Liên quan đến vụ việc “Nước hồ thuỷ điện Ya Ly đổi màu, bốc mùi” mà Báo GD&TĐ phản ánh, ông Huỳnh Thúc Viên, Trưởng phòng Môi trường, Sở Tài Nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Kon Tum cho biết, đơn vị đã nắm được thông tin.
Theo ông Viên, qua kiểm tra sơ bộ của Phòng TN&MT huyện Sa Thầy thì khu vực này có diện tích canh tác nông nghiệp bán ngập khá lớn. Bên cạnh đó, nhiều diện tích trồng mì người dân nhổ không kịp, một số bị ngập khiến củ phân huỷ, gây ô nhiễm hữu cơ.
“Trên cơ sở anh em phản ánh, cái này là do quá trình phân huỷ củ mì bị ngập và diện tích mì thu hoạch còn sót lại. Còn nếu do nhà máy xả xuống thì toàn bộ đầu nguồn sẽ bị ô nhiễm… Sơ bộ nhận định là như vậy. Toàn bộ diện tích mì ngập sẽ phân huỷ và tạo ô nhiễm hữu cơ, tạo ra màu đục”, ông Viên nói.
Cũng theo ông Viên, tại khu vực này có 2 nhà máy cao su và 1 nhà máy tinh bột sắn. Tuy nhiên, qua hệ thống quan trắc tự động thì nước thải của các nhà máy này đạt loại A.
Ông Viên cũng cho rằng, việc củ mì phân huỷ, tạo ra màu xanh trong nước là bình thường. Bởi nước này có nguồn gốc hữu cơ như phân bón. Nếu sử dụng để bón cho cây trồng thì cũng tốt.
Vị Trưởng phòng Môi trường cũng cho biết, hiện nay tình trạng rà điện trên lòng hồ rất lớn, người dân khai thác nhiều và khai thác không bền vững do đó nguồn thuỷ sản ngày càng cạn kiệt.
Thời gian tới Sở TN&MT sẽ đi lấy mẫu kiểm tra để xác định rõ nguyên nhân xảy ra tình trạng nước xanh đục, đặc quánh và có mùi hôi. Qua đó, bảo đảm cho người dân yên tâm sinh sống và sản xuất.
Trước đó, như Báo GD&TĐ phản ánh, thời gian qua, người dân làng Trang (xã Ya Xiêr) và thôn Kiến Hưng (xã Ya Ly, huyện Sa Thầy, Kon Tum) hoang mang, lo lắng khi nước tại lòng hồ thuỷ điện Ya Ly bỗng chuyển xanh đục.
Bên cạnh đó, nhiều khu vực nước đặc quánh dạt vào 2 bên bờ bốc mùi hôi thối gây ảnh hưởng đến đời sống và quá trình canh tác của người dân. Người dân mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc xác minh, làm rõ nguyên nhân để bà con yên tâm sinh sống.
Bình luận