Hỗ trợ đúng, đủ cho người lao động làm việc tại Libya phải về nước

GD&TĐ - Đó là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền tại Quyết định số 1012/QĐ- LĐTBXH ngày 11/8/2014.

Hỗ trợ đúng, đủ cho người lao động làm việc tại Libya phải về nước

Ngoài hỗ trợ miễn phí vé máy bay lượt đi và về, mỗi lao động tùy theo thời gian làm việc tại Libya còn được hỗ trợ tiền từ Quỹ việc làm ngoài nước theo luật định, cao nhất là 5 triệu đồng một người. Thông tin trên được ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Bộ LĐ-TB&XH cho biết.

Thưa ông, tính đến thời điểm trước chiến sự xảy ra có bao nhiêu lao động Việt Nam đang làm việc tại Libya ?

Hỗ trợ đúng, đủ cho người lao động làm việc tại Libya phải về nước ảnh 1

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh

Sau bất ổn năm 2011 tại Libya, trên 10.000 lao động Việt Nam phải về nước trước thời hạn. 

Năm 2012 tình hình Libya ổn định trở lại, việc làm nhiều, thu nhập khá cao và ổn định, các chủ sự dụng có nhu cầu tiếp nhận lại lao động Việt Nam và nhiều lao động cũng có nhu cầu đi trở lại thị trường này.

Vì thế, Bộ LĐ-TB&XH đã báo cáo Thủ tướng cho phép các doanh nghiệp thí điểm đưa lao động Việt Nam trở lại thị trường này.

Tính đến trước thời điểm xảy ra khủng hoảng, các doanh nghiệp đã đưa được 1.820 lao động sang làm việc tại thị trường này, trong đó phần lớn đã làm việc được 6 tháng đến trên 1 năm. Trước khi chiến sự xảy ra công việc rất ổn định, thu nhập cao. 

Theo báo cáo của các doanh nghiệp, thu nhập bình quân của người lao động từ 350 – 400 USD/người/tháng. Lao động được chủ sử dụng miễn phí toàn bộ chi phí ăn, ở. So với năm 2011, đợt thí điểm này lao động có nhiều lợi thế hơn như chi phí trước khi đi thấp hơn nhưng điều kiện làm việc tốt hơn, tiền lương cao hơn.

Dù chấp nhận bất khả kháng do khủng hoảng chính trị phải về nước trước thời hạn nhưng nhiều lao động vẫn băn khoăn so với lần khủng khoảng trước, hỗ trợ về nước lần này vì sao lại thấp hơn thưa ông ?

Hỗ trợ lần trước hay lần này đều theo qui định của Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và phải được Thủ tướng đồng ý. 

Theo đó, người lao động phải về nước trước thời hạn do bất khả kháng thì được Chính phủ hỗ trợ tối đa không quá 5 triệu đồng/người. 

Cụ thể người lao động làm việc tại Libya phải về nước trước thời hạn được hỗ trợ các khoản sau: Chi phí toàn bộ vé máy bay về nước. Hỗ trợ bằng tiền đối với người lao động tùy theo thời gian làm việc, tối đa là 5 triệu đồng/người. 

Ngoài ra, các doanh nghiệp khi thanh lý hợp đồng với người lao động phải theo đúng qui định của pháp luật như phải hoàn trả đủ cho người lao động những chi phí doanh nghiệp đã thu trước của người lao động như phí dịch vụ, phí môi giới (nếu có).

Đối với lao động thuộc các huyện nghèo đi làm việc tại Libya theo Quyết định 71 của Thủ tướng, được hỗ trợ thêm 50% mức qui định chung.

Nguồn kinh phí hỗ trợ được trích từ Quỹ hỗ trợ Việc làm ngoài nước.

Còn sở dĩ so với lần khủng hoảng năm 2012 người lao động dược hỗ trợ cao hơn là do khi đó ngoài hỗ trợ của Nhà nước theo luật định, người lao động còn nhận được hộ trợ, ủng hộ từ các nhà tài trợ như ngân hàng, doanh nghiệp.

Vì thế, ngoài 5 triệu đồng/người hỗ trợ theo luật, người lao động còn nhận thêm của các nhà tài trợ 4 – 5 triệu đồng/người nữa. Lần này do suy thoái kinh tế, khó khăn chung nên ngoài tiền hỗ trợ của Chính phủ theo luật định, người lao động không có khoản tài trợ nào khác nên mức hỗ trợ chỉ có vậy.

Đối với chủ sử dụng , họ hỗ trợ lao động thế nào thưa ông ?

- Để đảm bảo an toàn cho người lao động, đa số chủ sử dụng ngoài thanh toán tiền lương, họ đã bỏ tiền mua vé máy bay cho lao động ta về nước. 

Một số chủ sử dụng như Huyndai Engenering Hàn Quốc, sử dụng số lượng lớn lao động Việt Nam đã bỏ tiền thuê chuyên cơ vào Libya chở lao động ta sang Ai Cập rồi thuê 3 máy bay của Vietnam Airlines vào Ai Cập đưa lao động Việt Nam về nước.

Các chủ sử dụng khác cũng thuê máy bay đến Thổ Nhĩ Kỳ đưa lao động ta về nước. Tính đến chiều 11/8 đã có trên 626 lao động làm việc tại Libya được đưa về nước an toàn. 

Bộ LĐ-TB&XH đang chỉ đạo hỗ trợ đúng, đủ, kịp thời cho người lao động. Đồng thời bố trí phương án đưa lao động sang các thị trường khác có mức lương và điều kiện làm việc như Libya khi người lao động có nhu cầu.

Xin cảm ơn ông.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ