Người mẫu, tri kỷ ít biết của danh họa Bùi Xuân Phái

GD&TĐ - Kỷ niệm 99 năm ngày sinh của họa sĩ Bùi Xuân Phái. Nhà đấu giá Nghệ thuật Chọn sẽ phối hợp với Nhà sưu tập Tira Vanichtheeranont (Thái Lan) tổ chức trưng bày phần lớn bộ ký họa “Ông Phái vẽ ông Đạm”. Sự kiện diễn ra từ 1-6/9 tại  63 Hàm Long, Hà Nội.

Danh họa Bùi Xuân Phái.
Danh họa Bùi Xuân Phái.

Danh họa vượt tầm

Bùi Xuân Phái sinh ngày 1/9/1920, quê gốc của ông là ở làng Kim Hoàng, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây (Hà Nội). Ông tốt nghiệp khoa Hội họa trường Mỹ thuật Đông Dương khóa 1941–1945.

Bùi Xuân Phái là một trong những họa sĩ thuộc thế hệ cuối cùng của sinh viên trường Mỹ thuật Đông Dương, cùng thời với các danh họa Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên - những tên tuổi ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của mỹ thuật Việt Nam hiện đại.

Ông chuyên về chất liệu sơn dầu, đam mê mảng đề tài phố cổ Hà Nội. Ngay từ lúc sinh thời, sáng tạo của ông đã được quần chúng mến mộ gọi dòng tranh này là Phố Phái.

Các tác phẩm vẽ về Phố cổ Hà Nội đã làm nên danh tiếng Bùi Xuân Phái, đưa ông trở thành danh họa của Việt Nam ngang tầm thế giới.

Ngoài phố cổ, ông còn rất thành công khi thể hiện các mảng đề tài khác, như: chèo, chân dung, nông thôn, khỏa thân, tĩnh vật... Nhiều bức tranh của Bùi Xuân Phái đã giành được giải thưởng cao trong các cuộc triển lãm toàn quốc và thủ đô.

Họa sĩ Bùi Xuân Phái và người mẫu Nguyễn Bá Đạm lúc sinh thời.
 Họa sĩ Bùi Xuân Phái và người mẫu Nguyễn Bá Đạm lúc sinh thời.

Giai đoạn kinh tế khó khăn, nguyên liệu mỹ thuật khan hiếm, thiếu thốn... người họa sĩ tài ba này đã vẽ trên vải, giấy, bảng gỗ, thậm chí cả trên giấy báo.

Luôn dồi dào cảm hứng sáng tạo, họa sĩ Bùi Xuân Phái đã sử dụng đa dạng phương tiện hội họa từ sơn dầu, màu nước, phấn màu, chì than, bút chì... để biểu đạt niềm đam mê của mình. Các tác phẩm của ông biểu hiện sâu xa linh hồn người Việt, tính nhân bản và khát vọng yêu chuộng tự do, đầy đủ các cung bậc cảm xúc hài hước, đậm nét bi ai hay thống khổ.

Trong lĩnh vực minh họa báo chí và trình bày bìa sách, Bùi Xuân Phái cũng có những góp phần rất lớn. Ông đã được trao tặng giải thưởng quốc tế (Leipzig) về trình bày cuốn sách "Hề chèo" (1982). Danh họa Bùi Xuân Phái mất ngày 24/6/1988 tại Hà Nội. Năm 1996, ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.

“Người mẫu” Nguyễn Bá Đạm là một người bạn rất đặc biệt của Bùi Xuân Phái vì vừa là tri kỷ của họa sĩ tài danh này ông Đạm cũng là bạn tâm giao của ba danh họa khác trong bộ tứ huyền thoại: Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng.

Ông cũng chính là “người mẫu” của danh họa Bùi Xuân Phái và là người được họa sỹ vẽ nhiều chân dung nhất, tới 242 ký họa.

Sự kiện được những người yêu hội họa chờ đón.
 Sự kiện được những người yêu hội họa chờ đón.

Người mẫu - Tri kỷ làng hội họa

Ông Nguyễn Bá Đạm sinh năm 1922, xuất thân từ làng Mọc, Giáp Nhất (nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội), nguyên là giáo viên dạy môn Lịch sử ở trường Phan Đình Phùng.

Nhà giáo Nguyễn Bá Đạm bước vào tuổi 97 nhưng vẫn minh mẫn. Với những người chơi đồ cổ ở Hà Nội, ông Đạm còn được biết đến là "kỳ nhân tiền cổ", bởi ông là người sưu tầm tiền cổ có tiếng ở Hà Nội.

Năm 2018, ông Đạm đã vinh dự được Báo Thể thao Văn hoá và Quỹ Bùi Xuân Phái trao Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội với những cống hiến thầm lặng suốt đời cho văn hóa, lối sống Hà Nội.

Là ông giáo, hay nhà sưu tầm, nhà nghiên cứu... Nguyễn Bá Đạm Người mang “tâm hồn Hà Nội” thâm trầm, sâu sắc, Nguyễn Bá Đạm có lối sống giản dị, nề nếp, tao nhã, thanh lịch trong đam mê sưu tầm đồ cổ và luôn giữ được mối giao du trọng thị với các danh sĩ Hà Nội cùng thời.

Trân trọng nâng niu từng nét đẹp văn hóa của Thủ đô, lặng thầm viết “Thuở ấy Hà Nội”, “Hà Nội những câu chuyện kể từ cuối TK19-20”... để lọc ra những ký ức, trải nghiệm của bản thân, hòa vào thời gian, không gian ký ức của cả cộng đồng.

Chia sẻ những suy ngẫm của mình, ông Đạm cho rằng một trong những may mắn nhất là ông có cơ hội kết bạn và trở thành thân thiết với rất nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng, đó là các họa sĩ Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Nguyễn Tư Nghiêm, nhà văn Nguyễn Tuân, nhà sưu tập Đức Minh...

Sinh thời, họa sĩ Bùi Xuân Phái thân thiết nhất với họa sỹ, nhà nhiếp ảnh Trần Văn Lưu, nhà thơ Vũ Đình Liên và ông Lê Chính. Nhưng trong con người trí thức, nhà giáo xưa Nguyễn Bá Đạm, họa sĩ Bùi Xuân Phái lại có sự quý trọng riêng.

Ông Đạm là người có khuôn mặt cá tính, như một khắc họa sân khấu, ở góc độ sáng tạo nghệ thuật lại phù hợp với sự tìm tòi nội tâm về một con người Hà Nội, mà họa sĩ Bùi Xuân Phái muốn kiếm tìm.

Họa sĩ Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng... lại có phát hiện riêng về nhân vật Nguyễn Bá Đạm, mỗi người xây dựng nhân vật với cá tính sáng tạo khác vượt ra khỏi người mẫu, trở thành nhân vật xã hội trong hội họa.

Đó là người đàn ông nghiêm trang, mà hơi hài hước, mũi gồ khoằm, mặt vuông vức, thẳng thắn, đôi khi khắc nghiệt, nhưng cẩn trọng với bè bạn. Cuộc đời gắn bó cùng những bước thăng trầm với các danh họa, khiến ông Đạm trở thành nhà sưu tập tương đối phong phú về các họa sĩ.

Nhà giáo Nguyễn Bá Đạm ngắm mình một thưở…
 Nhà giáo Nguyễn Bá Đạm ngắm mình một thưở…

Nhà nghiên cứu văn hóa, họa sĩ Phan Cẩm Thượng lý giải: Cuộc đời Bùi Xuân Phái vất vả nhất trong bộ tứ danh tiếng. ông nặng gánh mưu sinh vì đông con, bị thôi việc sớm, phục hồi muộn… Chính vì thế mà điều kiện sáng tác của ông thu hẹp trong các bức họa nhỏ, với phương tiện ít ỏi, cùng như kiếm tiền vặt bằng vẽ minh họa báo chí, phục trang sân khấu, thậm chí đi làm thợ mộc trong giai đoạn “ba cùng”.

“Đương thời tranh của Phái rẻ tiền hơn so với những người bạn và ông cũng cho tặng nhiều, như ông vẽ rất nhiều, thay vì xây dựng tác phẩm ra tấm ra món, như các họa sỹ khác.

Nhưng cuối cùng, thì ông cũng có chỗ đứng trang trọng trong nền mỹ thuật Việt Nam, bởi cả sự nghiệp và tình yêu đối với đất nước, con người, rồi thể hiện được những đối tượng đó, bằng tình cảm tha thiết, bằng sự sáng tạo không mệt mỏi”, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng nhấn mạnh.

Bình luận

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Việc thiếu ngủ có thể khiến trẻ mệt mỏi. Ảnh minh họa: INT

Duy trì giấc ngủ đều đặn

GD&TĐ - Tết là thời điểm cha mẹ và trẻ tham gia nhiều hoạt động, tiệc tùng. Đây cũng là lúc trẻ được nghỉ học với tâm trạng phấn khích, háo hức.