đất nước, yêu những sản vật của quê hương đất nước nhiều như Thạch Lam mới có thể phát hiện ra cái chân giá trị ấy của cốm.

Những dòng bình luận của Thạch Lam về giá trị của việc dùng cốm làm lễ vật sêu Tết đem đến cho người đọc một cảm nhận mới mẻ, giúp ta hiểu ra được cái ý nghĩa sâu xa ẩn chứa trong tục lệ giản dị này. Một nét đẹp văn hoá cần phải giữ gìn. Chỉ tiếc rằng trong thời kỳ hội nhập, khi có sự giao thoa của nhiều nền văn hóa, cơ hồ những giá trị thuần khiết, thanh nhã ấy đang có nguy cơ mất đi. Vấn đề mà nhà văn trăn trở mấy chục năm về trước vẫn như còn vang vọng. Một sự phê phán nhẹ nhàng mà thấm thía.

Ở đoạn cuối cùng của bài tuỳ bút, Thạch Lam vừa tiếp tục ca ngợi vẻ đẹp và giá trị của Cốm vừa bàn luận về sự thưởng thức cốm, cách ăn Cốm. Trong chúng ta mấy ai đã nghĩ tới việc phải ăn món quà bình dị đó như thế nào? Với Thạch Lam, ăn Cốm vốn là thưởng thức những giá trị kết tinh ở đó, vì thế: Ăn cốm phải ăn từng chút ít, thong thả và ngẫm nghĩ. Vì sao lại thế? Vì cốm chứa trong nó sự tinh túy của hương sen, của đầm nước, của làng quê… Lúc bấy giờ ta mới thấy thu cả lại trong hương vị ấy, cái mùi thơm phức của lúa mới, của hoa cỏ dại ven bờ: Trong màu xanh của cốm, cái tươi mát của lá non, và trong chất ngọt của cốm, cái dịu dàng thanh đạm của loài thảo mộc.

Chao ôi, cảm quan nghệ thuật của Thạch Lam mới tinh nhạy làm sao, khiến ta không thể không ngẫm suy. Ông nâng niu, lựa chọn từng từ ngữ, trau chuốt từng lời văn để kết thúc bằng một lời đề nghị: Hãy nhẹ nhàng mà nâng đỡ, chắt chiu mà vuốt ve. Phải nên kính trọng cái lộc của Trời, cái khéo léo của người và sự cố sức tiềm tàng và nhẫn nại của thần Lúa. Bởi sự thưởng thức ấy sẽ khiến con người được trang nhã và đẹp đẽ hơn và cái vui cũng sẽ được tươi sáng hơn nhiều lắm. Một lời đề nghị thật đẹp, thật thiết tha của một ân tình sâu nặng với thứ quà của lúa non.

Mùa xuân đã sắp về, những thức quà sêu Tết, những nét văn hóa của đất nước, những thức dâng của đồng quê nội nên được trân trọng và nâng niu. Cái đẹp ấy được Thạch Lam chắt chiu của truyền thống, của quá khứ đã qua càng khiến ta như được trở về với dân tộc, trở về với những nét đẹp truyền thống được lưu giữ không chỉ là của Hà Nội, của chốn kinh kỳ mà nó còn là bản sắc văn hóa lâu đời của đất nước Việt Nam.

_________________
(*Sêu tết): nhà trai đưa lễ vật đến nhà gái trong dịp lễ, tết khi chưa cưới gả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ