Nghiên cứu của nhóm giảng viên trẻ giúp sinh viên ngành Kỹ thuật mạnh dạn khởi nghiệp.
Khởi nghiệp bình đẳng
TS Nguyễn Quốc Cường và ThS Nguyễn Minh Tú Anh, Trường Đại học Công nghiệp TPHCM vừa có đề tài nghiên cứu về giải pháp giúp sinh viên khối ngành Kỹ thuật khởi nghiệp thành công.
Khởi nghiệp trong sinh viên đang là phong trào được triển khai mạnh mẽ. Nghiên cứu trước đây thường tập trung vào đối tượng là sinh viên hay cựu sinh viên ngành Kinh doanh hơn là tập trung vào sinh viên khối ngành Kỹ thuật.
“Có rất nhiều nhà khởi nghiệp và quản lý doanh nghiệp có nền tảng giáo dục và kinh nghiệm trong khối ngành Kỹ thuật. Thực tế, sinh viên khối ngành Kỹ thuật đang thiếu các kiến thức, kỹ năng và thái độ phù hợp để giúp họ khởi nghiệp thành công.
Mục tiêu của đề tài này sẽ thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của sinh viên khối ngành Kỹ thuật thông qua việc tăng cường tính hiệu quả của giáo dục khởi nghiệp trong môi trường giáo dục đại học”, TS Nguyễn Quốc Cường nói.
Mục tiêu tổng quát của đề tài này là thúc đẩy ý định khởi nghiệp của sinh viên khối ngành Kỹ thuật thông qua việc tăng cường hiệu quả của giáo dục khởi nghiệp trong môi trường giáo dục đại học.
Từ đó, nhóm thực hiện đề tài sẽ đưa ra các khuyến nghị giúp các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia đào tạo trong lĩnh vực giáo dục khởi nghiệp và giảng viên khối ngành Kỹ thuật hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp thành công.
Đề tài này sử dụng phương pháp hỗn hợp giữa định tính và định lượng. Ở nghiên cứu định tính, nhóm thực hiện thảo luận với các chuyên gia có kinh nghiệm để hiệu chỉnh các khái niệm trong thang đo (có thể thêm hoặc bớt yếu tố, biến quan sát và điều chỉnh từ ngữ cho phù hợp với hoàn cảnh nghiên cứu).
Các chuyên gia đồng tình các yếu tố “Thái độ đối với hành vi khởi nghiệp”, “Nhận thức kiểm soát hành vi”, “Chuẩn mực chủ quan”, “Giáo dục khởi nghiệp”, “Niềm tin vào năng lực bản thân” đều có ảnh hưởng đến yếu tố ý định khởi nghiệp của sinh viên. Sau nghiên cứu định tính, nhóm hình thành bảng câu hỏi khảo sát sơ bộ.
Ở phương pháp nghiên cứu định lượng, nhóm thực hiện khảo sát 60 sinh viên của 6 khoa chuyên ngành Kỹ thuật bao gồm Khoa Công nghệ Thông tin, Khoa Công nghệ Cơ khí, Khoa Kỹ thuật Xây dựng, Khoa Công nghệ Điện tử, Khoa Công nghệ Điện và Khoa Công nghệ Động lực. Mục đích nhằm đánh giá nội dung và hình thức các phát biểu trong thang đo nháp nhằm hoàn chỉnh thang đo chính thức được dùng trong nghiên cứu.
Nghiên cứu định lượng chính thức được thực hiện bằng phương pháp khảo sát 600 sinh viên của 6 khoa chuyên ngành Kỹ thuật bao gồm: Khoa Công nghệ Thông tin, Khoa Công nghệ Cơ khí, Khoa Kỹ thuật Xây dựng, Khoa Công nghệ Điện tử, Khoa Công nghệ Điện và Khoa Công nghệ Động lực. Khi có kết quả, tác giả sẽ tiến hành tổng hợp thống kê dựa trên những thông tin thu được từ cuộc khảo sát.
Tăng hiệu quả của chương trình giáo dục khởi nghiệp
TS Nguyễn Quốc Cường cho biết, qua những nghiên cứu này, nhóm đã xác định được vai trò và mức độ ảnh hưởng của giáo dục khởi nghiệp đến ý định khởi nghiệp của sinh viên khối ngành Kỹ thuật.
Kinh nghiệm thế giới cho thấy, đổi mới toàn diện và căn bản giáo dục đại học đào tạo chuyên ngành gắn với trang bị tinh thần và kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên, đó chính là giải pháp đột phá phát triển “doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” tại Việt Nam.
Điển hình cho đại học đào tạo các doanh nhân khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành công nhiều năm qua là Trường MIT (tại Bang Massachusetts Hoa Kỳ). Tính đến nay đã có trên 30.000 doanh nghiệp khởi nghiệp thành công sau khi ra trường.
Tại Phần Lan, một trường hợp điển hình về đại học khởi nghiệp là Đại học Aalto, năm 2010 bắt đầu đi vào hoạt động với ý tưởng tạo ra một trường đại học đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Hiện nay đó là trường được xếp hạng 14 toàn cầu về hợp tác với doanh nghiệp.
Đào tạo theo chuyên ngành gắn với trang bị tinh thần khởi nghiệp; kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên; tạo thành văn hóa thúc đẩy sinh viên sẵn sàng khởi nghiệp mọi lúc, mọi nơi.
Trang bị tinh thần, kỹ năng khởi nghiệp cho sinh viên thông qua các lớp, các buổi hội thảo chuyên đề, các cuộc thi khởi nghiệp, các chương trình, trung tâm mạng lưới vườn ươm tạo khởi nghiệp...
Xây dựng không gian làm việc chung cho các nhóm khởi nghiệp tại các trường đại học (Co-working space); phòng thí nghiệm; triển khai: Nghiên cứu thử nghiệm công nghệ, thử nghiệm thị trường... Các nhóm khởi nghiệp này có thể bao gồm cả thầy cô, doanh nghiệp ngoài trường (tham gia với tư cách cố vấn - góp cả tài chính cho sản xuất thử...).
Hỗ trợ xây dựng ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; xây dựng đề án kinh doanh khả thi với ba giai đoạn phát triển: Hình thành ý tưởng, phát triển sản phẩm và tăng trưởng.