Đổi mới phương pháp, hình thức hoạt động giáo dục hướng nghiệp

GD&TĐ - Đổi mới phương pháp, hình thức hoạt động giáo dục hướng nghiệp, đáp ứng mục tiêu phân luồng học sinh, nhất là phân luồng sau THCS. Đó là yêu cầu của Sở GD&ĐT Bắc Kạn trong công tác giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh năm học 2016 - 2017.

Đổi mới phương pháp, hình thức hoạt động giáo dục hướng nghiệp

Cụ thể, Sở này yêu cầu Trung tâm KTTH-HN phối hợp với các nhà trường thực hiện tốt công tác tư vấn hướng nghiệp, hướng học tại các trường trung học, nghiên cứu đổi mới nội dung, hình thức tư vấn nhằm giúp học sinh có những căn cứ, cơ sở khoa học trong việc định hướng học tập, lựa chọn nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp THCS,THPT theo năng lực của bản thân, điều kiện kinh tế gia đình, đồng thời phù hợp với nhu cầu của xã hội.

Dựa vào chương trình dạy nghề phổ thông, các nhà trường định hướng để học sinh lựa chọn, khuyến khích các đơn vị lựa chọn các nghề đáp ứng với yêu cầu phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương và điều kiện dạy học của nhà trường; tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị và đội ngũ giáo viên để nâng cao chất lượng giáo dục nghề phổ thông.

Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp Bắc Kạn dạy nghề phổ thông cho học sinh lớp 11 trường THPT Chuyên, THPT Bắc Kạn cần có sự phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong công tác tổ chức dạy học và quản lí học sinh nhằm đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Các đơn vị báo cáo số liệu học sinh học nghề phổ thông về Sở GD&ĐT trước ngày 20/9/2016.

Sở GD&ĐT Bắc Kạn cũng đề nghị các nhà trường tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh ở trong và ngoài nhà trường.

Hiệu trưởng nhà trường chỉ đạo việc thực hiện tìm hiểu thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu của thị trường lao động, phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để cung cấp thông tin cho học sinh nhằm định hướng các hoạt động giáo dục đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, phục vụ nhu cầu của địa phương.

Mỗi phòng GD&ĐT lựa chọn ít nhất 1 trường để triển khai thí điểm mô hình giáo dục nhà trường gắn với thực tiễn sản xuất kinh doanh của địa phương.

Các trường trung học tăng cường phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc tổ chức tư vấn đào tạo kỹ năng nghề trong chương trình hướng nghiệp.

Tăng cường huy động các nguồn lực tài chính và các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đảm bảo cho việc tổ chức các hoạt động dạy học/giáo dục trong nhà trường theo hướng thực học, lý thuyết gắn với thực hành và thực tiễn, đảm bảo giáo dục cơ bản ở trung học cơ sở, phục vụ cho giáo dục hướng nghiệp và phân luồng đạt hiệu quả…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ