Hoàn thiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng

GD&TĐ - Ưu đãi người có công với cách mạng là chính sách đặc biệt thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Trong những năm qua, chính sách này tiếp tục được hoàn thiện, thể hiện sự tôn vinh và tri ân, đãi ngộ của Đảng, Nhà nước đối với những cống hiến của người có công với cách mạng.

Ưu đãi người có công với cách mạng là một chính sách đặc biệt thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Ảnh: ITN
Ưu đãi người có công với cách mạng là một chính sách đặc biệt thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Ảnh: ITN

Chuẩn hóa các điều kiện

Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công với cách mạng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 29/8/1994. Đây là cơ sở pháp lý vững chắc nhằm thể hiện trách nhiệm của Nhà nước và toàn xã hội trong việc quan tâm chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần người có công và gia đình người có công.

Từ đó đến nay, pháp lệnh đã được sửa đổi qua các năm 1998, 2000, 2002, 2005, 2007, 2012 và được đổi tên thành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước qua từng thời kỳ. Đến thời điểm hiện nay, công tác thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng tiếp tục đặt ra các yêu cầu mới, đòi hòi cần tiếp tục hoàn thiện.

Theo Ban soạn thảo, Dự thảo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng sửa đổi lần này gồm 7 chương, 59 điều, tăng 2 chương, 11 điều so với Pháp lệnh hiện hành. Trong đó tập trung sửa đổi, bổ sung các nội dung cơ bản, quy định rõ hơn về đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi.

Đồng thời sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành về điều kiện, tiêu chuẩn đối với 11 đối tượng người có công, như: Quy định về điều kiện, tiêu chuẩn xét xác nhận là người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945; Điều kiện, tiêu chuẩn cán bộ tiền khởi nghĩa; Chế độ bảo hiểm y tế đối với thân nhân cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa còn sống; Quy định vợ (chồng) liệt sĩ lấy chồng (vợ) khác nhưng đã có trách nhiệm chăm sóc bố, mẹ liệt sĩ, nuôi con liệt sĩ đến tuổi trưởng thành được UBND cấp xã công nhận thì được hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng và được Nhà nước mua bảo hiểm y tế; Sửa đổi quy định thân nhân liệt sĩ được hưởng tối đa 3 định suất theo hướng thân nhân liệt sĩ được hưởng đầy đủ số định suất tuất tương ứng với số liệt sĩ…

Ông Đào Ngọc Lợi, Cục trưởng Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: Nhằm khắc phục một số bất cập, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Pháp lệnh và thực hiện Chỉ thị số 14 của Ban Bí thư về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với việc ưu đãi người có công với cách mạng, trong đó có nội dung nghiên cứu hoàn thiện dự thảo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng sửa đổi.

Quan điểm sửa đổi Pháp lệnh lần này là không mở rộng mà giữ nguyên 11 đối tượng. Tuy nhiên sẽ chuẩn hóa một số điều kiện tiêu chuẩn để phù hợp với từng thời kỳ và các đối tượng, như điều kiện xác nhận đối với thương binh, bệnh binh, các đối tượng khác liên quan đến thời chiến, thời bình và qua các cuộc cách mạng chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh biên giới… Đây chính là điểm mới quan trọng của lần sửa đổi này.

Pháp lệnh cũng đồng thời bổ sung một số chế độ đối với các đối tượng để phù hợp với đời sống xã hội hiện nay. Thống nhất các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng. Hoàn thiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng sửa đổi, ngành đã xin ý kiến rộng rãi các đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, UBND các địa phương, Sở LĐ-TB&XH, các bộ ngành, chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng văn bản pháp luật về ưu đãi người có công. Từng đơn vị đều xin ý kiến về những vấn đề trong các khía cạnh khác nhau… Dự kiến, tháng 9/2019 sẽ trình Chính phủ thông qua, sau đó sẽ tiếp tục hoàn thiện để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành vào tháng 11/2019.

Tri ân các thương binh, liệt sĩ

Theo ông Đào Ngọc Lợi, trong tháng 7 tổ chức trao bằng Tổ quốc ghi công đối với hơn 400 liệt sĩ được xác định thông qua đợt rà soát hồ sơ tồn đọng. Lễ trao bằng Tổ quốc ghi công dự kiến tổ chức tại tỉnh Vĩnh Long - cơ sở cách mạng qua các thời kỳ kháng chiến. Trong đó, có một số hoạt động xung quanh như: Tặng nhà tình nghĩa, khởi công xây dựng công trình thương binh, liệt sĩ tại địa phương…

Hoạt động thường niên vẫn được duy trì là gặp mặt tuyên dương người có công tiêu biểu. Tuy nhiên năm nay, chương trình dành tặng cho thương binh nặng mất sức lao động từ 81% trở lên tiêu biểu toàn quốc.

“Với hơn 12 nghìn thương binh nặng, gặp khó khăn trong việc di chuyển cũng như sinh hoạt hàng ngày, lễ tuyên dương nhằm tôn vinh, tri ân các thương binh đã vượt lên bệnh tật, hòa nhập với cuộc sống”, ông Lợi trao đổi.

Cùng với đó là tăng mức trợ cấp với người có công với cách mạng. Theo đó, người có công với cách mạng không hưởng lương hoặc sinh hoạt phí khi đi học tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học được trợ cấp thêm 300 nghìn đồng/năm. Con của người có công với cách mạng theo quy định của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng không hưởng lương hoặc sinh hoạt phí khi đi học cũng được trợ cấp khi đi học tại cơ sở GDMN, GDPT, GDTX, trường dự bị đại học, trường năng khiếu, GDĐH, GD nghề nghiệp… với mức hỗ trợ lần lượt là 200 nghìn - 250 nghìn và 300 nghìn/năm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.