Vừa qua triển lãm “Huỳnh Văn Thuận -100 năm mùa sen nở” đã thu hút được nhiều khán giả Thủ đô đến thưởng thức những tác phẩm của ông.
Có lẽ trong số các hoạ sĩ nước nhà, họa sĩ Huỳnh văn Thuận là một trong ít người đã theo học cả hai trường danh tiếng trong làng hội hoạ - Trường mỹ thuật Gia định và trường Mỹ thuật Đông Dương.
Tranh của ông gắn bó với đời sống người dân, với bố cục chặt chẽ, công phu, có giá trị nghệ thuật cao. Nhắc đến ông, người ra nhớ đến nghệ thuật tranh sơn khắc, tới những bức tranh cổ động chất lượng đã để lại hàng loạt những dấu ấn cho mỹ thuật cách mạng nước nhà.
Hoạ sĩ Trần Huy Oánh cho biết: “ Đây là người đáng trân trọng tạo ra những giá trị của một thể loại rất nổi tiếng tranh khắc hoạ điển hình. Cả giới chúng tôi quý mến, tôn trọng những giá trị đó. Mảng khác nữa là cụ vẽ tranh cổ động rất giỏi, rất nhiều tranh cổ động đẹp, nhất là tranh cổ động thời kháng chiến chống Mỹ”.
Nhắc tới tranh sơn khắc của hoạ sĩ Huỳnh Văn Thuận nhiều người vẫn còn ấn tượng với hình ảnh làng chài ven biển, những mái tranh, cây cối, cổng chào bên vô số nhân vật, thuyền bè đặt cùng khung cảnh cối xay lúa, hình ảnh người nông dân với giàn bí, cờ đỏ sao vàng… Đó là tác phẩm “Thôn Vĩnh Mốc” – tác phẩm đoạt giải nhất của Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc năm 1958, hiện đang là một trong những tác phẩm trụ cột của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Ngoài ra, ông còn vẽ rất nhiều tranh sơn khắc công phu, nổi tiếng như "Làm sạch thóc nộp kho” (sáng tác năm 1981, khổ 45x 60cm); “Ngày mùa ở Vĩnh Kim” (1960 - 1997, 80 x 120cm; “ Vết xích xe tăng giặc” (1998); “Kéo bừa thay trâu” (1954 -2016)…
Hoạ sĩ Lương Xuân Đoàn – Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết: “ Có thể nói là ông luôn luôn là người cống hiến thầm lặng, bất kể ở một lĩnh vực nghệ thuật nào của Mỹ thuật Việt Nam, từ hội hoạ đến đồ hoạ. Chúng ta từng biết ông là người vẽ tiền nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Ông cũng là người theo đuổi đến cùng nghệ thuật đồ hoạ, tinh tế giàu cảm xúc. Tôi cho rằng là cuộc đời của ông trải dài theo hành trình của dân tộc”
Và một dấu ấn đặc sắc nữa trong cuộc đời của hoạ sĩ Huỳnh văn Thuận, đó là vẽ mẫu tiền tờ 10 đồng màu đỏ bởi trên đó trông hình cụ Hồ vừa oai nghiêm vừa tình cảm qua các nét tỉa mượt mà. Chân dung cụ Hồ trên tờ tiền 10 đồng đỏ hồi ấy được toàn dân đánh giá cao, rất giống hiện thực và tinh tế. Bên cạnh vẽ tiền, huy hiệu đoàn TNCS Hồ Chí Minh cũng là một dấu ấn của hoạ sĩ lưu lại cho tới ngày nay.
Đến với triển lãm “Huỳnh Văn Thuận - 100 năm mùa sen nở", nơi trưng bày các tác phẩm hội họa của họa sĩ vẽ huy hiệu Đoàn, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông, chương trình diễn ra từ ngày 30/5 đến 5/6 tại số 63 Hàm Long, Hà Nội đã phần nào giúp người yêu nghệ thuật hiểu thêm về họa sĩ Huỳnh Văn Thuận, từ những bản phác thảo đầy tâm huyết.
Các tác phẩm trưng bày tại triển lãm là một phần nhỏ tranh ký họa trong sự nghiệp sáng tác đồ sộ của họa sĩ Huỳnh Văn Thuận. Đây cũng là nén tâm nhang của gia đình, đồng nghiệp và những người yêu mến họa sĩ tưởng nhớ ông.