Hóa thạch khủng long bọc giáp 110 triệu năm trông như đang ngủ

Mẫu hóa thạch của một con khủng long nodosaur 110 triệu năm tuổi ở bảo tàng Canada được bảo quản nguyên vẹn tới mức trông chỉ như đang ngủ.

Hóa thạch khủng long bọc giáp 110 triệu năm trông như đang ngủ

Hóa thạch nodosaur được mệnh danh "xe tăng 4 chân" do thợ mỏ Shawn Funk tìm thấy khi đang đào đất tại mỏ Millenium gần Fort McMurray ở phía bắc Alberta, Canada, vào ngày 21/3/2011.

Phát hiện quý hiếm tới mức được ví như trúng xổ số. Con khủng long ăn cỏ bọc giáp này là hóa thạch bảo quản tốt nhất từ trước tới nay, bao gồm bộ da hoàn chỉnh phủ từ mũi tới hông, theo National Geographic.

Funk lập tức gửi mẫu vật đến Bảo tàng Cổ sinh vật học Royal Tyrell. Các chuyên gia ở bảo tàng mất 6 năm khám phá con quái vật trong khối đất nặng 1.100 kg. Họ dành hơn 7.000 giờ để làm sạch sẽ mẫu vật phục vụ nghiên cứu và trưng bày. Sau quá trình làm việc vất vả, kết quả thu được hé lộ sinh vật cổ đại sử dụng bộ giáp đầy vảy để tự vệ.

Hóa thạch là một loài khủng long nodosaur mới tìm thấy, sống ở kỷ Phấn Trắng, cách đây 110 - 112 triệu năm. Loài vật dài trung bình khoảng 5 mét và nặng tới 1.300 kg. Trên mình nó có nhiều vảy dài tới 50 cm nhô ra từ sau vai.

Các nhà nghiên cứu cho rằng con khủng long sinh sống ở khu vực nay là miền tây Canada trước khi nước lũ cuốn trôi nó ra biển rộng. Nhờ chết dưới biển, bộ giáp của con khủng long được bảo quản hết sức chi tiết. Xác chết hóa thạch của mẫu vật đặc biệt này ở trong tình trạng tốt tới mức những mẩu da vẫn bao phủ các tấm giáp nhấp nhô dọc theo hộp sọ của con khủng long.

Mẫu vật hứa hẹn cung cấp nhiều hiểu biết hơn về loài nodosaur. Bộ xương của nó gần như vẫn bị phủ kín bên dưới lớp da và áo giáp. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu sẽ phải phá hủy lớp vỏ bên ngoài con vật nếu muốn xem xét bộ xương của nó.

Theo VnExpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ