Triển lãm mỹ thuật không chỉ là "bữa tiệc" hội họa chiêu đãi người thưởng ngoạn mà còn là dịp để đội ngũ họa sĩ tự tổng kết những gì làm được trong một khoảng thời gian nhất định.
Triển lãm hay... họp chợ?
Nhìn vào thị trường mỹ thuật, gallery và một số không gian triển lãm mỹ thuật của hơn hai thập kỉ qua, một câu hỏi vẫn thường được nhắc lại: Công chúng được hưởng những lợi ích gì từ những hoạt động mỹ thuật? Theo định kỳ, thường là Hà Nội lại đón triển lãm mỹ thuật toàn quốc và xen kẽ trong khoảng thời gian ấy là triển lãm điêu khắc toàn quốc định kỳ 10 năm. Đây là hai hoạt động triển lãm mỹ thuật được cả giới mỹ thuật luôn háo hức đợi chờ.
Nhưng cũng bao năm qua, trong mỗi triển lãm lớn như vậy, luôn xảy ra những "scandal" về vi phạm bản quyền mỹ thuật. Điều đáng nói ở đây là câu chuyện đó lại có phần lấn át cả những câu chuyện về chất và lượng của triển lãm. Một số người có suy nghĩ giản đơn, coi đó là câu chuyện tất yếu của thời kinh tế thị trường, cũng giống như chuyện làm hàng giả, hàng nhái.
Triển lãm mỹ thuật có thể là cơ hội để mọi người đến gặp gỡ, trao đổi với nhau những câu chuyện đời, chuyện nghề, chứ chẳng quan tâm tới giải thưởng, cũng chẳng để ý tới chất lượng triển lãm, bởi nhiều năm rồi, cách thức tổ chức vẫn thế, chẳng có gì thay đổi. Bởi vậy, người ngoài nhìn vào sẽ có cảm giác, những hoạt động triển lãm mỹ thuật không khác gì đến phiên là... họp chợ, làm nháo nhào cho xong. Tính chuyên nghiệp và linh hoạt nhằm chắp cánh cho các tác phẩm mỹ thuật vươn ra thế giới hầu như không mấy ai quan tâm.
Vì sao công chúng lạnh nhạt với triển lãm mỹ thuật?
Một trong những nguyên nhân khiến triển lãm mỹ thuật ngày càng đìu hiu là do công tác truyền thông giáo dục để nâng cao nhận thức, sự thụ hưởng của công chúng với nghệ thuật của những sự kiện này cũng chưa thực sự phát huy hiệu quả. Công tác giáo dục nghệ thuật giúp phát triển năng lực, tư duy sáng tạo, nâng cao nhận thức cá nhân toàn diện là một phần quan trọng trong sự nghiệp phát triển văn hóa của cộng đồng.
Nhưng trên thực tế, công tác này nhiều khi còn chưa được nhận diện đúng vai trò vị trí, bị coi thường, xem nhẹ. Giáo dục mỹ thuật tại các trường phổ thông thì chỉ được xếp vào thời gian của nội dung dạy vẽ, làm thủ công, chứ không phải là giảng dạy về mỹ thuật theo nghĩa tiếp cận để có thể khơi mở tiềm năng, phát huy khả năng cảm thụ nghệ thuật.
Bởi vậy, họa sĩ vẫn độc hành trên đường đi của mình, từ vấn đề đầu tư mua vật liệu sáng tác, quảng bá tác phẩm, tìm kiếm địa điểm triển lãm rồi lưu kho tác phẩm của mình. Khó khăn là như vậy, nhưng khi triển lãm được mở ra thì khách tham quan chủ yếu là khách mời, bạn bè, vẫn là những người làm nghề đến với nhau trong dịp khai mạc còn sau đó là sự vắng vẻ triền miên.
Các triển lãm định kỳ toàn quốc, hay triển lãm khu vực của Hội Mỹ thuật cũng chung tình trạng chợ chiều như vậy. Những hoạt động tương tác để thu hút công chúng xung quanh hoạt động triển lãm vẫn là những khoảng trống. Vì vậy, có thể nói rằng các hoạt động triển lãm mỹ thuật diễn ra chưa mang lại được nhiều hiệu quả như mong muốn.
Những tín hiệu vui
Trong không khí ảm đạm của các hoạt động triển lãm mỹ thuật, người ta vẫn nhìn thấy ánh sáng le lói đâu đó. |
Theo nhận định của giới chuyên môn, vài năm gần đây, thị trường mỹ thuật trong nước đã có xuất hiện một số tín hiệu lạc quan, khởi sắc. Minh chứng cụ thể nhất là Việt Nam đã xuất hiện các sàn đấu giá mỹ thuật chuyên nghiệp, với một số hoạt động đấu giá tác phẩm tại TPHCM và Hà Nội thời gian qua. Từ thực tế này, một số họa sĩ đã bán được tranh, bước đầu có thể tạm sống với tác phẩm nghệ thuật của mình. Bên cạnh đó, một số cuộc triển lãm mỹ thuật đã thu hút lượng công chúng nhất định.
Tại triển lãm mỹ thuật khu vực TPHCM lần thứ 22, do Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Mỹ thuật TPHCM và Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM phối hợp tổ chức, khai mạc và ra mắt công chúng tại số 97A, Phó Đức Chính, quận 1 vào ngày 8-8, theo Hội Mỹ thuật Việt Nam, đây là không gian hội tụ những tác phẩm được sáng tác từ tháng 8-2016 đến tháng 7-2017, là kết quả từ các chuyến đi thực tế do Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức trong nhiều năm qua.
Các tác phẩm thể hiện bằng nhiều chất liệu như sơn dầu, acrylic, lụa, sơn mài, khắc gỗ, khắc kim loại, composite và các chất liệu tổng hợp. Với nhiều phong cách khác nhau, các tác phẩm đã phản ánh những góc nhìn sinh động, phong phú về lịch sử, văn hóa, phong cảnh và cuộc sống sinh hoạt thường ngày của nhân dân khắp mọi miền đất nước.
Nếu như khách thưởng lãm có cảm giác thú vị với nét sinh hoạt văn hóa các địa phương, vùng miền, đồng bào các dân tộc thiểu số với Mùa hoa mận, Ruộng bắp ở Mộc Bài, Đất mới, Hội An trong mắt tôi, Rồng rắn lên mây, Nắng Củ Chi, Góc chợ, Thiếu nữ Dao, Nắng quê; thì các tác phẩm Trường Sa, Chiều trên chiến hạm, Sức mạnh tiềm ẩn, Nhớ biển, Ru rừng, Bình minh trên đảo, Hải đội Hoàng Sa... lại mang đến cho người thưởng ngoạn những cung bậc cảm xúc mãnh liệt của tinh thần bất khuất, niềm tự hào dân tộc, của sức mạnh kiên cường đi qua bao thăng trầm của lịch sử.
Trước đó, triển lãm “Mỹ thuật trẻ - lần thứ 2 – Huế 2017” cũng thu hút đông đảo nghệ sĩ và công chúng. “Thật giả” của Hoàng Thanh Phong, “Tiếng hát ca nhi” của Lê Minh Phong, “Lam lũ” của Lê Ngân Thủy, “Biến thể” của Nguyễn Công Trạng, “Thơ ngây” của Vũ Duy Tâm, “Tình mẫu tử” của Phan Thị Na, “Ngộ” của Võ Thị Huyền My… mỗi tác phẩm là một lát cắt sinh động trong phòng tranh triển lãm Mỹ thuật trẻ lần 2 năm nay. Tất cả các tác giả đều ở độ tuổi dưới 40 – mức tuổi sung mãn trong sáng tạo nghệ thuật.
Theo nhận xét của một họa sĩ gạo cội, không gian triển lãm nhất định phải là một phòng tranh đẹp, có nhiều thông điệp gửi đến công chúng và tạo ra những cái nhìn mới về nghệ thuật. Cái mới ấy thể hiện ở chỗ, mọi sự tìm tòi không còn bị hạn chế bởi hình thức đã có mà vượt sang những lãnh địa khác trong cảm xúc và khai thác nhiều khía cạnh của cuộc sống; nhiều họa sĩ trẻ đã khai thác tính triết lý trong đời sống và thể hiện bằng những thông điệp cụ thể trong tranh, giúp công chúng hiểu rõ hơn về tình người, tình đồng loại và nhiều giá trị nhân văn khác... chính là sức hút của triển lãm này.
Suy cho cùng, cũng giống như âm nhạc và điện ảnh, mỹ thuật muốn thu hút được công chúng thì điều quan trọng là chất lượng và những đột phá từ các ý tưởng mới mẻ. Bên cạnh đó, sức sáng tạo và nhiệt huyết từ các nghệ sĩ trẻ đang được kỳ vọng là sẽ thổi vào đời sống mỹ thuật một luồng gió mới, đủ sức hấp dẫn công chúng yêu thích và đam mê nghệ thuật.