Đổi du lịch lấy thủy điện
Theo tìm hiểu, vào năm 2020, Bộ Công Thương đã phê duyệt bổ sung quy hoạch 5 thủy điện nhỏ toàn quốc trên địa bàn tỉnh Kon Tum, trong đó có thủy điện Đăk Bla 3. Vị trí xây dựng nằm trên sông Đăk Bla đoạn qua xã Đăk Blà và Đăk Rơ Wa (TP Kon Tum).
Sau đó, Công ty Đầu tư phát triển điện Chiến Thắng – Chủ đầu tư thực hiện dự án thủy điện Đăk Bla 3 (TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) đã có văn bản gửi Sở Kế hoạch – Đầu tư (KH-ĐT) tỉnh Kon Tum đề nghị thực hiện dự án đầu tư thủy điện trên địa bàn TP Kon Tum.
Cụ thể, thủy điện này sẽ được xây dựng với diện tích dự kiến hơn 84ha, công suất 8,6MW. Tổng vốn đầu tư của dự án trên 300 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng trong quý IV năm 2022. Theo thiết kế, thủy điện Đăk Bla 3 có đập dâng và đập tràn trên sông Đăk Bla đoạn đi qua làng Kon Kơ Tu (xã Đăk Rơ Wa, TP Kon Tum).
Sau khi nhận văn bản đề nghị đầu tư dự án thủy điện Đăk Bla 3, Sở KH-ĐT Kon Tum có văn bản gửi các sở, ngành lấy ý kiến thẩm định dự án. Qua đó, có cơ sở tham mưu UBND tỉnh xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư.
Tuy nhiên, một số người dân làng du dịch Kon Kơ Tu khi nghe thông tin đã bày tỏ lo lắng và không đồng tình. Bởi thủy điện “mọc” lên sẽ ảnh hưởng đến đời sống và việc phát triển du lịch tại địa phương.
Bà Y Na (làng Kon Kơ Tu) cho biết, từ nhiều đời nay dòng sông Đăk Bla đã gắn bó với người dân trong làng. Dòng sông không chỉ hỗ trợ thức ăn, sinh hoạt hàng ngày cho người dân mà còn mang nét hoang sơ, thu hút khách du lịch ghé thăm.
Theo bà Y Na, sau khi nghe thông tin sẽ có dự án thủy điện xây dựng tại địa phương thì bản thân bà và nhiều người dân không đồng tình. Bởi vị trí dự kiến xây dựng thủy điện chỉ cách làng du lịch Kon Kơ Tu khoảng 1km. Nếu thủy điện được xây dựng sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc phát triển du lịch của người dân. Đặc biệt, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đối với trẻ em và du khách.
“Dòng sông là nơi người dân lấy nước sinh hoạt hàng ngày. Bên cạnh đó, các em nhỏ cũng thường xuyên xuống đây chơi. Đặc biệt, khu vực này có bãi cát vàng trải dài và những thác đá mang nét đẹp hoang sơ.
Du khách đến đây rất thích được trải nghiệm chèo thuyền ngắm cảnh, bắt cá trên sông. Do đó, vào mùa mưa xả lũ là rất nguy hiểm. Chính vì vậy tôi không đồng tình việc làm thủy điện gần làng Kon Kơ Tu”, bà Y Na nói.
Không đồng tình
Ông A Đưn, Trưởng thôn Kon Kơ Tu cho biết, làng có tổng cộng 149 hộ dân với 856 nhân khẩu. Từ xưa đến nay cuộc sống người dân gắn với dòng sông Đăk Bla, như: Sang sông làm nương rẫy, bắt tôm, cá.
Bên cạnh đó, dòng sông thơ mộng, hiền hoà nên thu hút khách du lịch ghé thăm. Bởi các du khách đến đây chủ yếu tham quan làng và trải nghiệm chèo thuyền, bắt cá trên sông
Ông A Đưn cho hay, trong đợt tiếp xúc cử tri vừa qua, sau khi nghe thông tin có dự án thủy điện xây dựng gần làng Kon Kơ Tu thì đa số người dân không đồng tình. Bởi cách đây mấy năm, một thủy điện cũng xây dựng cách làng khoảng 5km đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến dòng sông Đăk Bla.
“Nếu dự án thủy điện này xây dựng gần làng Kon Kơ Tu thì chúng tôi lo lắng về vấn đề ô nhiễm, thay đổi dòng chảy… Đặc biệt lo ngại nhất là vấn đề vỡ đập. Bởi thủy điện dự kiến được xây dựng trên thượng nguồn, còn người dân sinh sống ở bên dưới.
Đồng thời, dòng sông là một trong những yếu tố quan trọng để phát triển làng du lịch Kon Kơ Tu. Nếu dòng sông bị thay đổi thì du lịch của làng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Do đó, chúng tôi không mong muốn thủy điện sẽ xây dựng tại đây”, ông A Đưn nói.
Về vấn đề này, ông Đào Văn Hậu, Chủ tịch UBND xã Đăk Rơ Wa cho biết, vào khoảng tháng 4/2021, phía chủ đầu tư dự án Thủy điện Đăk Bla 3 đã về làng Kon Kơ Tu thuyết trình dự án để lấy ý kiến Ban quản lý của làng.
Theo thuyết trình thì thủy điện dự kiến được xây dựng trên sông Đăk Bla cách làng du lịch cộng đồng khoảng 2km. Do đó, làng Kon Kơ Tu và TP Kon Tum sẽ trở thành phía hạ du của thủy điện.
Cũng theo ông Hậu, nếu thủy điện được xây dựng thì ít nhiều sẽ gây ảnh hưởng và nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nước.
Còn ông Nguyễn Thanh Mân, Chủ tịch UBND TP Kon Tum cho rằng, trên địa bàn thành phố đã có một thủy điện là Đăk Bla. Do đó, chắc chắn không thể có thêm một thủy điện nào khác ở khu vực này vì nơi đây chỉ là một đoạn sông ngắn.
“Hiện, chưa có thông tin doanh nghiệp muốn đầu tư thủy điện tại đây. Nếu mà có thì chắc chắn tôi sẽ có ý kiến phản biện là không đồng ý”, ông Mân khẳng định.