Hỗ trợ các trường ĐH miền núi phía Bắc tự chủ và sáng tạo

GD&TĐ - Ngày 11/12, Hội nghị tổng kết Chương trình hợp tác giữa Chương trình Úc cùng Việt Nam phát triển nguồn nhân lực (Aus4Skills) và các trường ĐH miền núi phía Bắc đã diễn ra tại Hà Nội.

Toàn cảnh hội nghị.
Toàn cảnh hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Andrew Barnes – Phó đại sứ Australia tại Việt Nam cho biết, từ năm 2017, Aus4Skills phối hợp với 3 cơ sở giáo dục đại học (ĐH Thái Nguyên; Trường ĐH Nông – Lâm, ĐH Thái Nguyên; Trường ĐH Tây Bắc) đối tác để cùng tìm ra các giải pháp về quản trị, lãnh đạo, lập kế hoạch chiến lược và quản lý.

Aus4Skills đã hỗ trợ hơn 700 lãnh đạo và cán bộ các trường về đào tạo sinh viên đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động; xây dựng hệ thống giáo dục nhằm cải thiện năng suất lao động, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế Việt Nam; đồng thời đóng góp cho sự phát triển kinh tế vùng; hỗ trợ Việt Nam hiện thực hóa nguyện vọng có một hệ thống giáo dục đại học tự chủ hơn nữa.

Kết quả của các hoạt động trên là hàng nghìn giảng viên và sinh viên Việt Nam được hưởng lợi. Kết nối giữa trường đại học với doanh nghiệp mang lại những lợi ích to lớn về quản trị và quản lý đại học, giúp lãnh đạo nhà trường thực hiện cách thức mới để các trường đại học được tự chủ hơn nữa.

Theo ông Andrew Barnes, các chuyên gia Australia cùng với 3 trường ĐH trên đã xây dựng cẩm nang về vận hành Hội đồng trường hiệu quả. Bộ GD&ĐT Việt Nam sẽ phát hành cuốn cẩm nang này cho các trường đại học trên toàn quốc, nhằm chia sẻ và củng cố các kiến thức chuyên môn.

Các đại biểu tham dự hội nghị.
Các đại biểu tham dự hội nghị.

“Hiện nay, có khoảng hơn 70.000 cựu sinh Australia tại Việt Nam, vì vậy tôi khuyến khích các bạn duy trì kết nối với mạng lưới này. Đồng thời duy trì và phát huy các mối quan hệ đã được tạo dựng với các chuyên gia và các trường Australia. Chúng ta đã mang lại những tác động lâu dài trong việc cải thiện kết quả học tập và chất lượng sống của sinh viên, đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam” - ông Andrew Barnes nhấn mạnh.

Hiện nay, Việt Nam đang thực hiện cải cách cơ bản và toàn diện hệ thống giáo dục đại học. Những cải cách này xác định các ưu tiên quốc gia để các trường đại học của Việt Nam tự chủ và sáng tạo hơn, gắn đào tạo với nhu cầu của thị trường.

Trường ĐH Tây Bắc, ĐH Thái Nguyên và Trường ĐH Nông Lâm (ĐH Thái Nguyên) nằm ở khu vực còn nhiều hạn chế về kinh tế - xã hội của Việt Nam, với đa số sinh viên là người dân tộc thiểu số. Các trường đại học này đang gặp phải không ít khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động về nguồn nhân lực chất lượng cao, để có thể đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế của khu vực.

Nâng cao chất lượng tại các trường đại học miền núi phía Bắc là một hợp phần quan trọng của Aus4Skills , trong khuôn khổ Chương trình phát triển nguồn nhân lực Việt Nam - Australia giai đoạn 2016 - 2020.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Hợp phần này giúp nâng cao số lượng, chất lượng trong giáo dục và nghiên cứu, cũng như năng lực của ba trường đại học nêu trên; qua đó góp phần vào sự phát triển bền vững của khu vực, đồng thời giúp thiết lập các chương trình hợp tác với các tổ chức giáo dục của Australia.

Ngày 15/12/2015, tại Hà Nội - thỏa thuận Hợp tác được ký kết giữa Chính phủ Australia và Chính phủ Việt Nam về phát triển nguồn nhân lực 2016-2020. Theo đó, Bộ GD&ĐT được giao làm cơ quan điều phối. Tiếp theo, ngày 29/2/2016 Bộ GD&ĐT gửi công văn cho Đại sứ quán Australia tại Việt Nam; trong đó nêu rõ Vụ Giáo dục đại học, cùng với Cục hợp tác quốc tế, tham gia vào Ban điều phối dự án. Đây là những cơ sở chính thức của chương trình hợp tác giữa Aus4Skills với các đối tác Việt Nam nói chung và với các trường ĐH khu vực miền núi phía Bắc nói riêng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Năng lực sản xuất vũ khí của Nga tăng đáng kể kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Cảnh báo gây sốc khi kho vũ khí EU tụt hậu

GD&TĐ -Tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga đã tăng cường sản xuất vũ khí kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, xóa bỏ mọi dấu hiệu thiếu hụt.