Họa sĩ Hùng Rô kể chuyện tình thiên nhiên

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - “Thiên nhiên – câu chuyện tình yêu” là tên triển lãm sắp diễn ra của hoạ sĩ nổi tiếng Hùng Rô (Nguyễn Mạnh Hùng).

Họa sĩ Hùng Rô kể chuyện tình thiên nhiên

Triển lãm “Thiên nhiên – câu chuyện tình yêu” sẽ diễn ra tại J Art Space (30 đường số 10, Thảo Điền, Thủ Đức, TPHCM) từ ngày 15/9 – 1/10.

Hoạ sĩ Hùng Rô (Nguyễn Mạnh Hùng).

Hoạ sĩ Hùng Rô (Nguyễn Mạnh Hùng).

Hơn 5 năm qua, họa sĩ Hùng Rô khá thành công với loạt tranh vẽ đại ngàn, núi rừng.

Phong cảnh của anh chính là các điểm chạm cảm xúc, chính là tâm cảnh, nghĩa là vẽ được cái cảm thấy, cái mộng tưởng, cái bay bổng… hơn là vẽ hiện thực.

Nhiều bức tranh nhìn rất thực, nhưng không là kết quả của hiện thực, vì phong cảnh đó không có trên trần gian. Đó là kết quả của tình yêu thiên nhiên cuồng nhiệt, yêu đến muốn dựng xây cho nó một địa đàng, một cảnh tiên nào đó.

Tác phẩm "Tự họa".

Tác phẩm "Tự họa".

Trong triển lãm lần này, hoạ sĩ Hùng Rô không chỉ vẽ đại ngàn, núi rừng, mà còn hòa trộn cái tôi của mình vào đại dương bao la để hướng đến tình cảm, sự gần gũi và cảm xúc tuổi thơ dâng trào.

Anh nói rằng, mình muốn gửi gắm những tâm tư, tình cảm vào tình yêu thiên nhiên, như khao khát được hoà mình và hoà tan trong đó, yêu thích được lạc vào khu rừng nhiệt đới, rừng nguyên sinh, nơi không có dấu chân người.

Tự họa

Tự họa

Yêu biển, nơi cánh chim hải âu hòa với tiếng sóng, lắng nghe tiếng vỗ bờ đá của từng giọt nước. Hùng Rô cũng lắng nghe sự đâm hoa kết trái, sự chuyển mình của các màu sắc, mùi hương.

Yêu núi rừng cũng chính là yêu ký ức tuổi thơ, còn yêu biển là các cảm xúc lúc anh trưởng thành.

Chân dung tự họa

Chân dung tự họa

Từ nhỏ, khi còn ở vùng trung du Phú Thọ, Hùng Rô đã gần gũi với thiên nhiên, ngày ngày đi học dưới các vòm cây, thích quan sát trời đất, lắng nghe chim hót, lặng nhìn hoa nở, bướm bay.

Một cách nào đó, dù không phải cố tình khác biệt, nhưng Hùng Rô đã không phải là một đứa trẻ giống như nhiều bạn bè tiểu học khác. Trong lòng anh đầy chất nhạc và họa, lúc nào chúng cũng hòa ca, cũng thúc giục, cũng kêu gọi một cuộc tìm về.

Tác phẩm "Đối mặt".

Tác phẩm "Đối mặt".

Nhưng không con đường của ước mơ, hoặc cuộc tìm về nào là dễ dàng cả, bởi Hùng Rô lớn lên trong gia đình không có ai ủng hộ việc theo nghiệp văn nghệ sĩ, làm hội họa.

Năm 2008, ở tuổi “sau đại học”, anh mới tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Nhạc họa Trung ương. Sau đó lại tiếp tục ghi danh vào Đại học Mỹ thuật Việt Nam, học ngành sư phạm và tốt nghiệp vào năm 2012.

Mãi đến năm 2015, Hùng Rô mới bán được bức tranh đầu tiên với mức giá 15 triệu đồng. Nếu không có đủ đam mê và quyết tâm, khó mà đi theo con đường văn nghệ một cách chuyên nghiệp, bởi làm họa sĩ tài tử thì dễ dàng và vui vẻ, nhưng để sống trọn thời gian như một cái nghề, không hề đơn giản.

Tác phẩm "Âm thanh của biển".

Tác phẩm "Âm thanh của biển".

Khi tìm ra được nguồn mạch để trở về thiên nhiên, để vẽ nên chất nhạc của núi rừng, của biển cả, Hùng Rô đã gần như vẽ ngày đêm, vẽ nhiều đến mức không còn nhớ bao nhiêu bức.

Làm chủ một kỹ thuật đặc biệt, vẽ rất nhanh, nhiều bức chỉ đôi mươi phút đã thành hình căn bản, lại có một sức khỏe nền tảng tốt và cảm xúc thì luôn dạt dào, nên xưởng vẽ lúc nào cũng tràn ngập tranh.

Hơn nữa, cái năng lượng tích cực và tình yêu dành cho thiên nhiên cuồng nhiệt cũng đang mang lại ánh sáng, sự lan tỏa cho người xem tranh. Bán được tranh mang lại cho Hùng Rô động lực để vẽ, ít nhất là ở khía cạnh tái đầu tư vật liệu và sự trống trải của xưởng vẽ.

Giai điệu mùa thu.

Giai điệu mùa thu.

Vào xưởng là để vẽ, Hùng Rô thích thú với việc vẽ hàng ngày, nhưng cứ sau một đợt triển lãm hoặc bán tranh, thấy trống trải hơn một chút, Hùng Rô lại vẽ cuồng nhiệt hơn.

Nhìn xưởng trống trải là anh có cảm giác như mình đang lơ là, đang đánh mất cái ước mơ từ bé, thế là phải vẽ bù.

Dù luôn đến xưởng đều đặn, nhưng Hùng Rô không miễn cưỡng vẽ, chỉ vẽ khi có hứng, không hứng thì chơi đàn, thì ngẫm ngợi, thì bay bổng cùng mộng tưởng.

Ngay cả khi cà phê với bạn bè, Hùng Rô cũng tìm cách gợi hứng, nuôi dưỡng cảm xúc để không bị mất nhịp vẽ, nên nhiều khi vừa tỉnh say, anh đã có 1 - 2 bức tranh thật thoáng đạt.

Tác phẩm "Ban mai rạng rỡ của bình minh".

Tác phẩm "Ban mai rạng rỡ của bình minh".

Kinh qua nhiều ngôn ngữ, bút pháp và chất liệu, đến với acrylic và ấn tượng/trừu tượng, rồi trừu tượng/biểu hiện như lúc này, Hùng Rô đang lột tả rất mượt mà tâm cảnh của mình.

Bên trong diện mạo có nét nghệ sĩ núi rừng, có chút gân guốc của võ sĩ, là một sự bay bổng, lãng du như Từ Thức lạc cõi tiên, cõi mộng.

Chính đặc trưng mau khô của vật liệu acrylic và tinh thần tự do, rộng mở của trừu tượng, Hùng Rô đang khai thác được tối đa tốc độ cuộn chảy của cảm xúc. Bởi có những vệt sóng, những cơn gió, những màu sắc… thoáng qua cùng giai điệu âm nhạc trong tâm tưởng, không nhanh chóng nắm bắt, sẽ vụt mất, hoặc trơ lỳ cảm xúc.

Tác phẩm "Gọi tên 4 mùa".

Tác phẩm "Gọi tên 4 mùa".

Vì vẽ nhanh, nên Hùng Rô cũng nhanh chóng cảm nhận được bức nào không đạt, để không vẽ nữa. Dù kỹ thuật điêu luyện, nhưng Hùng Rô không muốn dùng kỹ thuật để “cầm tù” cảm xúc, mà cứ để tuôn chảy, bức nào không ưng thì bỏ, vẽ ngay bức khác.

Việc thanh lọc có vẻ hơi tốn kém này đã giúp Hùng Rô dễ chạm đến các tranh mà bản thân thấy ưng ý hơn. “Hoa nở mà không tươi thắm, chim bay mà không tự do, sóng vỗ mà không rì rào, rừng núi mà không bạt ngàn… thì còn gì là tự nhiên nữa”, họa sĩ Hùng Rô nói.

Chàng trai Phú Thọ chọn Hà Nội lập nghiệp, bắt đầu con đường hội họa chuyên nghiệp của mình bằng việc vẽ phố, rồi 4 - 5 năm sau thì tìm về với thiên nhiên, về với Phật tính. Để bây giờ, ở ngưỡng cửa chín muồi của “tứ thập nhi bất hoặc”, Hùng Rô đang vẽ tâm cảnh của mình.

Nhiều bức vẽ, người xem thấy Hùng Rô đang hiện diện trong ấy, hòa nhập với núi rừng, với biển trời. Nếu “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” là một trải nghiệm đúng, thì xem tranh của hoạ sĩ Hùng Rô hiện nay, thấy anh đang vui, đúng hơn, đang hoan lạc, tích cực.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ