Kon Tum: Tại sao nước hồ thuỷ điện Ya Ly đổi màu, bốc mùi khiến dân hoảng hốt

GD&TĐ - Lòng hồ thuỷ điện Ya Ly bỗng chuyển xanh, đặc quánh và bốc mùi hôi thối nồng nặc. Người dân lo lắng nguồn nước ô nhiễm sẽ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và canh tác.

Lòng hồ thuỷ điện Ya Ly chuyển màu xanh đục gần đất canh tác và nơi người dân sinh sống.
Lòng hồ thuỷ điện Ya Ly chuyển màu xanh đục gần đất canh tác và nơi người dân sinh sống.

Nước đổi màu

Những ngày qua, người dân làng Trang (xã Ya Xiêr) và thôn Kiến Hưng (xã Ya Ly, huyện Sa Thầy, Kon Tum) hoang mang, lo lắng khi nước tại lòng hồ thuỷ điện Ya Ly bỗng chuyển xanh đục. Bên cạnh đó, nhiều khu vực nước đặc quánh dạt vào 2 bên bờ bốc mùi hôi thối gây ảnh hưởng đến đời sống và quá trình canh tác của người dân.

Chị Y Đáp (làng Trang, xã Ya Xiêr) cho biết, chị có 3 người con, con lớn nhất 7 tuổi, còn con út mới được 1 tháng. Theo chị Y Đáp, tình trạng nước ở lòng hồ chuyển xanh, đặc quánh và bốc mùi đã xảy ra được mấy năm nay.

“Gia đình mình có con nhỏ nên khá lo lắng khi nước hồ đổi màu như thế này. Mình lo ngại nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ của mọi người. Bên cạnh đó, ảnh hưởng đến hệ sinh thái lòng hồ”, chị Y Đáp nói.

Ông A Ngư, trưởng làng Trang cho hay, toàn làng có 200 hộ dân với hơn 700 nhân khẩu. Đa số người dân sinh sống quanh và phụ thuộc vào lòng hồ thuỷ điện Ya Ly. Do đó, khi nguồn nước của hồ chuyển màu xanh đục, đặc quánh và bốc mùi khó chịu thì người dân rất lo lắng.

“Chúng tôi không biết nguyên nhân tại sao nước hồ thuỷ điện Ya Ly lại đặc quánh và có mùi hôi như vậy. Do đó, người dân mong muốn chính quyền các cấp vào cuộc, làm rõ nguyên nhân để bà con yên tâm sinh sống. Bởi đa số người dân sống phụ thuộc vào nước của lòng hồ nên nếu xảy ra tình trạng ô nhiễm thì rất ảnh hưởng”, ông A Ngư cho hay.

Tương tự, ông Phạm Văn Cầu (53 tuổi, thôn Kiến Hưng, xã Ya Ly) cho biết, những năm trước nước ở lòng hồ thuỷ điện Ya Ly đã đổi màu và bốc mùi. Tuy nhiên, khoảng 2 tháng trở lại đây nước đặc quánh và có mùi khó chịu hơn.

Gia đình ông Cầu có 2 sào đất canh tác sát bờ hồ. Kết thúc vụ thu hoạch mì, nhà ông chuẩn bị xới đất để trồng lúa. Tuy nhiên, nước xanh đục, đặc quánh tại lòng hồ tràn vào diện tích đất của gia đình khiến ông “ngại” lội xuống ruộng.

“Những hôm trời nắng mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Nhìn thấy nguồn nước bị đổi màu nên tôi không dám lội xuống làm ruộng vì lo sợ ảnh hưởng đến sức khoẻ. Bên cạnh đó, trước đây nguồn thuỷ sản ở lòng hồ rất dồi dào nhưng mấy năm nay lại khan hiếm.

Tôi mong rằng các cơ quan chức năng vào cuộc để tìm hiểu nguyên nhân và xử lý sớm. Nếu không nguồn nước sẽ bị ô nhiễm, gây ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân”, ông Cầu chia sẻ.

Nước đặc quánh, bốc mùi… do cây mì!?

Nước chuyển xanh đục, đặc quánh và bốc mùi hôi thối.
Nước chuyển xanh đục, đặc quánh và bốc mùi hôi thối.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Lâm, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) huyện Sa Thầy cho biết, tình trạng nước lòng hồ thuỷ điện Ya Ly đổi màu xanh đục, đặc quánh đã xảy ra nhiều năm nay.

Người dân vẫn nghĩ là do 4 nhà máy ở thượng nguồn xả thải gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, ông Lâm cho rằng, 4 nhà máy này đã lắp đặt hệ thống xử lý nước thải ra môi trường đoạt loại A. Đồng thời, có hệ thống quan trắc tự động và truyền thẳng dữ liệu về Sở TN&MT nên việc kiểm soát, xả thải của các cơ sở này không có vấn đề.

“Dưới đó có gần 300ha đất sản xuất bán ngập. Dân của mình hầu như trồng mì. Đến mùa nước đóng người dân nhổ đi. Theo phán đoán của một số anh em về môi trường cũng như thực tế ngoài đó là khi bà con thu hoạch mì thì lá, thân cây và đặc biệt là củ mì còn sót lại.

Khi nước dâng lên gây thối. Củ mì thối thì phải tạo ra màu xanh, cộng với thân, lá cây và một số xác thực vật khác nữa đọng lại. Nguyên nhân tạo váng xanh và có mùi hôi là như thế”, ông Lâm khẳng định.

Khi chúng tôi đề cập đến vấn đề lấy mẫu nước đi kiểm tra thì ông Lâm cho rằng, nguồn nước ở khu vực này chưa đến mức phải gửi mẫu để phân tích. Bên cạnh đó, tỉnh Kon Tum cũng chưa đủ điều kiện, cơ sở để lấy mẫu kiểm tra, phân tích mà phải gửi đi các nơi khác.

Cũng theo ông Lâm, mặc dù nước đổi màu, bốc mùi nhưng hiện tại chưa có ảnh hưởng gì đến người dân và nguồn thuỷ sản trong lòng hồ.

“Nếu nói ô nhiễm môi trường do nhà máy thì mới có những chất hoá học khiến cá chết. Chứ bây giờ tảo tự nhiên phân huỷ của củ mì cũng chưa thể gây cá chết. Hơn nữa lượng nước rất nhiều. Về mùa này nó ứ đọng, dềnh lên không chảy được. Nếu về mùa kiệt hơn tí nữa thì nó chảy sạch trơn…”, ông Lâm nói.

Để hạn chế tình trạng trên, ông Lâm cho rằng, chính quyền địa phương phải tuyên truyền đến người dân khi vào vụ thu hoạch bà con nhổ mì đến đâu thì gom xác đến đó. Tránh tình trạng lá, thân cây và củ mì sót lại trong đất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ