Những năm qua, hệ thống pháp luật của nước ta không ngừng được hoàn thiện, bảo đảm khuôn khổ pháp lý để tiến hành công cuộc đổi mới, góp phần đưa nước ta phát triển nhanh, bền vững.
Tuy nhiên, phải thẳng thắn rằng, so với yêu cầu, hệ thống pháp luật và quy trình xây dựng pháp luật vẫn còn không ít bất cập. Trước thực tế này, yêu cầu cấp thiết đặt ra là phải đổi mới căn bản công tác xây dựng thể chế, pháp luật.
Coi đây là “đột phá của đột phá” để bảo đảm nền tảng pháp lý vững chắc, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển, đưa đất nước vững bước tiến vào “kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
Cụ thể hóa mục tiêu này, Nghị quyết phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 3/2025 của Chính phủ đã đề ra các yêu cầu cụ thể. Đó là cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan liên quan chuẩn bị hồ sơ, trình bày Tờ trình một cách khoa học, trong đó thuyết minh đầy đủ, súc tích, rõ ràng những nội dung cơ bản làm cơ sở cho cơ quan thẩm định, thẩm tra tiếp cận, nghiên cứu, đánh giá và tham mưu cho cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Với các dự án luật, pháp lệnh sửa đổi, bổ sung, cần làm rõ những quy định kế thừa hoặc lược bỏ, vì sao? Những quy định sửa đổi, hoàn thiện cụ thể, vì sao? Những quy định bổ sung mới, vì sao? Những nội dung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính là bao nhiêu, vì sao? Những nội dung phân cấp, phân quyền, cụ thể là gì, cho ai, vì sao?...
Đối với các dự án luật, pháp lệnh mới, cần làm rõ các nội dung như đường lối, chính sách của Đảng được cụ thể hóa như thế nào? Những vấn đề thực tiễn pháp luật chưa quy định là gì? Những vấn đề gì pháp luật đã quy định nhưng chưa phù hợp? Những nội dung vướng mắc cần tháo gỡ là gì? Việc đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính như thế nào? Việc phân cấp, phần quyền như thế nào?...
Ngoài những vấn đề trên, Nghị quyết cũng yêu cầu việc xây dựng luật cần tập trung nguồn lực, tận dụng tiến bộ khoa học công nghệ, chuyển đổi số, các công cụ trợ lý ảo, cơ sở dữ liệu hỗ trợ... Đặc biệt, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chế độ, chính sách xứng đáng cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật...
Những yêu cầu trên là xác đáng, tuy nhiên, để thực hiện được, mấu chốt vẫn là đổi mới tư duy, quy trình xây dựng pháp luật theo hướng chuyên nghiệp, khoa học, kịp thời, khả thi, hiệu quả.
Phân tích, làm rõ hơn về điều này, một số ý kiến tại Hội thảo khoa học Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để tạo đột phá trong xây dựng pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới diễn ra mới đây cho rằng, trước tiên, Bộ Tư pháp cần chủ động xây dựng đội ngũ chuyên gia có kỹ thuật lập pháp.
Vì nếu văn bản pháp luật không được soạn thảo một cách khoa học, chính xác thì khi đưa vào thực tế, sẽ phản tác dụng và gây khó khăn cho việc thực thi.
Các quy định pháp luật cũng nên thiết kế theo hướng mở, không gò bó trong những khuôn khổ cứng nhắc. Chính sách pháp luật không chỉ mang tính bắt buộc, mà còn cần có các cơ chế tự điều chỉnh, cho phép các chủ thể áp dụng linh hoạt trong những tình huống cụ thể, phù hợp với biến động không ngừng của thực tiễn.
Mặt khác, chính sách pháp luật phải có khả năng dự báo những thay đổi về công nghệ và quan hệ kinh tế - xã hội trong tương lai. Thay vì tập trung điều chỉnh những vấn đề đã xảy ra, phải chủ động đề ra chính sách không chỉ để thích ứng mà còn để dẫn dắt sự phát triển.
Nhìn nhận ở góc độ rộng hơn, một chuyên gia cho rằng, xây dựng pháp luật không chỉ là nhiệm vụ của Quốc hội mà vai trò chủ chốt thuộc về Chính phủ, các bộ, ngành. Quốc hội chủ yếu thực hiện quyền biểu quyết thông qua hoặc không thông qua.
Do đó, để nâng cao chất lượng lập pháp, cần tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ đại biểu Quốc hội. Ngoài ra, cần tăng cường đại biểu chuyên trách để tiến tới một Quốc hội chuyên nghiệp, bảo đảm có đủ nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ lập pháp.
Trong kỷ nguyên mới, pháp luật phải thật sự là nền tảng của phát triển, phục vụ phát triển và thúc đẩy phát triển. Cho nên, tất yếu phải thay đổi tư duy lập pháp để một mặt vừa bảo đảm yêu cầu quản lý Nhà nước. Đồng thời khuyến khích đổi mới sáng tạo, giải phóng sức sản xuất, huy động mọi nguồn lực phát triển…