Hỗ trợ 'giải cơn khát' nước sạch cho người dân ở Đồng bằng sông Cửu Long

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn khiến hơn 74.000 hộ dân toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sống trong cảnh “khát nước sạch” sinh hoạt.

Người dân tỉnh Tiền Giang tập trung lấy nước tại các điểm cấp nước miễn phí. (Ảnh tư liệu)
Người dân tỉnh Tiền Giang tập trung lấy nước tại các điểm cấp nước miễn phí. (Ảnh tư liệu)

Chính quyền sát cánh cùng dân

Theo thống kê, đến 15/4, tại tỉnh Tiền Giang có khoảng 8.800 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt. Nghiêm trọng nhất là ở huyện Gò Công Đông và Tân Phú Đông. Ở Long An có 4.900 hộ thiếu nước, tập trung chủ yếu tại 2 huyện Cần Đước và Cần Giuộc.

Tỉnh Bến Tre có 25.000 hộ, tập trung các huyện: Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Giồng Trôm, Châu Thành. Tỉnh Kiên Giang có khoảng 20.000 hộ bị thiếu nước ở các huyện, thành phố như: Hà Tiên, Kiên Hải, Phú Quốc; Hòn Đất, Kiên Lương; Giang Thành; Giồng Riềng; Gò Quao; An Biên...

Các hộ dân bị thiếu nước chủ yếu do nguồn nước dưới đất bị suy giảm, không đủ khả năng cấp theo yêu cầu; nguồn nước mặt tại một số công trình cấp nước tập trung bị nhiễm mặn với độ mặn vượt ngưỡng cho phép; một số nơi nguồn nước ngọt không đủ cung cấp do hạn hán.

Mặt khác, các hộ dân sống phân tán ở những khu vực chịu ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn và chưa được cấp nước từ công trình cấp nước tập trung; thiếu dụng cụ trữ đủ nước ngọt để sử dụng trong thời kỳ bị thiếu nước, xâm nhập mặn.

Trước thực tế trên, thời gian qua chính quyền các địa phương đã triển khai khẩn cấp nhiều giải pháp hỗ trợ người dân với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre... đã thiết lập các điểm cấp nước công cộng, tổ chức cấp nước luân phiên hỗ trợ người dân.

Ông Đoàn Văn Đảnh, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre cho biết, trên địa bàn tỉnh có hơn 160 điểm cấp nước ngọt tập trung miễn phí cho người dân.

“Hiện các đơn vị cấp nước đang tổ chức đo độ mặn tại nguồn nước thô và độ mặn sau xử lý của các nhà máy nước để có kế hoạch trữ nước, vận hành nhà máy phù hợp, kết hợp vận hành hệ thống lọc mặn RO.

Sau đó, các nhà máy sẽ thực hiện cấp nước ngọt tập trung qua hệ thống RO, đồng thời chở nước thô bằng sà lan cho Nhà máy nước Lương Phú và Phước Long; kết hợp triển khai công tác lắp đặt đồng hồ nước cho người dân khu vực cù lao Long Thành (xã Sơn Phú và Hưng Phong) để phục vụ vận hành cấp nước”, lãnh đạo Sở NN&PTNT Bến Tre thông tin.

Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau cho biết, tỉnh đã xuất ngân sách 10 tỷ đồng từ nguồn dự phòng để kịp thời hỗ trợ người dân ở các địa phương đang chịu ảnh hưởng nặng từ hạn mặn mua dụng cụ trữ nước, đồng thời mở rộng đường ống cấp nước các công trình hiện có để đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân.

Tỉnh Cà Mau cũng đã và đang tiến hành lắp đặt một số trạm cấp nước tập trung tại những khu vực chưa có đường ống kéo tới để người dân lấy nước sử dụng miễn phí.

Tại tỉnh Tiền Giang, Dự án Đầu tư xây dựng cống âu Nguyễn Tất Thành cũng đã được Bộ NN&PTNT chỉ đạo rút ngắn thời gian hoàn thành, đưa vào vận hành và khai thác sớm, góp phần hỗ trợ ngăn mặn, trữ ngọt, bảo vệ sản xuất nông nghiệp cho vùng diện tích hơn 12.500ha, tạo nguồn nước thô cho các nhà máy cấp nước sinh hoạt phục vụ cho khoảng 800.000 người dân của tỉnh.

Người dân nhiều vùng nông thôn Cà Mau đang thiếu nước sạch sử dụng. (Ảnh: TG)

Người dân nhiều vùng nông thôn Cà Mau đang thiếu nước sạch sử dụng. (Ảnh: TG)

Những giọt nước nghĩa tình

Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền các địa phương, thời gian qua nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài nước cũng có những hoạt động hỗ trợ thiết thực, kịp thời đến người dân vùng hạn mặn ĐBSCL, nhất là hỗ trợ về nguồn nước.

Tại tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, các lực lượng vũ trang thuộc Quân Khu 9, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4, cùng lực lượng vũ trang các đơn vị trong tỉnh... đã không ngại đường xa đưa tàu vận chuyển hàng nghìn m3 nước cùng dụng cụ chứa nước hỗ trợ người dân vùng hạn mặn “giải cơn khát”.

Đại tá Trần Bá Lộc, Chính ủy Cục Hậu cần Quân khu 9 chia sẻ, đơn vị đã và đang ngày đêm sát cánh cùng chính quyền và Nhân dân ở các tỉnh, thành ĐBSCL triển khai nhiều biện pháp phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn, chia sẻ một phần khó khăn, giúp đỡ người dân ổn định cuộc sống.

“Riêng tại tỉnh Cà Mau, đơn vị điều 3 tàu vận chuyển, chở khoảng 1.700m3 nước cùng nhiều dụng cụ bồn chứa nước hỗ trợ người dân các huyện Trần Văn Thời, Thới Bình và U Minh. Nhìn người dân phấn khởi tiếp nhận nước, dụng cụ chứa nước, chúng tôi như quên hết nỗi vất vả và sẽ nỗ lực tiếp tục hành trình thiện nguyện đến khi kết thúc mùa khô”, Đại tá Lộc nói.

Lực lượng vũ trang Quân khu 9 điều tàu hỗ trợ cấp nước cho người dân vùng hạn mặn Cà Mau. (Ảnh: TG)

Lực lượng vũ trang Quân khu 9 điều tàu hỗ trợ cấp nước cho người dân vùng hạn mặn Cà Mau. (Ảnh: TG)

Người dân xã Khánh An, huyện U Minh phấn khởi nhận bình lọc nước do Tổ chức UNICEF hỗ trợ. (Ảnh: TG)

Người dân xã Khánh An, huyện U Minh phấn khởi nhận bình lọc nước do Tổ chức UNICEF hỗ trợ. (Ảnh: TG)

Ngoài sự chung tay góp sức của các tổ chức, cá nhân trong nước, các tổ chức nước ngoài cũng đã có nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ người dân ĐBSCL.

Tại lễ phát động “Tuần lễ Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường năm 2024”, tổ chức Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNICEF) đã trao tặng 50 bình lọc nước, 10 bồn trữ nước cho thầy trò Trường Tiểu học Lê Quý Đôn và người dân đang sống trong cảnh thiếu nước sạch, không dụng cụ trữ nước trên địa bàn xã Khánh An, huyện U Minh, Cà Mau.

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) cũng đã kích hoạt gói tiền mặt hỗ trợ người dân chịu ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn tại 4 xã của 3 huyện thuộc tỉnh Cà Mau gồm: Xã Khánh An, Khánh Thuận (huyện U Minh), xã Khánh Hưng (huyện Trần Văn Thời), xã Biển Bạch (huyện Thới Bình) với tổng kinh phí gần 5,5 tỷ đồng, chia làm 2 đợt hỗ trợ.

“Thiếu nước sạch an toàn là yếu tố góp phần dẫn đến thực trạng cứ 5 trẻ em dưới 5 tuổi ở Việt Nam thì có 1 trẻ em bị còi cọc suy dinh dưỡng, trong khi trẻ em dân tộc thiểu số, tỷ lệ này là 1 trên 3 trẻ em.

UNICEF cam kết hợp tác, đồng hành với các cơ quan Chính phủ, các địa phương ở Việt Nam giúp đỡ trẻ em, phụ nữ và các gia đình ở vùng sâu, vùng xa và dễ bị tổn thương được tiếp cận nước sạch, vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân một cách an toàn và bền vững”, ông Muthu, đại diện Tổ chức UNICEF tại Việt Nam chia sẻ.

“Nước là nhân tố quyết định sự tồn tại và phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Việt Nam đang là quốc gia thiếu nước và ĐBSCL là tâm điểm thiếu nước. Vì thế ngoài những giải pháp hỗ trợ cần thiết của ngành chức năng, chính quyền các địa phương, các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, hơn ai hết người dân cần phải hiểu nước không phải là nguồn tài nguyên vô tận, từ đó sử dụng nước một cách tiết kiệm, an toàn, hiệu quả nhằm giảm thiểu nguy cơ thiếu nước trong thời gian tới”, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT kêu gọi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Câu trả lời rõ ràng

GD&TĐ - Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, sẽ thay thế tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa bằng tuyến đường sắt đô thị...
Rút ngắn kỳ nghỉ hè có thể cải thiện năng suất học tập của học sinh.

Đề xuất rút ngắn kỳ nghỉ hè tại Anh

GD&TĐ - Quỹ từ thiện Nuffield, Anh, đề xuất nước này nên rút ngắn kỳ nghỉ hè từ 6 tuần xuống 4 tuần còn thời gian nghỉ giữa các học kỳ kéo dài 1 - 2 tuần.
Đồng bào các dân tộc xem triển lãm ảnh Bác Hồ với cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Tháng 5 'Theo dấu chân Người'

GD&TĐ - Tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội) trong tháng 5/2024 sẽ diễn ra các hoạt động với chủ đề 'Theo dấu chân Người'.