Sáng tạo với... “Côn trùng”

5 họa sĩ thế hệ 7X và 8X  tham dự triển lãm.
5 họa sĩ thế hệ 7X và 8X tham dự triển lãm.

Cuộc chơi ý tưởng

Côn trùng chỉ là đề tài để thể hiện tác phẩm, còn mục đích của họa sĩ là muốn trình ra các quan niệm, ý tưởng và phương pháp mới trong nghệ thuật điêu khắc. Với triển lãm này, cả 5 họa sĩ đều muốn thoát khỏi các quan niệm về điêu khắc truyền thống. Họ đưa ra một góc nhìn khác, đó là tạo hình 3D, là đục, đẽo, khuôn... và phản ánh hiện thực...

Yến Năng là một nghệ sĩ thị giác, chuyên làm những tác phẩm có tính phù du, gần đây anh đổi mới bằng những tác phẩm điêu khắc nét bằng sắt sợi hoặc kết hợp chất liệu sắt sợi và than. Ám ảnh khi đến thực địa vụ cháy rừng ở Hà Tĩnh, mọi vật đều biến thành than bụi, ngay cả những con côn trùng bé xíu cũng bị diệt vong, chẳng còn sự sống nào. Nhặt từ đống tro tàn những que than Yến Năng đã thực hiện tác phẩm của mình.

Lê Đức Hùng (Hùng Dingo) là họa sĩ biếm họa nên cái nhìn về côn trùng của anh cũng bộc lộ quan điểm xã hội: Lo ngại về những loài sâu bọ phá hoại tinh thần của con người. Ngôn ngữ điêu khắc của anh ngẫu hứng, tự do uốn, cài đan xen sắt và dây thép gai.

Dưới con mắt của nghệ sĩ Hà Huy Mười, đôi khi con côn trùng bé li ti nhưng lại có sức công phá còn mạnh hơn cả loài tê giác. Sử dụng phương pháp phóng đại và lạ hóa Hà Huy Mười đã biến các con côn trùng của mình thành nửa quen nửa lạ.

Phạm Thị Hồng Sâm mang đến triển lãm một tác phẩm điêu khắc 2D khá hoành tráng, như một đóng góp mới về ngôn ngữ điêu khắc ở Việt Nam. Những con côn trùng được Hồng Sâm tạo ra kỳ dị, giàu trí tưởng tượng và rất đẹp mắt.

Dành ra hơn một năm để nghiên cứu tập tính bầy đàn của loài kiến, Nguyễn Mạnh Hùng phát hiện ra những đặc tính xã hội của loài này. Góc sắp đặt của anh trong triển lãm là một đàn kiến, từ kiến chúa đến kiến thợ, nhằm hiển thị những mối quan hệ xã hội phức tạp chẳng khác gì xã hội loài người.

Đánh giá chung về 24 tác phẩm của triển lãm, TS Bùi Quang Thắng - Giám đốc Nghệ thuật Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển nghệ thuật đương đại (Vicas Art Studio) nhấn mạnh: Cả 5 nghệ sĩ đều không đặt mục tiêu thương mại lên hàng đầu mà coi “Côn trùng” là cuộc chơi ý tưởng. Cái hay của triển lãm này nằm ở việc lựa chọn các phương tiện biểu hiện và tinh thần tự do trong khai thác chất liệu, phi truyền thống, rẻ tiền, từ sắt sợi, sắt vụn, bìa, giấy, xốp, than...

Nhờ côn trùng…lên tiếng

Với “Nối mi”, Nguyễn Thị Hồng Sâm đề cập đến việc trang điểm làm đẹp của phụ nữ nếu thái quá dễ gây cảm giác bất an cho người khác. Nhiều phụ nữ sợ và ghét các loại côn trùng, sâu bọ, thế nhưng trong cuộc sống vẫn tồn tại điều bi hài là đôi khi ta không nhận ra mình có nhiều điểm tương đồng với chính thứ mà mình ghét sợ. “Nối mi” được tạo hình từ vải lông phủ lên các túi nylon đã qua sử dụng, nhựa, mút, xốp vụn… Theo họa sĩ Hồng Sâm sự tương phản giữa hai lớp chất liệu thể hiện ý tưởng: Cái hào nhoáng bên ngoài chỉ để che đi rác bên trong.

Cùng với “Nối mi” là series 4 tác phẩm “Bọ” và 8 tác phẩm “Côn trùng” được Hồng Sâm lấy cảm hứng từ sự đa dạng của thế giới các loài côn trùng. Hàng năm, cùng với danh sách những loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng thì các nhà khoa học cũng công bố rất nhiều loại sinh vật mới được phát hiện. “Những con bọ, côn trùng trong các tác phẩm của tôi được tạo ra với nhiều hình thù kỳ dị, không giống với những loài côn trùng thông thường. Rất có thể chúng là một loài có thật, đang ở đâu đó ngoài kia chờ được khám phá”, Phạm Thị Hồng Sâm bật mí.

Nguyễn Mạnh Hùng lại có cách lý giải khá thú vị: Tôi thường hay liên tưởng mình với kiến rồi mở rộng ra liên tưởng người Việt với kiến. Từng vẩy sắt, từng mối hàn, cũng như con kiến vê từng hạt bụi xây thành tổ, chất liệu và nhân vật thật “ăn” với nhau. Tôi đem hai tác phẩm gia nhập thế giới “Côn trùng” hội họa. Tác phẩm “Phận kiến” mô tả sinh hoạt của xã hội loài kiến. Từ kiến chúa, đến kiến thợ, chức năng khác nhau, đã được thiên nhiên định sẵn. Nhưng với con người thì khác, “con chúa” có thể làm cho một xã hội trở nên văn minh hơn, tiến bộ hơn hay suy thoái đi, thậm chí diệt vong. Mỗi người chúng ta, đừng chỉ như kiến thợ, hãy có trách nhiệm với xã hội, chủ động tạo nên chất “chúa” của mình.

Chia sẻ về quan điểm làm nghề, họa sĩ Yến Năng bộc bạch: “Tôi không phân biệt nghệ thuật với cuộc sống, tác phẩm nghệ thuật với hành vi sống. Mỗi khi có cơ hội, tôi lại sử dụng những vật liệu sẵn có quanh mình để làm một điều gì đó. Tôi chỉ quan tâm đến điều mình muốn diễn đạt, không quan trọng chất liệu hay độ bền của chúng, vì thế, điêu khắc của tôi có tính phù du”. “Con đường côn trùng 1” lấy chất liệu từ cành cây cháy đen ở núi Hồng Lĩnh. “Con đường côn trùng 2, 3, 4” lại được Yến Năng thực hiện từ than hoa - sản phẩm từ gỗ được con người chủ động đốt lên mà thành.

Hùng Dingo có cách luận giải riêng, “Bọ não” mô phỏng sự bội thực khó kiểm soát của những luồng thông tin ảo vào đời sống hiện đại thông qua hình tượng những loài côn trùng lạ tấn công vào não bộ của con người. Tác phẩm của anh thể hiện sự xâm chiếm của những tư tưởng độc hại, những tư duy lệch lạc, bệnh hoạn vào suy nghĩ khiến con người chao đảo, mất niềm tin. “Thông qua hình tượng nửa bộ não bị teo do côn trùng gặm nhấm, tôi muốn hướng đến thông điệp cảnh báo mọi người hãy thận trọng trước lượng thông tin khổng lồ đang hàng ngày tràn ngập trên mọi lĩnh vực của cuộc sống, mà không ít trong số đó chưa hề được kiểm chứng”.

Hà Huy Mười cho rằng, mọi người thường sợ những thứ mà họ không biết rõ, hoặc sợ những thứ bất thường, quá nhỏ hoặc quá to. Côn trùng là những loài dễ đem đến cảm giác bất an ấy. Côn trùng giống như mọi loài đều có vai trò và lý lẽ sinh tồn riêng. Nhưng trong cái nhìn và cảm nhận của nhiều người chúng thường có hại nhiều hơn hoặc đáng ghê tởm.

Sau khi triển lãm tác phẩm thực kết thúc, công chúng vẫn có thể tiếp tục tìm hiểu và trải nghiệm trực tuyến 24 tác phẩm này qua phần mềm ứng dụng miễn phí sử dụng công nghệ tăng cường thực tế ảo (AR) cho điện thoại thông minh và máy tính bảng (sẽ được giới thiệu trên trang tin sự kiện Côn trùng vào ngày 11/9).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ