Họa sĩ Lê Linh được xử thắng sau 12 năm theo kiện

GD&TĐ - Sáng ngày 18/2/2019, Tòa án Nhân dân quận 1, TPHCM tiếp tục xử phiên sơ thẩm vụ tranh chấp quyền tác giả bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt. Sau 12 năm ròng rã theo đuổi vụ kiện, tòa đã tuyên họa sĩ Lê Linh thắng kiện.

Đại diện phía nguyên đơn - họa sĩ Lê Linh (trái) và phía bị đơn - Luật sư Nguyễn Vân Nam (phải) tại phiên tòa sáng 18/2
Đại diện phía nguyên đơn - họa sĩ Lê Linh (trái) và phía bị đơn - Luật sư Nguyễn Vân Nam (phải) tại phiên tòa sáng 18/2

Họa sĩ Lê Linh là tác giả duy nhất của bộ truyện Thần đồng đất Việt

Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm: thẩm phán Nguyễn Quang Huynh; hai hội thẩm nhân dân Đinh Thị Ngọc Châu và Trần Văn Mẫn; đại diện Viện KSND Q.1 có bà Trần Lệ Thủy. Phía nguyên đơn có mặt ông Lê Linh và luật sư của phía nguyên đơn là bà Trương Thị Thu Hồng. Còn phía Công ty Phan Thị, đại diện cho bà Phan Thị Mỹ Hạnh là GS.TS luật Nguyễn Vân Nam.

Thẩm phán Nguyễn Quang Huynh tuyên án
 Thẩm phán Nguyễn Quang Huynh tuyên án

Tòa công nhận họa sĩ Lê Linh là tác giả duy nhất của bộ truyện Thần đồng đất Việt và 4 hình tượng nhân vật trong truyện là Trạng Tí, Sửu Ẹo, Dần Béo, Cả Mẹo; buộc công ty Phan Thị chấm dứt việc tiếp tục sáng tác những biến thể của nhân vật, yêu cầu bị đơn xin lỗi công khai họa sĩ Lê Linh ba kỳ liên tiếp trên các báo. 

Ngoài ra, Công ty Phan Thị phải trả phí thuê luật sư cho phía họa sĩ Lê Linh là 15 triệu đồng (yêu cầu ban đầu của nguyên đơn là 20 triệu đồng).

Sau phiên tòa sơ thẩm, chia sẻ với báo chí, họa sĩ Lê Linh cho biết anh rất vui với kết quả của phiên tòa, điều này phần nào bù đắp cho công sức 12 năm đấu tranh bảo vệ quyền tác giả của anh. Đồng thời, cho biết ông sẽ tiếp tục ra tòa nếu bị đơn có kháng án lên tòa phúc thẩm.

Trong khi đó Luật sư phía bị đơn cho biết: "Tòa án cấp sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng Luật Sở hữu trí tuệ, vô hiệu hóa quyền làm tác phẩm phát sinh của người sử dụng lao động. Chúng tôi không có điều gì phải lo lắng cả và chúng tôi tin rằng ở tòa cấp phúc thẩm vụ việc này được xem xét thấu đáo, hợp lý hơn, bảo vệ được việc kích thích sự sáng tạo ở các doanh nghiệp có sử dụng người lao động. Nếu như không có sự sáng tạo thì sẽ khó phát triển...”.

12 năm khởi kiện

Thần đồng đất Việt ban đầu là tác phẩm do họa sĩ Lê Linh và Công ty TNHH TMDVKT & Phát triển tin học Phan Thị (công ty Phan Thị) thực hiện. Tập đầu tiên ra mắt năm 2002. Theo tác giả Lê Linh, ông sáng tạo ra 78 tập truyện Thần đồng đất Việt từ năm 2002-2005.

Đến hết tập 78, họa sĩ Lê Linh ngừng sáng tác Thần đồng đất Việt, tuy nhiên các tập tiếp theo của bộ truyện vẫn được phát triển bởi các họa sĩ khác hợp tác với Phan Thị. Tháng 4/2007, Lê Linh chính thức gửi đơn kiện Công ty Phan Thị, yêu cầu Công ty Phan Thị công nhận ông là tác giả duy nhất với các hình vẽ các nhân vật trong truyện này chứ không phải là đồng tác giả với bà Phan Thị Mỹ Hạnh như hồ sơ đăng ký bản quyền mà phía Phan Thị đưa ra. Tác giả Lê Linh cũng yêu cầu công ty Phan Thị không tiếp tục sáng tác bộ truyện Thần đồng đất Việt. 

Sau 12 năm khởi kiện qua nhiều phiên hòa giải bất thành, ngày 28/12/2018, là ngày đầu tiên diễn ra phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ kiện tranh chấp bản quyền sở hữu trí tuệ bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt giữa ông Lê Phong Linh (họa sĩ Lê Linh) và bị đơn là Công ty Phan Thị (Giám đốc là bà Phan Thị Mỹ Hạnh). Tuy nhiên phiên tòa đã bị hoãn do phía bị đơn là công ty Phan Thị đã gửi đơn xin tạm hoãn.

Đến ngày 24/1/2019, phiên tòa đã diễn ra với sự có mặt cả 2 bên. Tại phiên xét xử tranh chấp vấn đề tác quyền duy nhất, ông Lê Linh yêu cầu phía bị đơn về 2 vấn đề: (1). Yêu cầu tòa công nhận Lê Linh là tác giả duy nhất của 4 hình tượng nhân vật Trạng Tí, Sửu Ẹo, Dần Béo, Cả Mẹo trong bộ truyện tranh Thần Đồng Đất Việt  từ tập 1 đến tập 78 và không thừa nhận bà Phan Thị Mỹ Hạnh (Giám đốc Công ty Phan Thị) là đồng tác giả.  (2). Buộc Phan Thị chấm dứt việc tạo ra và sử dụng biến thể trong các tập Thần đồng đất Việt tiếp theo và ấn phẩm khác. Đồng thời, ông Lê Linh cũng yêu cầu phía Công ty Phan Thị xin lỗi công khai trên các phương tiện truyền thông, báo đài trong 3 kỳ liên tiếp. Bởi vì, Công ty Phan Thị đã sử dụng 4 hình tượng nhân vật mà ông Lê Linh sáng tạo ra để thỏa thuận hợp tác quảng cáo với một công ty sữa của Hà Lan mà không được sự chấp nhận của ông.

Thế nhưng, phía bị đơn, đại diện Công ty Phan Thị, GS.TS Luật sư Nguyễn Vân Nam đã bác bỏ yêu cầu của nguyên đơn là ông Lê Linh với nhiều lí do và cho rằng: - Từ năm 2002, họa sĩ Lê Linh đến làm việc tại Công ty Phan Thị và tự nguyện ký cam kết bằng văn bản với bà Mỹ Hạnh, xác nhận anh và bà Hạnh là đồng tác giả của bốn hình tượng nhân vật trong truyện, và cũng đã được Cục bản quyền tác giả cấp chứng nhận.

Luật sư bị đơn cho biết ông Linh từng ký đơn xin việc để vào làm công ty Phan Thị với công việc là vẽ minh họa, mức lương 1,5 triệu đồng mỗi tháng. Đồng thời, trong quá trình 4 năm làm việc tại Phan Thị, ông Lê Linh, ngoài lương mỗi tháng, ông Lê Linh còn nhận được nhuận bút và các khoản tiền phụ cấp khác. Tổng cộng, ông Lê Linh đã nhận được hơn 3 tỷ đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.