Hình thành phẩm chất, tinh thần trách nhiệm
Trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 (CT GDPT), Hoạt động trải nghiệm là môn học thực hiện bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 12. Đây là hoạt động mang ý nghĩa đặc biệt, góp phần quan trọng nhằm phát triển phẩm chất, năng lực, kỹ năng sống cho học sinh.
Tại Trường THCS Đoàn Thị Điểm, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên, tiết học Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cho học sinh lớp 7 được tổ chức sôi nổi với nhiều hoạt động cho các em cơ hội thảo luận.
Với chủ đề "Rèn luyện sự kiên trì và chăm chỉ", giáo viên cho học sinh xem một video tình huống ngắn, sau đó học sinh chia thành các nhóm để thảo luận và trả lời câu hỏi. Sau đó, giáo viên sẽ mời học sinh, nhóm học sinh trả lời câu hỏi hoặc cùng tranh luận giữa các nhóm về nội dung câu trả lời và chủ đề bài học.
Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp giúp học sinh rèn luyện kỹ năng, phát triển phẩm chất. |
Cô Phạm Thị Thanh Thảo, giáo viên môn Hoạt động trải nghiệm, Trường THCS Đoàn Thị Điểm, cho biết: Năm học này là năm đầu tiên tôi được phân công dạy Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cho học sinh lớp 7 nên ban đầu cô trò không khỏi cảm thấy bỡ ngỡ. Tuy nhiên, sau một thời gian giảng dạy, tôi nhận thấy học sinh hào hứng với môn học.
Theo cô Thảo, học sinh được rèn luyện kỹ năng, thử sức ở những kiến thức, trải nghiệm mới. Môn học cũng giúp các em phát triển phẩm chất, có trách nhiệm hơn với gia đình, cuộc sống và hình thành các giá trị chuẩn mực chung của xã hội.
Để giảng dạy môn học mới, cô Thảo đã chủ động tham khảo video dạy thử nghiệm môn Giáo dục trải nghiệm, hướng nghiệp; tài liệu tập huấn và học hỏi từ đồng nghiệp, giảng viên các trường đại học.
Khi được tiếp cận nghiên cứu các chủ đề trong môn học này, cô Thảo đánh giá đây là môn học cần thiết, giúp học sinh trang bị nhiều kỹ năng trong cuộc sống.
“Trước đây, kỹ năng sống thường dạy lồng ghép nhưng hiện là một phần nội dung quan trọng trong một môn học độc lập. Nội dung dạy được tổ chức theo nhiều hoạt động như Sinh hoạt dưới cờ, Sinh hoạt lớp... Từ đó, học sinh cảm nhận được sự kết nối giữa môn học với các hoạt động giáo dục khác và đời sống thực tế”, cô Thảo chia sẻ.
Trong thời gian tới, cô Thảo cùng nhóm giáo viên Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp sẽ xây dựng các tiết học tại địa phương như tham quan làng nghề địa phương. Hoạt động này giúp học sinh biết trân trọng công sức lao động, tình yêu quê hương và con người địa phương.
Học sinh cùng nhau thảo luận chủ đề học Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. |
Vừa dạy học vừa tích luỹ kinh nghiệm
Nhận định Hoạt động trải nghiệm là một trong những điểm quan trọng trong CT GDPT 2018, cô giáo Trần Thị Yến, Hiệu trưởng Trường THCS Đoàn Thị Điểm, cho biết: Với đặc thù đây là môn học mới, nhà trường đã quan tâm phân công giáo viên giảng dạy là giáo viên có kỹ năng, đã được tham gia tập huấn và có chuyên môn phù hợp với các hoạt động học.
Giáo viên Tổng phụ trách Đội được phân công thực hiện hoạt động Sinh hoạt dưới cờ, Sinh hoạt lớp phân cho Giáo viên chủ nhiệm còn Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp dành cho giáo viên bộ môn. Các thầy cô cùng nhau phối hợp triển khai và xây dựng nội dung phù hợp với từng hoạt động trên.
Từ hiệu trưởng đến giáo viên chủ động tìm hiểu, cập nhật các mô hình hay, sáng tạo từ các trường, các địa phương và điều chỉnh phù hợp với điều kiện dạy và học của nhà trường. Dù đã chủ động sắp xếp giáo viên, cô Yến chia sẻ khó khăn hiện nay là giáo viên có trình độ chuyên môn còn thiếu. Do đó, giáo viên vừa dạy học vừa tích luỹ kinh nghiệm.
Ông Nguyễn Mạnh Đạt, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Hưng Yên, cho biết: Đối với Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp theo CT GDPT 2018, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo giáo viên được phân công đảm nhận nội dung hoạt động nào phải có năng lực chuyên môn phù hợp với nội dung hoạt động đó.
Giáo viên được phân công đảm nhận các nội dung hoạt động của chương trình Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp thực hiện đúng nhiệm vụ của giáo viên thực hiện chương trình Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; phân định rõ nhiệm vụ thực hiện chương trình Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp với nhiệm vụ của giáo viên làm chủ nhiệm lớp theo quy định hiện hành.
Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp được tổ chức theo nhiều loại hình hoạt động, với sự tham gia, phối hợp, liên kết của nhiều lực lượng giáo dục trong và ngoài nhà trường như: giáo viên chủ nhiệm lớp, giáo viên môn học, cán bộ tư vấn tâm lí học đường, cán bộ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, cán bộ Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, cán bộ phụ trách Đội TNTP Hồ Chí Minh, cán bộ quản lí nhà trường, cha mẹ học sinh, chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân trong xã hội.
Tuy nhiên, hiện nay, ngành Giáo dục tỉnh Hưng Yên còn gặp một số khó khăn khi triển khai dạy Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, có thể kể đến như cơ sở vật chất, trang thiết bị ở một số cơ sở giáo dục chưa đồng bộ, việc khai thác, sử dụng thiết bị dạy học ở một số nhà trường còn hạn chế. Một số trường thiếu giáo viên hoặc giáo viên đã lớn tuổi nên đổi mới phương pháp dạy học còn chậm...