Hoạt động khởi động: Rèn luyện kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh

GD&TĐ - Hoạt động khởi động (warm-up) là hoạt động ngắn thường được tiến hành ở đầu các giờ học của tất cả các môn. Với giờ học tiếng Anh, hoạt động này có ý nghĩa và vai trò quan trọng trong việc quyết định sự thành công của giờ giảng.

Ảnh minh họa - nguồn internet
Ảnh minh họa - nguồn internet

Xóa đi sự ngại ngùng, e dè của người học

Theo TS. Đặng Thị Thu Hương, Học Viện Quản lý Giáo dục, một trong những nội dung của phương pháp giảng dạy mà giáo viên cần chú trọng tới đó là tổ chức các hoạt động khởi động trong giờ học. Hoạt động này có vai trò làm “tan băng” (ice-breaking), xóa đi sự ngại ngùng, e dè của người học và thu hẹp khoảng cách giữa người dạy - người học, người học - người học.Thay vào đó, nó giúp làm “ấm lên” (warm-up) bầu không khí trong lớp học.

Hoạt động này thường được sử dụng trước khi bắt đầu buổi học, trước một nội dung học nhưng cũng có lúc được dùng đan xen trong giờ nếu giáo viên nhận thấy người học đang chán nản hoặc mệt mỏi.

Có rất nhiều hoạt động khởi động được tổ chức trong giờ học. Chẳng hạn, hoạt động “Giới thiệu bản thân” của giáo viên, giáo viên ghi lên bảng một số từ khóa về bản thân. Giáo viên cho sinh viên làm việc theo cặp để đoán thông tin trên bảng, sau đó mời một số sinh viên đặt câu hỏi để giáo viên đưa ra câu trả lời về bản thân mình theo những thông tin có sẵn.

Trong giờ học (ảnh nguồn internet)
Trong giờ học (ảnh nguồn internet) 

Người học có thể đặt các các câu hỏi khác để có thêm thông tin về giáo viên hoặc giáo viên yêu cầu người học đóng cặp thành một cuộc phỏng vấn (có thể ghi hình lại) một người hỏi, một người trả lời về các thông tin cá nhân của giáo viên.

Lựa chọn độ khó cho phù hợp

Theo Ths. Phạm Thùy Thu, Học viện Quản lý giáo dục, để giúp người học mở rộng vốn từ vựng và rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, GV tổ chức hoạt động “Con rắn từ vựng”. Giáo viên chia người học ra thành các nhóm, mỗi nhóm gồm 5 người ngồi thành hình vòng tròn, cử một người ghi chép. Giáo viên đưa ra một từ làm ‘đầu rắn’, các nhóm có 3 phút để nối "thân rắn", từ đứng sau có chữ cái đầu là chữ cái cuối của từ đứng trước.

Ví dụ: Giáo viên cho từ ‘Love’, chuỗi các từ tiếp theo có thể như sau: (Love, English, honest, teacher…)

Tùy thuộc vào trình độ của người học, giáo viên có thể lựa chọn độ khó cho phù hợp (nhóm từ loại, nhóm từ vựng theo chủ đề…). Sau 3 phút, các nhóm trao đổi kết quả để kiểm tra chéo và đếm từ. Nhóm có số lượng từ nhiều nhất (đúng chính tả) nghĩa là có “con rắ”’ dài nhất sẽ thắng cuộc và giành được phần thưởng của giáo viên. Giáo viên có thể tổ chức cho các nhóm phân loại nhóm từ đã tìm được theo trường nghĩa hoặc theo từ loại.

8 nguyên tắc để thực hiện hiệu quả

TS. Đặng Thị Thu Hương cho rằng, để thực hiện hiệu quả các hoạt động khởi động trong lớp học, giáo viên cần lưu ý tới một số nguyên tắc:

Đảm bảo hoạt động phải phù hợp: Tùy thuộc vào trình độ, năng lực tiếng Anh, lứa tuổi, tâm lý của người học; điều kiện hoàn cảnh, thời điểm và mục tiêu của bài giảng... giáo viên có thể lựa chọn nội dung và hình thức tổ chức phù hợp để có hiệu quả tốt nhất.

Thực hiện hoạt động có mục tiêu rõ ràng: Mỗi hoạt động được tổ chức, giáo viên cần lưu ý đến mục tiêu để hoạt động có ý nghĩa. Ví dụ: Hoạt động “Chúng mình cùng làm quen” nhằm mục tiêu cho người học làm quen với nhau trong một bầu không khí thoải mái và “nhúng” trong môi trường tiếng Anh.

Hướng dẫn hoạt động dễ hiểu: Khi đưa ra hướng dẫn hoạt động, giáo viên cần giải thích và đưa ra hoạt động mẫu hoặc đặt một số câu hỏi kiểm tra liệu người học đã hiểu và có thể triển khai được hoạt động một cách hiệu quả hay chưa, sau đó mới tiến hành tổ chức hoạt động.

Tổ chức hoạt động linh hoạt: Hoạt động có thể được tổ chức một cách linh hoạt, không nên cứng nhắc theo kịch bản đã chuẩn bị sẵn trong giáo án.

Tạo môi trường sử dụng tiếng Anh: Bên cạnh việc tạo không khí cho lớp học, giáo viên cần lưu ý việc thúc đẩy người học sử dụng tiếng Anh càng nhiều càng tốt trong những hoạt động này là vô cùng cần thiết. Giáo viên đưa người học vào một hoạt động “học mà chơi, chơi mà học” một cách tự nhiên mà vẫn đạt được ý đồ sư phạm của mình.

Phát huy được tính chủ động của người học: GV chỉ là người hướng dẫn tổ chức để người học chủ động thực hiện các hoạt động nhằm phát huy năng lực của mình. Hơn thế nữa, giáo viên có thể phát động cuộc thi “Thiết kế hoạt động học tiếng Anh” để người học thỏa chí thể hiện khả năng sáng tạo của mình.

Tạo không khí tích cực: Hoạt động được tổ chức nhằm tạo không khí tích cực, không khiên cưỡng để người học thực sự thoải mái và có nhu cầu tham gia. Khi hoạt động không thu hút được người học vì nhiều nguyên nhân (quá khó, quá dễ, buồn tẻ...), giáo viên ngay lập tức điều chỉnh hoạt động cho có sức hấp dẫn hơn và phù hợp hơn.

Sắp xếp nhóm đồng đều, tránh thiên vị: Việc sắp xếp và chia nhóm không đồng đều (về số lượng, trình độ, giới tính...) khi tổ chức hoạt động cũng sẽ tạo nên một rào cản cho sự thành công của hoạt động. Do đó, giáo viên nên chú ý sắp xếp nhóm cho phù hợp khi tổ chức các hoạt động cần sự tư duy và sức mạnh thể chất giữa các đội.

“Hoạt động khởi động là một bước trong tiến trình thực hiện các giờ học. Nếu hoạt động được sử dụng một cách phù hợp sẽ mang lại hiệu quả rất lớn đối với giờ học ngoại ngữ. Nó không chỉ giúp cho người học có thêm sự hứng khởi và tự tin khi bước vào giờ học, phát triển các kỹ năng ngôn ngữ mà còn tăng cường các kỹ năng mềm như làm việc nhóm, thuyết trình, tư duy sáng tạo và phản biện…cho người học”, TS. Đặng Thị Thu Hương chia sẻ .

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiện trường vụ tổ hợp Litening rơi tại East Yorkshire, miền đông nước Anh.

Tiêm kích Typhoon bị 'mù' sau sự cố

GD&TĐ - Theo The Aviationist, chiến đấu cơ Typhoon của Không quân Anh đã gặp sự cố bất ngờ trong diễn tập khi để rơi tổ hợp chỉ thị mục tiêu Litening.