Họa sĩ Nguyễn Đức Toàn: Vẽ tranh bằng tâm hồn nhạc sĩ

GD&TĐ - Nhắc đến Nguyễn Đức Toàn, người quen lẫn công chúng yêu nhạc đều nhớ tới những ca khúc rất đỗi quen thuộc như: “Biết ơn chị Võ Thị Sáu”, “Quê em”, “Chiều trên bến cảng”, “Hà Nội một trái tim hồng”… Nhiều ca khúc đã đưa ông đến với vinh dự được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật vào năm 2000. Nhưng, Nguyễn Đức Toàn không chỉ có âm nhạc, ông còn được biết tới với nhiều tác phẩm hội họa…  

Tác phẩm “Làng” (Bột màu, 1990)
Tác phẩm “Làng” (Bột màu, 1990)

Giai điệu của sắc màu

Mới đây, một triển lãm có ý nghĩa hồi cố nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh của họa sĩ Nguyễn Đức Toàn đã được nhà phê bình Quang Việt phối hợp với Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức tại 16 Ngô Quyền, Hà Nội với tựa đề “Những giai điệu về màu sắc” đã giúp công chúng hiểu hơn về một nghệ sĩ đa tài. “Triển lãm nhấn mạnh tài năng hội họa của Nguyễn Đức Toàn những năm 1970 - 1980, cố gắng khái quát tiến trình tiếp cận nghệ thuật của ông cho đến những năm cuối đời. Khác với hàng chục triển lãm trong nước và nước ngoài của ông trước đây, chủ yếu diễn ra dưới thời bao cấp, đây là triển lãm đầu tiên hoàn toàn mang tính chất nghệ thuật” - nhà phê bình mỹ thuật Quang Việt đồng thời là giám tuyển độc lập bộ tranh tư nhân của cố nhạc sĩ - họa sĩ Nguyễn Đức Toàn, nhận xét.

Nhạc sĩ - họa sĩ Nguyễn Đức Toàn

Xem 60 tác phẩm trong triển lãm, công chúng yêu hội họa có thể gặp những tác phẩm khá tiêu biểu, bao quát đầy đủ bút pháp, chất liệu, phong cách mà Nguyễn Đức Toàn sử dụng.

Đáng chú ý, triển lãm giới thiệu ba bức sơn dầu: “Làng em” (2010), “Mẹ 1.000 năm Thăng Long” (2010), “Cuộc hành quân chân đất” (1999 - 2000). Đây là các tác phẩm được giới trong nghề đánh giá ở độ bền màu và giá trị nghệ thuật.

Theo nhà phê bình mỹ thuật Quang Việt: Âm nhạc không chỉ tạo cho hội họa Nguyễn Đức Toàn những khoảng cách cần thiết với sự thật, với thực tại, cũng như khoảng cách giữa thực nghiệm và đề tài - mà âm nhạc còn tạo cho ông một năng lực “nghe” hình - màu mà không phải họa sĩ nào cũng có.

Nhận ra sự đặc sắc trong tranh của một “nhạc sĩ vẽ tranh”, nên ngay từ khi Nguyễn Đức Toàn còn sống, nhiều người đã tìm đến xem tranh, mua tranh của ông. Không chỉ khách trong nước, mà có cả những khách người Pháp, Ý, Thụy Điển… Những năm cuối của thế kỷ 20, họa sĩ Nguyễn Đức Toàn đã đi và tổ chức khoảng 10 triển lãm tranh ở Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh. Ông từng bộc bạch: “Trong đời tôi có nhiều sự tình cờ, tình cờ tôi trở thành nhạc sĩ, tình cờ tôi vẽ tranh và tranh vẽ xong lại bán được, cuộc sống được cải thiện hơn. Tôi có tiền mua đàn, mua xe máy”.

Không xuê xoa, dễ dãi

Tác phẩm “Chải tóc” (Lụa - 1983).
Tác phẩm “Chải tóc”  (Lụa - 1983). 

Nhạc sĩ - họa sĩ Nguyễn Đức Toàn (1929 - 2006) sinh tại Hà Nội, quê gốc Bắc Ninh. Từng học tại Trường Cao đẳng Mĩ thuật Đông Dương năm 1944. Năm 1946, Nguyễn Đức Toàn tham gia kháng chiến chống Pháp, đến năm 1948, ông về công tác tại Bộ tư lệnh Việt Bắc, tại đây ông vẽ, sáng tác ca khúc và làm báo... Năm 1980, ông trở thành hội viên Hội Nghệ sĩ tạo hình Việt Nam (Hội Mỹ thuật Việt Nam), bắt đầu chuyên tâm vào hội họa.

Sinh thời, nhạc sĩ - họa sĩ Nguyễn Đức Toàn bộc bạch: Việc cầm cọ vẽ đến với ông không phải vì bí không sáng tác ca khúc được nữa, cũng không phải ông phụ tình âm nhạc. “Trong nghệ thuật, mỗi ngành là một sân chơi đầy lý thú và các ngành hỗ trợ cho nhau. Tôi vẽ tranh với ý tưởng của họa sĩ chuyên nghiệp, với yêu cầu như một họa sĩ chính cống chứ không xuê xoa, dễ dãi, vin cớ mình là nhạc sĩ mà nhí nhố lăng nhăng vẽ bừa bãi. Tôi vẽ không phải bởi muốn khoe mình có lắm tài, vì nhiều người đã biết tôi, vốn đã học vẽ ở Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương thời Pháp thuộc”- nhạc sĩ, họa sĩ Nguyễn Đức Toàn từng chia sẻ.

Trong giới văn nghệ sĩ, việc các nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ “đang yên đang lành” chuyển qua vẽ tranh không phải là hiếm. Chỉ riêng trong giới nhạc sĩ cũng có thể kể ra nhiều cái tên khi chuyển qua “nghề phụ” vẽ tranh đã để lại những dấu ấn nhất định qua những tác phẩm mỹ thuật.

Trong đó có thể kể đến Văn Cao, Nguyễn Đình Phúc, Trịnh Công Sơn… Tuy nhiên, theo nhà phê bình mỹ thuật Quang Việt, tuy “có nhiều nhạc sĩ vẽ, nhưng dường như chỉ có ba nhạc sĩ coi vẽ như nghề nghiệp thứ hai của mình: Văn Cao, Nguyễn Đình Phúc, Nguyễn Đức Toàn”.

Trên thực tế, Văn Cao, Nguyễn Đình Phúc, Nguyễn Đức Toàn đều tham dự các lớp dự bị hoặc các lớp bàng thính tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương vào những năm 1940 - 1945. Bản thân Nguyễn Đức Toàn còn được thừa hưởng dòng máu tạo hình ở người cha - cụ Nguyễn Đức Thục, một nhà điêu khắc nổi tiếng nửa đầu thế kỷ 20.

Nếu Văn Cao, Nguyễn Đình Phúc có tác phẩm hội họa từ trước Cách mạng tháng Tám, thì ngay trong kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Đức Toàn, trẻ hơn nhiều, cũng đã được xem như một họa sĩ.

Trong âm nhạc, Nguyễn Đức Toàn hay bắt đầu một bài hát với một câu văn thật giản dị như một câu nói thường ngày, kiểu như: “Một chiều mùa hè, gặp nhau trên bến cảng/ Ta chia tay nhau, trong lòng bao lưu luyến”. Và trong hội họa, ông cũng bắt đầu một bức tranh với một cấu tứ giản dị tưởng như đã quen thuộc lắm, quen tới mức sáo cũ, chẳng hạn: Con đường làng - gốc đa - cái cổng; mảng ruộng - ngôi nhà - đống rơm... Nhưng ngay sau đó, là sự thăng hoa lấp lánh của mộng tưởng và liên tưởng. Trong âm nhạc cũng như trong hội họa, Nguyễn Đức Toàn dường như không cầu kỳ ở giai điệu hay tiết tấu, mà ông chú trọng đến thủ pháp luôn luôn nhắc lại và biến hóa “âm hình” chủ đạo.

Theo Quỳnh Chi

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.