Chưa đề xuất ngày nghỉ lễ thay thế ngày 27/7

GD&TĐ - Cho rằng có thêm ngày nghỉ là cần thiết song Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp khẳng định, chưa đề xuất ngày nghỉ lễ thay thế ngày 27/7.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp trao đổi thông tin tại buổi họp báo
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp trao đổi thông tin tại buổi họp báo

Bổ sung ngày nghỉ là cần thiết

Trong quá trình chuẩn bị dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung ngày 27/7 làm ngày nghỉ lễ để nhân dân có thời gian thực hiện những hoạt động thiết thực, tri ân những người có công với đất nước. Bên cạnh đó, số ngày nghỉ lễ, tết trong một năm của người lao động Việt Nam đang ở mức trung bình thấp so với các quốc gia trên thế giới và thấp trong khu vực. Việc bổ sung ngày nghỉ thực chất là điều chỉnh thời gian nghỉ lễ trong một năm cho hợp lý hơn, đặc biệt trong suốt khoảng thời gian 4 tháng, từ ngày 2/5 đến ngày 1/9 hiện không có một ngày nghỉ lễ nào...

Diễn biến tại Kỳ họp Quốc hội vừa qua cho thấy, đề xuất bổ sung ngày 27/7 vào các ngày nghỉ lễ trong năm thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, đa số các ý kiến đều chưa đồng tình với đề xuất này. Ngày 27/7 có thể là tình cảm, niềm tin của người này, nhưng cũng có thể là nỗi bất an, sự đau thương của người khác. Động chạm đến cảm xúc và lòng trắc ẩn của nhiều người. Việc tri ân có thể tác động đến tư tưởng của người dân, ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết dân tộc. Theo thống kê của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, trong số 16 ý kiến về vấn đề này, thì 15 đại biểu không nhất trí lấy đây là ngày lễ.

Mặc dù không nhất trí với đề xuất về ngày 27/7, nhưng nhiều ý kiến cho rằng việc bổ sung một ngày nghỉ lễ trong năm là cần thiết. Một số đề xuất cho rằng có thể nghỉ vào các ngày như: Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Ngày tựu trường, ngày cuối năm (31/12)…

Giải trình thêm một số vấn đề khiến nhiều đại biểu băn khoăn tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, về đề xuất lấy ngày 27/7 là ngày nghỉ trong năm, Dự thảo Luật cũng đề cập, nêu rõ ý nghĩa nhân văn. Tuy nhiên, qua ý kiến của đại biểu phát biểu, tranh luận, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Chính phủ tiếp thu, lắng nghe và xin chính thức rút nội dung này ra khỏi dự thảo.

Cần đánh giá đầy đủ và toàn diện

Trao đổi với báo chí tại cuộc họp báo thông tin kết quả thực hiện các chính sách lao động, người có công và xã hội 6 tháng đầu năm 2019, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết, trong tờ trình Thủ tướng Chính phủ có đề xuất một ngày nghỉ, trong bối cảnh từ 1/5 đến 2/9 không có ngày nghỉ nào, đồng thời số ngày nghỉ của Việt Nam còn thấp so với các nước khác.

Tuy nhiên, tại Kỳ họp thứ 7, các đại biểu Quốc hội cho rằng, nên bổ sung ngày nghỉ lễ vào dự luật nhưng không nên chọn ngày 27/7; có thể chọn Ngày Quốc tế thiếu nhi (1/6), Ngày Gia đình Việt Nam (28/6)… Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ và được Chính phủ đồng ý rút đề xuất ngày nghỉ 27/7. Theo yêu cầu của Quốc hội, mỗi khi đề xuất một chính sách mới cần tổ chức đánh giá đầy đủ về cả mặt kinh tế, xã hội. Từ nay đến Kỳ họp thứ 8, thời gian khá ngắn chính vì vậy, để đảm bảo tất cả các yêu cầu của Quốc hội cần phải tổ chức thêm nhiều hội thảo. Chính vì thế, Ban soạn thảo chưa đề xuất ngày thay thế 27/7.

Số ngày nghỉ lễ, tết trong một năm của người lao động Việt Nam hiện nay là ở mức trung bình thấp so với các quốc gia trên thế giới và ở mức thấp so với các quốc gia trong khu vực. Campuchia là 28 ngày; Brunei là 15 ngày; Indonesia là 16 ngày; Malaysia là 12 ngày, Myanmar là 14 ngày, Philippines là 12 ngày, Singapore là 11 ngày; Thái Lan là 16 ngày. Trong khi tổng số ngày nghỉ lễ, tết hiện tại của Việt Nam là 10 ngày, việc tăng thêm 1 ngày nghỉ lễ giúp cho người lao động có thêm thời gian để nghỉ ngơi tái sản xuất sức lao động, chăm lo gia đình và góp phần kích thích các ngành dịch vụ phát triển.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ