Ngày 15/3, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau thông tin, đơn vị đã lên phương án xin hỗ trợ khẩn cấp 39,2 tỷ đồng để hỗ trợ người dân sống trong vùng bị thiếu và không chủ động được nguồn nước sinh hoạt.
Qua rà soát, hiện nay trên địa bàn tỉnh có hơn 3.700 hộ gia đình bị thiếu và không chủ động được nguồn nước sinh hoạt, được chia làm 4 nhóm gồm: Nhóm đối tượng sinh sống thưa thớt, phân tán; nhóm đối tượng sinh sống gần công trình cấp nước tập trung, nhưng chưa tiếp cận được nước nối mạng; nhóm đối tượng sinh sống khu vực có hệ thống nước nối mạng nhưng bị xuống cấp, không cung cấp đủ nước sinh hoạt; nhóm đối tượng sinh sống tập trung, nhưng chưa có công trình cấp nước.
Giải pháp để cấp nước sinh hoạt cho các hộ dân thuộc các nhóm đối tượng kể trên là đầu tư xây dựng công trình cấp nước mới; mở rộng, kéo dài tuyến ống công trình cấp nước; hỗ trợ dụng cụ trữ nước; nâng cấp, cải tạo, đấu nối hòa mạng các công trình cấp nước tập trung hiện có nhằm phát huy hết công suất thiết kế.
Dự kiến nguồn kinh phí triển khai các giải pháp này hơn 39 tỷ đồng.
Một công trình cấp nước tập trung ở vùng nông thôn tỉnh Cà Mau |
Tỉnh Cà Mau cũng tiếp tục đầu tư Dự án “Công trình trữ nước và hệ thống cung cấp nước sinh hoạt tại các vùng khan hiếm nước, vùng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn”, nguồn vốn đầu tư 180 tỷ đồng, cấp nước tập trung cho hơn 14.000 hộ dân, đáp ứng một phần cho nhu cầu của người dân (chiếm khoảng 6% số hộ dân nông thôn).
Song song với các giải pháp nêu trên, tỉnh cũng đã triển khai một số biện pháp khác như: Kêu gọi các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp tư nhân hỗ trợ bồn nhựa trữ nước, thiết bị xử lý nước hộ gia đình cho người dân bị ảnh hưởng, đầu tư bồn nhựa 10m3 đặt tại các điểm như: UBND xã, nhà văn hóa… vùng ven biển, hải đảo để cung cấp nước cho người dân khu vực chưa có công trình cấp nước tập trung.
Cà Mau kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ bồn chứa nước cho người dân. (Ảnh tư liệu) |
Toàn vùng nông thôn của tỉnh Cà Mau hiện có 247 công trình cấp nước. Qua rà soát, có 57 công trình hoạt động bền vững, 98 công trình hoạt động tương đối bền vững, 32 công trình hoạt động kém bền vững và 60 công trình không hoạt động.