Lê Linh đề cập quyền tác giả có trong các tập của Thần đồng đất Việt
Dưới sự chủ tọa của thẩm phán Nguyễn Quang Huynh, Hội đồng xét xử dành gần 2 tiếng đồng hồ để lắng nghe những câu hỏi và trả lời của nguyên đơn là ông Lê Phong Linh (bút danh Lê Linh), bị đơn là Công ty Truyền thông Giáo dục - Giải trí Phan Thị và giám đốc - bà Phan Thị Mỹ Hạnh do GS.TS Luật Nguyễn Vân Nam làm đại diện.
Sau phiên đặt câu hỏi và tranh luận trong ngày 24/1 vừa qua, Tòa án Nhân dân quận 1 tiếp tục xét xử phiên tranh chấp giữa họa sĩ Lê Linh và Công ty Phan Thị vào sáng 25/1. Phiên xét xử bắt đầu với tư liệu từ nguyên đơn Lê Linh đưa ra là tập 24 và tập 37 của truyện Thần đồng đất Việt có công bố về quy trình sáng tạo và ra mắt truyện để khẳng định vai trò sáng tạo và quá trình sáng tác của ông. Tuy nhiên, đại diện pháp luật của Phan Thị vẫn tiếp tục khẳng định ông Lê Linh không thực hiện đúng cam kết khi đã ký đơn trong hợp đồng làm việc và trong bản đăng kí quyền tác giả với Cục Sở hữu trí tuệ, vì vậy ông Lê Linh phải có nhiệm vụ thực hiện nghĩa vụ với chữ ký mà ông đã thực hiện.
Thẩm phán Nguyễn Quang Huynh (giữa) làm chủ tọa phiên tòa |
Thế nhưng, ông Lê Linh cho rằng, chữ ký trong hợp đồng làm việc là do bà Mỹ Hạnh yêu cầu còn chữ kí trong bản đăng kí trong bản đăng kí với Cục Sở hữu trí tuệ thì theo lời bà Mỹ Hạnh nói với ông, đó là bản về quyền sở hữu tải sản chứ không phải là chứng minh đồng tác giả, nếu là đồng tác giả thì ông đã không đồng ý vì bộ truyện Thần đồng đất Việt là bộ truyện tranh đầu tiên ông sáng tác nên luôn quan tâm theo dõi thái độ của công chúng đối với bộ truyện cũng như vấn đề tác quyền. Nếu bà Mỹ Hạnh khẳng định ông là đồng tác giả thì ông đã ngưng sáng tác ngay từ lúc nhận giấy đăng kí với Cục sở hữu trí tuệ. Lúc ấy, ông đã thấy trong giấy này có tên bà Mỹ Hạnh và yêu cầu đăng kí lại cho đúng sự thật, bà Mỹ Hạnh bảo sẽ làm lại nên ông yên tâm tiếp tục sáng tác.
Phan Thị tạo ra tác phẩm tái sinh vì có quyền sở hữu quyền tác giả?
Quá trình đặt câu hỏi giữa ông Lê Linh, luật sư của ông Lê Linh cũng như phía đại diện pháp luật của Công ty Phan Thị tiếp tục xoay quanh 2 yêu cầu mà họa sĩ Lê Linh đã đưa ra: quyền tác giả duy nhất và Phan Thị không xin phép ông, đã tạo những hình tượng nhân vật biến thể làm xúc phạm đến danh dự, uy tín và gương mặt của ông.
GS.TS Luật sư Nguyễn Vân Nam tranh luận tại phiên tòa |
Tuy nhiên, phía đại diện Phan Thị liên tục đưa ra những chứng cứ để bác bỏ quyền tác giả duy nhất của họa sĩ Lê Linh và phản biện bằng những lập luận liên quan đến vấn đề biến thể và tác phẩm tái sinh. Vì phía Phan Thị có quyền sở hữu quyền tác giả nên có quyền tạo ra những tác phẩm tái sinh và thực hiện các hoạt động kinh doanh các hình tượng nhân vật tái sinh này theo pháp luật.
Luật sư Phan Đại Lợi – Luật sư biện hộ của họa sĩ Lê Linh phản đối với lập luận mà GS.TS Luật sư Nguyễn Vân Nam bằng những vấn đề lý luận về quyền sở hữu, quyền sở hữu 4 hình tượng nhân vật, quyền tác giả duy nhất cũng chính là quyền nhân thân. Vì vậy, ông Lê Linh có quyền bảo vệ 4 hình tượng nhân vật đã tạo ra và nghiêm cấm tất cả các hành vi tạo ra những nhân vật nhại theo 4 nhân vật kể trên để kinh doanh, xúc phạm đến ông Lê Linh. Đặc biệt, Luật sư Phan Đại Lợi cũng nhắc đến Công ước Quốc tế Berne về vấn đề bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật. Tuy nhiên, Luật sư Nguyễn Vân Nam phản bác rằng, Công ước quốc tế nhưng cũng phải được sử dụng phụ thuộc vào pháp luật và văn hóa của nước sở tại.
Ông Lê Linh cũng khẳng định thêm, ông chưa bao giờ chuyển nhượng quyền tác giả, quyền nhân thân. Và luật pháp cũng không cho phép chuyển quyền nhân thân. Vì vậy, ông có quyền bảo về quyền tác giả, quyền nhân thân của ông.
Nhiều câu hỏi lắt léo được GS.TS Luật sư Nguyễn Vân Nam đặt ra đối với ông Lê Linh cũng như yêu cầu chủ tọa phiên tòa phải giải thích, lên tiếng. Chủ tọa phiên tòa khẳng định rằng Phiên tòa không có nhiệm vụ giải thích câu hỏi của luật sư Nguyễn Vân Nam và các luật sư tránh đưa ra những câu hỏi liên quan đến vấn đề.
Luật sư Nguyễn Vân Nam tiếp tục đưa ra những chứng cứ về quá trình sáng tạo 4 hình tượng nhân vật, từ việc bà Mỹ Hạnh lên ý tưởng từ bộ truyện 7 viên ngọc rồng, sáng tác, vẽ bố cục tranh, sáng tạo nhân vật dựa trên đời sống văn hóa nhiều thế kỉ trước của Việt Nam… Và bà Mỹ Hạnh đã “cầm tay” hướng dẫn ông Linh vẽ các nhân vật ấy. Do đó, luật sư Nam cho rằng đó là công sức của cả tập thể trong đó, người sáng tạo ý tưởng là bà Mỹ Hạnh chứ không phải ông Lê Linh.
Sau phiên tranh luận, đại diện pháp luật của Phan Thị là GS.TS Luật sư Nguyễn Vân Nam vẫn khẳng định, Phan Thị là chủ sở hữu quyền tác giả, bà Phan Thị Mỹ Hạnh là đồng tác giả của bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt, vì vậy, Phan Thị nghiêm cấm các hành vi mạo nhận, chấm dứt lợi dụng quyền tác giả, quyền đồng tác giả, sử dụng trái phép hình tượng nhân vật để tạo ra các nhân vật khác nhằm mục đích kinh doanh cũng như dẫn dắt ý kiến dư luận trên các trang mạng xã hội rằng ông Lê Linh là tác giả, làm ảnh hưởng đến công ty Phan Thị. Đồng thời, phía Phan Thị cũng yêu cầu ông Lê Linh phải công khai xin lỗi Phan Thị trên các phương tiện truyền thông, báo đài.
Biến thể hay tác phẩm tái sinh, dù đẹp hay xấu đều xúc phạm tác giả nếu chưa xin phép
Theo lời tường trình của họa sĩ Lê Linh, từ tập 1-78 của bộ truyện Thần đồng đất Việt, ông là người trực tiếp sáng tạo nội dung truyện và vẽ nhân vật. Các nhân vật này chịu ảnh hưởng của rất nhiều bộ truyện tranh mà ông đọc trước đó. Còn từ tập 79 trở đi, vợ chồng ông có thêm bé thứ 2 nên ông xin nghỉ việc để lo cho con. Từ đó, Phan Thị tiếp tục thuê họa sĩ vẽ tiếp nhưng không xin phép ông mà tiếp tục vẽ các nhân vật dựa trên các hình tượng nhân vật ông đã sáng tạo ra. Như vậy là đã xâm phạm quyền tác giả Thần đồng đất Việt của ông. Bởi vì, từ tập 79 trở đi, quyền tác giả là của tập thể Phan Thị nhưng lại sáng tác trên hình tượng nhân vật ông tạo ra. Vì về cơ bản, tác phẩm hay nhân vật tái sinh do Phan Thị sáng tạo ra sau tập 78 dù có đẹp hay xấu thì cũng xúc phạm quyền tác giả của ông.
Trong khi đó, đại diện pháp luật của Phan Thị khẳng định, đây chỉ là những tác phẩm tái sinh do Phan Thị tạo ra, không phải là những biến thể như yêu cầu của họa sĩ Lê Linh đưa ra trong 2 yêu cầu của phiên tranh chấp này. Thế nhưng, luật sư biện hộ của ông Lê Linh khẳng định, biến thể cũng là một trong những dạng tác phẩm tái sinh nên phải xin phép ý kiến của tác giả khi muốn sáng tác dựa trên tác phẩm gốc giống như muốn chế lời nhạc khác hay vẽ tranh có biến tấu dựa trên ca khúc hay bức tranh đều phải xin phép. Vì vậy, luật sự Phan Đại Lợi và Trương Thị Thu Hồng của phía ông Lê Linh cũng tiếp tục bảo vệ các yêu cầu của thân chủ đã đưa ra từ đầu. Đó là bảo vệ quyền tác giả duy nhất của truyện Thần đồng đất Việt tập 1-78, bảo vệ quyền nhân thân của tác giả, không được cắt xén hay tạo ta những biến thể hoặc tác phẩm tái sinh. Nếu có những hành vi ấy phải xin phép tác giả.
Trong quá trình tranh luận và khẳng định yêu cầu của mình trước phiên tòa, họa sĩ Lê Linh đã có những lúc xúc động, rơi nước mắt, nghẹn lời không nói được, phải dừng vài giây sau ông mới tiếp tục. Chia sẻ về vấn đề này, sau phiên tòa, ông cho biết rằng hành trình 12 năm theo đuổi vụ việc đã làm ảnh hưởng đến ông cũng như gia đình ông rất nhiều. Ông đã phải tốn nhiều công sức để suy nghĩ, bảo vệ quyền lợi của bản thân. Nhất là những lần lên xuống, liên tiếp đến tòa ảnh hưởng đến công ăn việc làm. Vì vậy, cũng ảnh hưởng đến gia đình. Bản thân ông cũng cảm thấy mệt mỏi. Tuy nhiên, vì mong muốn, vấn đề quyền tác giả không chỉ của riêng ông mà cả của những người sáng tác khác sẽ được khẳng định, bảo vệ. Hơn nữa, ông mong muốn, những giá trị luật định trong vấn đề tác quyền được thực hiện để mỗi người sáng tạo yên tâm về công việc của mình và khẳng định ông tiếp tục theo đuổi phiên tòa tranh chấp này.
Sau phiên tranh luận, chủ tọa phiên tòa ngày 25/1 đã thông báo, phiên xét xử sẽ được tiếp tục vào ngày 1/2/2019 tới, (tức vào ngày 27 tháng Chạp).