Mô hình “Chăn nuôi dê với hộ gia đình học sinh” nằm trong hạng mục dự án “Trẻ em gái sẵn sàng cho tương lai”, do tổ chức Plan phối hợp với một số trường học trên địa bàn Quảng Trị triển khai.
Tại huyện Hướng Hóa, mô hình trên được xây dựng tại 2 trường học, gồm Trường TH&THCS Xy và Trường THCS Thuận.
Giúp gia đình học sinh khó khăn nâng cao thu nhập
Gia đình em Hồ Thị Thanh (lớp 7A, Trường THCS Thuận, huyện Hướng Hóa) là một trong những học sinh đầu tiên của trường được chọn hỗ trợ một cặp dê giống. Bố mẹ em Thanh chủ yếu làm nương rẫy, gia đình lại đông anh em nên cuộc sống rất khó khăn.
Tương tự, em Hồ Thị Vinh (lớp 7B) cũng mồ côi bố. Mẹ em hàng ngày phải bám nương rẫy để sản xuất nhưng không đủ nuôi sống gia đình. Sau quá trình xét chọn, 2 em Thanh và Vinh được đưa vào danh sách hỗ trợ dê giống.
“Được nhà trường và dự án quan tâm hỗ trợ cặp dê giống là món quà ý nghĩa đối với gia đình em. Càng vui hơn khi ngày bàn giao, cặp dê giống của gia đình sinh thêm dê con khiến mọi người đều phấn khởi. Hy vọng, những vật nuôi này sẽ giúp gia đình em cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống. Ngoài giờ học, em sẽ giúp ba mẹ chăm sóc thật tốt để dê sinh sản nhiều hơn”, em Thanh bày tỏ.
Các gia đình phấn khởi khi được nhận dê giống. |
Cô giáo Lê Thị Hồng Vân, Tổng phụ trách Đội Trường THCS Thuận, phụ trách dự án cho biết, trường có 4 học sinh có hoàn cảnh khó khăn được chọn hỗ trợ dê, với tổng đàn 8 con. Những gia đình được chọn hỗ trợ dê đều có hoàn cảnh khó khăn, có em mồ côi cha, gia đình đông anh em.
Theo cô Vân, trước khi được dự án cấp dê giống nhà trường đã tổ chức họp chọn gia đình học sinh được hỗ trợ. Sau đó mời phụ huynh đến bàn bạc thống nhất các nội dung và kí cam kết nhận dê chăm sóc. Đây là mô hình nuôi dê xoay vòng, phụ huynh không được tự ý giết thịt. Khi bệnh phải thông báo với nhà trường.
Mỗi hộ gia đình nghèo có học sinh đang theo học tại trường được Dự án hỗ trợ 2 con dê giống và tiền mua tôn, mua lưới để lót chuồng trại. Sau khi nhận dê, các gia đình sẽ nuôi trong vòng 1 năm và bàn giao lại dê giống cho nhà trường. Tiếp đó, nhà trường tiếp tục chọn và bàn giao lại dê cho gia đình học sinh khác nuôi.
“Ngoài giúp gia đình học sinh khó khăn cải thiện kinh tế, các em yên tâm đến trường thì mô hình cũng là nơi để học sinh đến tham quan, trải nghiệm hàng tháng”, cô Vân cho hay.
Mở hướng thoát nghèo cho học sinh kết hợp trải nghiệm
Thầy giáo Nguyễn Đức Bảo, Phó hiệu trưởng Trường THCS Thuận cho biết, mô hình chăn nuôi dê đối với gia đình học sinh sẽ góp phần mở ra hướng phát triển kinh tế, giúp bà con thoát nghèo.
Học sinh vui mừng khi 2 dê giống sinh sản thêm dê con. |
Tại Trường THCS Thuận, ban đầu dự án hỗ trợ 2 gia đình. Tiêu chí hỗ trợ là các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, chăm ngoan, học tốt. Một thời gian sau, nhận thấy ý nghĩa của mô hình mang lại nên tiếp tục nhân rộng hỗ trợ sang 2 gia đình học sinh khác.
Theo thầy Bảo, dù mô hình chăn nuôi dê được xây dựng chưa lâu nhưng đã phát huy hiệu quả tương đối tốt. 4 hộ gia đình học sinh nhận nuôi dê qua vài tháng chăm sóc đã sinh sản thêm dê con.
“Ngoài mục đích hỗ trợ kinh tế cho gia đình học sinh, góp phần xóa đói giảm nghèo. Đồng thời, đây cũng là mô hình chăn nuôi trải nghiệm có sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường. Trong cam kết với nhà trường, gia đình sẽ tạo điều kiện cho học sinh đến tham quan, học tập hàng tháng”, thầy Nguyễn Đức Bảo cho hay.
Dự án hỗ trợ dê thực hiện xoay vòng, sau 1 năm nhà trường sẽ chọn học sinh khác hỗ trợ. |
Ngoài hỗ trợ dê giống, tại Trường TH&THCS Xy dự án cũng hỗ trợ 2 gia đình học sinh nuôi dê và 3 gia đình nuôi dúi má đào. Nhiều hộ gia đình học sinh bày tỏ phấn khởi khi được tham gia dự án này, vì có sự chung tay, hướng dẫn, tư vấn của nhà trường, sự đồng hành của các con là học sinh trong gia đình.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nga, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Hướng Hóa cho biết, hiện tại dự án đã triển khai tại 2 trường trên địa bàn đó là Trường TH&THCS Xy và Trường THCS Thuận. Bước đầu, dự án đang phát huy hiệu quả. Tại Trường THCS Thuận, từ 8 con giống ban đầu sinh thêm 8 con con, nâng tổng đàn thành 16 con; Tại THCS Xy, từ 4 con ban đầu sinh thêm 2 con, nâng tổng đàn thành 6 con.
“Mô hình này vừa tạo việc làm cho phụ huynh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình, mở hướng thoát nghèo, vừa giúp học sinh có hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp theo chương trình GDPT 2018”, bà Nguyễn Thanh Nga cho hay.