Người dân vùng biên giới Quảng Trị cải thiện thu nhập nhờ trồng chuối

GD&TĐ - Qua 2 năm thử nghiệm giống chuối lùn ở Pa Lin (xã A Vao, huyện Đakrông) đã mang lại nguồn thu nhập gần 20 triệu đồng/năm cho người dân vùng biên giới.

Chị Hồ Thị Xanh chăm sóc chuối đang phát triển tốt.
Chị Hồ Thị Xanh chăm sóc chuối đang phát triển tốt.

Vườn chuối biên phòng tặng bà con

Nhằm giúp người dân vùng biên giới Pa Lin – thôn xa nhất tại xã A Vao (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) tăng thu nhập, từ tháng 4/2022, Đồn Biên phòng A Vao (Bộ đội Biên phòng Quảng Trị) kết hợp Đoàn thanh niên xã A Vao tặng giống chuối cho người dân.

Vườn chuối do Bộ đội Biên phòng A Vao hỗ trợ.
Vườn chuối do Bộ đội Biên phòng A Vao hỗ trợ.

Đây là giống chuối lùn bản địa có nguồn gốc tại các xã phía Nam huyện Đakrông, với chu kỳ khoảng sau 12-14 tháng trồng sẽ cho quả ổn định trong 3-4 năm. Ngoài hỗ trợ cây giống, Bộ đội Biên phòng còn hướng dẫn kỹ thuật và kết nối đầu ra cho người dân.

Chăm sóc vườn chuối của gia đình đang cho quả, chị Hồ Thị Xanh (thôn Pa Lin, xã A Vao) cho biết, nhờ trồng chuối mà thu nhập của gia đình được cải thiện. “Mỗi năm, cây chuối mang lại nguồn thu cho gia đình tôi từ 10-12 triệu đồng. Đây là số tiền không nhỏ giúp tôi trang trải trong cuộc sống”, chị Xanh cho hay.

Sau gần 2 năm chăm sóc, vườn chuối của chị Hồ Thị Lôi (34 tuổi, trú ở thôn Pa Lin, xã A Vao) đang phát triển xanh tốt. Nhiều gốc đang cho quả mới để sắp tới thu hoạch vụ thứ 2.

Cây chuối mở ra hướng phát triển kinh tế, thoát nghèo cho người dân biên giới.
Cây chuối mở ra hướng phát triển kinh tế, thoát nghèo cho người dân biên giới.

Tháng 4/2022, chị Lôi được thanh niên Đồn Biên phòng A Vao phối hợp với xã đoàn tặng 1.000 gốc chuối lùn bản địa, trồng trên diện tích 1,2ha. Diện tích này chị Lôi xen canh thêm cây sắn nên cho thu nhập kép.

Gia đình chị Lôi là một trong những hộ được chọn hỗ trợ giống chuối đợt đầu.

Chị Lôi cho biết: “Trong đợt thu hoạch trước, vườn chuối của gia đình mang lại nguồn thu gần 20 triệu đồng. Đây là số tiền rất lớn đối với gia đình”.

Vừa làm cỏ quanh gốc chuối, chị Hồ Thị Lôi nhẩm tính khoản tiền thu được vụ tới sẽ dành lại mua sách vở, áo quần đầu năm học cho các con.

Sau 1 năm trồng, cây chuối đang phát triển trên vùng đồi biên giới.
Sau 1 năm trồng, cây chuối đang phát triển trên vùng đồi biên giới.

Anh Hồ Văn E, Bí thư chi đoàn thôn Pa Lin (xã A Vao) cho biết, nhờ sự hỗ trợ của biên phòng, người dân địa phương đã khôi phục được 3 vườn chuối, với số lượng hơn 2.200 gốc. Trong đó, có vườn chuối của chị Lôi trồng được 2 năm với 1.000 gốc.

“Nhờ bộ đội hướng dẫn chăm sóc đúng kỹ thuật nên cây chuối phát triển tốt. Bước đầu, cây chuối đã mang lại nguồn thu nhập khá. Trong thời gian tới, Đoàn thanh niên sẽ phối hợp với Bộ đội Biên phòng nhân rộng mô hình để giúp bà con vùng biên giới thoát nghèo”.

Hỗ trợ tìm đầu ra ổn định cho người dân

Tiếp tục nhân rộng mô hình trồng cây chuối lùn bản địa tại xã A Vao, Chi đoàn Đồn Biên phòng A Vao phối hợp các đơn vị khác trao tặng giống cây chuối lùn cho đoàn viên, thanh niên.

Đây là hoạt động trong chương trình “Nâng bước đoàn viên” nhằm từng bước tạo công ăn việc làm, ổn định và nâng cao đời sống cho đoàn viên, thanh niên có ý chí vươn lên trong phát triển kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo của địa phương.

Anh Hồ Văn E, Bí thư chi đoàn thôn Pa Lin chăm sóc vườn chuối hỗ trợ đoàn viên thanh niên.
Anh Hồ Văn E, Bí thư chi đoàn thôn Pa Lin chăm sóc vườn chuối hỗ trợ đoàn viên thanh niên.

Đến nay, diện tích trồng chuối được mở rộng khoảng 2,2 ha, với hơn 3.500 gốc chuối.

Bước đầu, mô hình đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, góp phần nâng cao thu nhập cho đoàn viên, thanh niên cùng một số hộ dân tham gia.

Thiếu tá Lê Trung, Đồn phó Đồn Biên phòng A Vao cho biết, đây là giống chuối lùn bản địa, vừa thích nghi tốt với thời tiết, thổ nhưỡng địa phương, vừa giúp khôi phục lại giống chuối quý, ngon ngọt của bà con.

“Bên cạnh hỗ trợ cây giống, chúng tôi còn hỗ trợ nhân công, hướng dẫn kỹ thuật và kết nối đầu ra cho bà con”, thiếu tá Trung cho hay.

Ngoài tặng dân bản vườn chuối, Đồn biên phòng A Vao còn tặng dân dê, bò giống và hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi.

Ông Hồ Văn Nhiếp, Chủ tịch UBND xã A Vao cho biết, qua 2 năm trồng thử nghiệm, giống chuối lùn bản địa ở thôn Pa Lin phát triển tốt, cho thu nhập ổn định. Hiện nay, đã có 15 hộ dân tham gia mô hình trồng chuối.

Theo lãnh đạo UBND xã A Vao, cây chuối sẽ mở ra hướng đi mới để bà con phát triển kinh tế, thoát nghèo.

“Địa phương đang trao đổi, xúc tiến và tìm nguồn tiêu thụ giúp bà con. Hiện nay, do phụ thuộc vào thương lái đến mua nên giá không ổn định. Thời gian tới, xã A Vao tiếp tục mở rộng vườn chuối ra thôn Ro Ró vì thời tiết thuận lợi, dễ trồng”, ông Nhiếp cho hay.

Ngoài xã A Vao, hiện nay các xã Tà Rụt và A Ngo (huyện Đakrông) cũng vận động người dân mở rộng diện tích trồng chuối lùn bản địa theo hướng thâm canh, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Địa phương phấn đấu đến năm 2025, sản phẩm chuối lùn bản địa trở thành sản phẩm OCOP của huyện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.