Giáo dục hướng nghiệp trong trường học: Chuyên nghiệp hóa để nâng cao chất lượng

GD&TĐ - Những năm gần đây, giáo dục hướng nghiệp đạt được một số kết quả, góp phần tích cực phát triển nguồn nhân lực phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Học sinh Trường THPT Ngô Quyền (Hải Phòng) trong một giờ học ngoại khóa về hướng nghiệp. Ảnh: NTCC
Học sinh Trường THPT Ngô Quyền (Hải Phòng) trong một giờ học ngoại khóa về hướng nghiệp. Ảnh: NTCC

Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tiễn vẫn còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết.

Mềm hóa các hoạt động hướng nghiệp

“Từ nhà trường đến nhà máy” là hoạt động trải nghiệm do Trường THPT Ngô Quyền (Hải Phòng) phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức nhằm đem lại cho học sinh cách nhìn mới, thực tế hóa kiến thức đã học tại nhà trường. Tại buổi trải nghiệm, học sinh được tham quan   nhà máy, quan sát thực tế hoạt động sản xuất.

Trước khi đưa các em đến nhà máy, thầy cô đã thiết kế phiếu học tập, thu hoạch trải nghiệm. Dựa trên các yêu cầu này khi tham quan nhà máy, học sinh quan sát hoạt động theo định hướng vận dụng lý thuyết môn học vào thực tiễn, đồng thời cũng giúp thầy cô giáo đánh giá được năng lực của học sinh.

Trần Thanh Phong, học sinh lớp 12 Trường THPT Ngô Quyền, chia sẻ: Trải nghiệm tại các nhà máy giúp em hiểu thêm về ngành nghề trong tương lai. Quá trình chuẩn bị báo cáo chuyên đề và trải nghiệm thực tế, em được tìm hiểu rõ hơn quy trình làm ra sản phẩm, từ nguyên liệu đầu vào, sản xuất đến chiếc lược kinh doanh, phát triển sản phẩm.

Cô Cao Tố Nga, Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền, cho biết: Dựa trên lý thuyết về phương pháp “học tập qua trải nghiệm”, giáo viên đã thiết kế chuyên đề “từ trường học đến nhà máy” với 5 bước. Dưới sự hướng dẫn của thầy cô, học sinh tự mình trải nghiệm, sau đó chia sẻ lại các kết quả, phân tích, thảo luận trong suốt quá trình thực tế, đồng thời liên hệ giữa lý thuyết và thực tế.

Trong quá trình tham quan, học sinh thu hoạch được rất nhiều kỹ năng “mềm” như  khai thác, tìm hiểu thông tin, làm việc nhóm, xử lý vấn đề, quan sát, từ đó hình thành năng lực tự học, tự giải quyết vấn đề, giao tiếp, hợp tác, sử dụng công nghệ thông tin, ngôn ngữ...

Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) những năm qua đã đẩy mạnh và tăng cường phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng cho học sinh phổ thông, tổ chức ngày hội tư vấn, hướng nghiệp, thi tìm hiểu về thế giới nghề nghiệp.

Theo cô Phạm Thị Huệ - Hiệu trưởng nhà trường, để công tác hướng nghiệp đi vào thực chất, hấp dẫn học sinh, nhà trường tổ chức các câu lạc bộ học thuật, sở thích, qua đó giúp học sinh phát huy năng khiếu và đam mê của mình. Mỗi câu lạc bộ có ít nhất một giáo viên trẻ năng động tham gia hướng dẫn và hỗ trợ.

Nhà trường còn tích cực đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp; phát triển đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn, hướng nghiệp trong nhà trường, cử giáo viên làm công tác giáo dục hướng nghiệp tham gia các lớp bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng tư vấn, phương pháp tư vấn hiện đại; rà soát, bổ sung cơ sở vật chất, thiết bị dạy học phục vụ giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề.

Học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong tìm hiểu về các ngành nghề trong một buổi tư vấn tuyển sinh. Ảnh: NTCC
Học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong tìm hiểu về các ngành nghề trong một buổi tư vấn tuyển sinh. Ảnh: NTCC

Chuyên nghiệp hóa công tác hướng nghiệp

Theo TS Lê Đông Phương (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam), giáo dục hướng nghiệp là bước đi đầu tiên để học sinh hình dung cơ hội việc làm sau này, đặc trưng của nghề và chỉ ra cho các em những gì phải chuẩn bị để sau này có thể gắn bó với nghề đó.

Tuy nhiên, thực tế ở các trường phổ thông cho thấy, giáo viên giảng dạy giáo dục hướng nghiệp có nhiều bất cập. Có thể kể đến việc các trường không có biên chế chính thức làm công tác tư vấn hướng nghiệp nên học sinh và giáo viên không có sự trợ giúp cần thiết về chuyên môn; thiếu các phương tiện cần thiết như tài liệu tham khảo cập nhật, phòng tham vấn nên không thể tạo lập được hồ sơ tư vấn cho học sinh.

Những người làm công tác hướng nghiệp thường là giáo viên dạy môn học khác hay giáo viên chủ nhiệm “được” trao trách nhiệm phụ trách hướng dẫn giáo dục hướng nghiệp, dẫn đến giáo dục hướng nghiệp và tư vấn thường bị coi là việc của giáo viên chủ nhiệm/giáo viên dạy các môn kỹ thuật chứ không phải là trách nhiệm chung của nhà trường.

Hình thức tư vấn hiện nay chủ yếu được thực hiện theo nhóm rất lớn (toàn trường hoặc một khối lớp) nên gần như không có tương tác thực sự với học sinh, trả lời hay giải đáp được các thắc mắc của các em. Giáo viên, cán bộ tư vấn thiếu hiểu biết về thị trường lao động, yêu cầu của các công việc khác nhau.

Do đó, đa số học sinh “đói” thông tin về nghề nghiệp, trong khi các tài liệu giáo dục hướng nghiệp chỉ đề cập đến một số ít nghề phổ biến trong rất nhiều nghề. Điều này đã ảnh hưởng rất nhiều đến sự lựa chọn phân ban và định hướng hàn lâm sau này của học sinh THPT.

Những bất cập này sẽ được khắc phục trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, khi giáo dục hướng nghiệp được đổi mới. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nói riêng và Chương trình Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp hướng đến việc dạy cho mỗi cá nhân lựa chọn được nghề phù hợp với bản thân, sống được bằng nghề, tự hào về nghề.

Ông Bùi Văn Linh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị, học sinh và sinh viên (Bộ GD&ĐT) - thông tin: Bộ sớm ban hành Thông tư quy định về công tác tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục nhằm cụ thể hóa nội dung tại Đề án 1665 của Bộ GD&ĐT về hỗ trợ khởi nghiệp. Thông tư sẽ quy định cụ thể trách nhiệm của từng địa phương, đơn vị trong việc thực hiện công tác này.

Đưa dạy học khởi nghiệp sớm vào nhà trường nhằm trang bị cho người học kiến thức về đổi mới sáng tạo, thay đổi tư duy, phương pháp học tập, có kỹ năng xử lý giải quyết vấn đề hiệu quả, có khả năng ứng dụng các kỹ năng về đổi mới sáng tạo trong quá trình học tập, rèn luyện. Khởi nghiệp chính là công cụ để hiện thực việc vốn hóa nguồn tri thức, góp phần tạo ra giá trị cho cộng đồng, xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ