- Phóng viên: Thời gian vừa qua, thị trấn Sa Pa (huyện Sa Pa, Lào Cai) xảy ra chuyện khan hiếm nước sạch phục vụ nhu cầu sinh hoạt và kinh doanh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân địa phương. Ông đánh giá điều này như thế nào?
- TS Đào Trọng Tứ: Sa Pa là một thị trấn vùng cao có địa hình đặc trưng của miền núi, nằm trên một mặt bằng ở độ cao 1.500 - 1.650m. Lượng mưa trung bình hàng năm ở đây khoảng từ 2.700 - 3.000 mm, trên diện tích hẹp có rừng, núi bao quanh thì khả năng chứa nước là rất lớn.
Theo phản ánh trên các phương tiện truyền thông, người dân trên địa bàn thị trấn phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước sạch nghiêm trọng là một điều rất kì lạ.
- Vậy theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến thực trạng nêu trên?
- Về mùa khô, dù ở vùng núi hay khu vực Tây Nguyên đều có thể xảy ra tình trạng thiếu nước. Riêng đối với thị trấn Sa Pa, với lượng mưa trung bình hàng năm lớn như vậy thì tôi cho rằng nguyên nhân chủ yếu là do quy hoạch.
Trong quá trình phát triển đặc biệt là xây dựng hồ chứa thủy điện, thủy lợi, các cơ quan chức năng sở tại chưa gắn chặt hoặc không quan tâm đến việc với phát triển đô thị.
Đây là một thành phố không lớn, đang bắt đầu xây dựng để phát triển khu du lịch mà chỉ có duy nhất 1 nhà máy cấp nước với công suất 6.000 m3/ngày đêm. Với hàng trăm nghìn lượt khách về đây du lịch nhưng quy hoạch dân cư đi xa hơn quy hoạch cơ sở hạ tầng, trong đó có hạ tầng cấp nước thì việc cung cấp nước sẽ không bao giờ bền vững được.
- UBND tỉnh Lào Cai cho biết sẽ xây dựng hệ thống cấp nước sạch thị trấn Sa Pa với công suất 15.000 m3/ngày đêm, theo ông đây có phải là giải pháp triệt để khắc phục tình trạng thiếu nước?
- Tôi cho rằng, việc tỉnh này sẽ xây dựng nhà máy với công suất bao nhiêu không phải là điều cốt lõi, chưa đi thẳng vào trọng tâm để khắc phục tình trạng thiếu nước sạch đã xảy ra thường niên.
Bởi vì, khi xây dựng nhà máy nước, các chuyên gia phải bảo đảm nguồn cung cấp nước cả về chất lượng lẫn sản lượng sao cho đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng ở địa phương.
Kinh nghiệm ở nhiều nơi cho biết, đầu tiên phải xây dựng nguồn cung cấp nước, chủ yếu là tài nguyên nước ngầm và tài nguyên nước mặt như sông ngòi, hồ tự nhiên, hồ chứa (hồ nhân tạo)…
Qua trao đổi với một số chuyên gia, trên miền núi có lượng nước ngầm khan hiếm, mạch nước sâu hơn do đặc thù về địa hình nên việc khai thác tài nguyên nước ngầm không phải là phương án tối ưu.
Về nguồn tài nguyên nước mặt, riêng đối với huyện Sa Pa thì tôi cho rằng đây không phải là vấn đề khó. Mà ngược lại, chỉ là một bài toán đơn giản, dễ dàng hơn so với việc cấp nước đô thị ở vùng đồng bằng.
- Vậy theo ông, đâu là giải pháp đối với vấn đề thiếu nước sạch mà Sa Pa đã gặp phải?
- Giải pháp mà tôi đề xuất là các cơ quan chức năng nơi đây phải trữ nước tại chỗ. Chúng ta chỉ cần quy hoạch các hồ chứa nước đầu vào để bảo đảm cấp nước quanh năm cho các nhà máy nước xử lý.
Trên đó có nhiều thủy điện với các hồ chứa lên đến hàng triệu m3 nước nên không hề thiếu nước nguồn. Chỉ có điều, cần phải quy hoạch chuẩn xác.
Vừa qua, việc UBND huyện Sa Pa, xí nghiệp nước sạch phải đàm phán với 24 hộ dân để được sử dụng nguồn nước cho thị trấn là chưa chủ động. Chuyện này là cả một quy hoạch tổng thể, phải có từ lâu nhưng lại để lúc thiếu nước sạch thì phải đi “thỏa thuận”.
Là vùng rừng núi, nhiều khe suối nên nhiều khu vực ở Sa Pa có có khả năng làm kho chứa nước an toàn, đảm bảo khả năng cấp nước cho nhà máy xử lý. Kết hợp với quy hoạch, phát triển bền vững, điều tiết việc cấp nước phù hợp thì câu chuyện khan hiếm nước sạch sẽ không bao giờ xảy ra. Việc này phụ thuộc hoàn toàn vào các nhà hoạch định chính sách phát triển cho nơi này.
- Xin cảm ơn ông!