Hoài cổ sắc xuân trong tranh tứ bình Việt

GD&TĐ - Chào đón Tết Nhâm Dần, 20 bộ tranh tứ bình quý hiếm của các nghệ nhân Hàng Trống, Đông Hồ được trưng bày trong triển lãm “Sắc xuân”.

NSND Vương Duy Biên - nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam - cho biết, đây là nét truyền thống lâu đời của cha ông, với hai dòng tranh nổi tiếng là Đông Hồ và Hàng Trống. Những bức tranh lịch sử, cổ tích còn mang ý nghĩa giáo dục truyền thống, rất phù hợp với trang trí dịp Tết, là nét đẹp về văn hóa dân tộc.

Tài nghệ người xưa

Ban tổ chức triển lãm cho biết, 20 bộ tranh tứ bình gồm các chủ đề: Tứ quý, Tố nữ, Tứ dân, Bát tiên, tranh truyện và tranh lịch sử được lựa chọn từ bộ sưu tập tranh dân gian đang lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Với sắc màu rực rỡ tươi mới và những ý nghĩa sâu sắc về cuộc sống, mỗi bộ tranh sẽ là lời chúc bình an, hạnh phúc gửi tới công chúng yêu nghệ thuật nhân dịp xuân mới.

Ông Nguyễn Anh Minh - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật - cho hay, tranh tứ bình là bộ tranh gồm bốn bức, thường có hàm ý ẩn dụ cho bốn giai đoạn trong một năm, hoặc một cuộc đời. Cũng có đặc tả bốn vẻ đẹp khác nhau của các cô gái, hoặc cảnh vật thiên nhiên…

Trên tranh tứ bình thường đề những câu thơ chữ Hán hoặc chữ Nôm, là những lời chúc phúc và mong muốn bình an phú quý. Vì thế, tranh tứ bình từ xưa đã được cha ông ưa thích treo trang trí trong nhà để đón xuân hoặc thờ phụng, tùy theo nội dung.

Thông qua nội dung của các bộ tranh tứ bình, hậu thế ngày nay cũng có thể hiểu được phần nào quan niệm về thời gian và lối sống sinh hoạt của người xưa. Thời gian không phân định theo tuyến tính mà luân hồi, vạn vật hữu sinh hữu diệt. Điều đó thể hiện giá trị của các dòng tranh dân gian Việt Nam, đồng thời thấy được tài nghệ của người xưa.

Tứ bình vốn là chủ đề tứ quý quen thuộc như “tùng, cúc, trúc, mai”, “xuân, hạ, thu, đông” hay “long, ly, quy, phượng”. Thế nhưng, sự khác biệt và cũng là điểm độc đáo khó thấy trong tranh tứ bình Việt chính là những con gà, con vịt bên dưới những bông lúa, ngô…

Vẫn là hoa trái nhưng là ngọc thực, vẫn là con vật nhưng là vật nuôi. Những sáng tạo của nghệ nhân Hàng Trống xưa đã gắn liền nghệ thuật với truyền thống lúa nước, giữa mỹ thuật với đời sống thực tại.

Không chỉ dừng lại ở tính thực tiễn, nghệ nhân xưa còn lấy cảm hứng văn học mà đưa lên tranh tứ bình. Bốn bức được phác họa qua truyện cổ tích Thạch Sanh nổi bật chân lý ở hiền gặp lành. Đồng thời, ở bốn bức Truyện Kiều lại thấy những kiêu sa của chị em Thuý Kiều – Thuý Vân.

Giáo dục truyền thống qua tranh quý

Công chúng trải nghiệm tại triển lãm “Sắc xuân”.

Công chúng trải nghiệm tại triển lãm “Sắc xuân”.

Cũng trên tranh tứ bình Hàng Trống, bốn cô gái tóc vấn cầm đàn với những nét vẽ quen thuộc lại hoàn toàn trái ngược với bộ tứ bình của các nghệ nhân Đông Hồ - bốn cô gái tân thời mặc đầm, tóc ngắn phi dê ngồi thảnh thơi khoe đường cong gợi cảm.

Bộ tranh đặt tên “Tố nữ tân thời”, theo dự đoán của giới mỹ thuật được sáng tác vào khoảng những năm 1930 - 1945, thời kỳ diễn ra phong trào Âu hóa mạnh mẽ ở các đô thị lớn của Việt Nam.

Có thể nói, với dòng tranh tứ bình truyền thống thì sự xuất hiện của “Tố nữ tân thời” là một điểm mới hiếm có. Những nghệ nhân Đông Hồ theo học mỹ thuật bài bản, nên không phổ biến, ít người biết đến.

Triển lãm còn mang tới bất ngờ cho công chúng khi giới thiệu những bộ tranh tứ bình kể những câu chuyện văn hóa lịch sử của Việt Nam như: Quang Trung ra Bắc, Tống Trân Cúc Hoa.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - cho rằng, tranh tứ bình là loại tranh trang trí mà cha ông ta đặc biệt sử dụng trong dịp Tết để trang trí nhà cửa, song hành cùng với ý nghĩa nhất định để giáo dục truyền thống, nói về ý nghĩa của cuộc đời.

Mỗi dịp Tết đến xuân về, các làng tranh như Hàng Trống, Đông Hồ, Làng Sình… lại sản xuất rất nhiều tranh tứ bình để phục vụ nhu cầu trang trí nhà cửa, đồng thời cũng phục vụ nhu cầu giáo dục truyền thống, giáo dục con cái để truyền thống được tiếp tục cả trong tương lai.

Tranh tứ bình có nhiều loại và thể hiện nhiều ý nghĩa khác nhau, từ bốn mùa, bốn đức tính, bốn nghề, những vẻ đẹp khác nhau của thiên nhiên, của con người cho đến những câu chuyện lịch sử. Tranh xuất phát từ nhu cầu và cũng phù hợp với bối cảnh truyền thống trước kia.

“Hiện tại, bối cảnh xã hội và thị hiếu con người thay đổi, vị trí của tranh tứ bình trong trang trí nhà cửa cũng thay đổi theo. Các làng tranh dân gian cũng gặp nhiều khó khăn. Đó là lý do hiện nay chúng ta đang cố gắng mang tinh thần của dòng tranh này trở lại trong xã hội đương đại, bởi vì đây là dòng tranh có rất nhiều giá trị tinh thần, ý nghĩa văn hóa”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho hay.

Theo Ban tổ chức, triển lãm “Sắc xuân” mở cửa đến hết tháng 2/2022 tại Phòng triển lãm chuyên đề, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - 66 Nguyễn Thái Học (Ba Đình, Hà Nội).

“Những bức tranh lịch sử, cổ tích còn mang ý nghĩa giáo dục truyền thống, với cách thể hiện rất cô đọng, toàn bộ nội dung câu chuyện chỉ vỏn vẹn trong 4 bức tranh. Tranh chỉ cần 4 bức nhưng lại mang đầy đủ thần thái, tinh thần của câu chuyện mà các nghệ nhân muốn truyền tải”. NSND Vương Duy Biên - Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ