Khoảng trống trong quản lý hồ thủy điện

GD&TĐ - Cả nước hiện có 385 công trình thủy điện đang vận hành. Các hồ chứa thủy điện với tổng dung tích khoảng 56 tỷ m3, chiếm khoảng 86% tổng dung tích của các hồ chứa trong cả nước. 

Cần quản lý chặt chẽ hành lang thoát lũ, để bảo đảm an toàn cho vùng hạ du
Cần quản lý chặt chẽ hành lang thoát lũ, để bảo đảm an toàn cho vùng hạ du

Bên cạnh việc phục vụ phát điện còn góp phần quan trọng vào việc cắt (giảm, làm chậm) lũ trong mùa mưa, bổ sung nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt… cho vùng hạ du trong mùa cạn. Tuy nhiên, việc quản lý, vận hành các công trình thủy điện vẫn còn vướng mắc.

Quy định thiếu và chồng chéo

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, trước đây, việc vận hành hồ chứa trong một số trường hợp không tuân thủ đúng quy trình vận hành (QTVH) được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, sự phối hợp giữa các chủ đập và giữa chủ đập với các cơ quan chức năng của địa phương chưa chặt chẽ, nên có một số trường hợp xả lũ gây bức xúc dư luận và nhân dân vùng hạ du.

Việc vận hành hồ chứa và quản lý an toàn đập thủy điện hiện được điều chỉnh bởi các luật: Phòng chống thiên tai, điện lực, xây dựng, thủy lợi… Nhưng trong thực tế vẫn còn không ít bất cập.

Về mặt kỹ thuật, các yêu cầu liên quan đến vận hành hồ chứa, quản lý an toàn đập thủy điện tương tự như đối với hồ chứa thủy lợi. Nhưng luật thủy lợi hiện hành không có quy định về vận hành và quản lý an toàn đập thủy điện, tạo ra khoảng trống trong công tác vận hành hồ, quản lý an toàn đập các hồ thủy điện.

Thêm vào đó, một số quy định chưa rõ ràng, hoặc chưa có quy định chi tiết thi hành. Chẳng hạn, các quy định về xây dựng phương án ứng phó thiên tai, phương án phòng chống thiên tai theo quy định của pháp luật về phòng chống thiên tai; hay về lắp đặt hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn (KTTV) chuyên dùng theo quy định của pháp luật về KTTV; hoặc việc xác định vùng hạ du, bản đồ ngập lụt theo quy định của pháp luật về thủy lợi.

Vẫn còn những quy định chồng chéo về quản lý, vận hành. Chẳng hạn, việc xây dựng phương án ứng phó thiên tai theo quy định của pháp luật về phòng chống thiên tai và phương án ứng phó thiên tai cho công trình, vùng hạ du đập theo quy định của pháp luật về thủy lợi; báo cáo thông tin về quan trắc KTTV, vận hành hồ chứa theo quy định của pháp luật về KTTV, quản lý an toàn đập.

Quan trắc KTTV đóng vai trò quan trọng trong việc vận hành an toàn, hiệu quả hồ chứa thủy điện và an toàn cho vùng hạ du. Tuy nhiên, hiện nay có sự sai khác khá lớn giữa bản tin dự báo KTTV với thực tế, làm các chủ đập thủy điện gặp khó khăn trong việc vận hành hồ chứa thủy điện an toàn, hiệu quả.

Cũng chưa có quy định về xác định và quản lý hành lang thoát lũ, nên nhiều hộ dân đã xây nhà, công trình và sản xuất nông nghiệp trong hành lang thoát lũ, có những công trình xả lũ chỉ đáp ứng khoảng 30 - 50% lưu lượng xả thiết kế nên đã gây mất an toàn cho vùng hạ du.

Câu hỏi về giải pháp

Bộ Công Thương, mới đây thông tin cho biết Bộ này có một số kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, có việc đề xuất giao Bộ NN&PTNT chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát tổng thể và sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vận hành hồ chứa và quản lý an toàn đập, bảo đảm đầy đủ, chi tiết, khả thi.

Trong đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh, Bộ Công Thương cho rằng, cần rà soát vùng hạ du các hồ chứa thủy điện và có giải pháp thuộc phạm vi trách nhiệm của địa phương để bảo đảm an toàn khi các hồ chứa xả lũ; tăng cường năng lực và trang thiết bị, cơ sở vật chất cho cơ quan phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn các cấp ở địa phương để tăng hiệu quả trong phối hợp vận hành các công trình thủy điện. Kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm quy định của pháp luật về vận hành hồ chứa và quản lý an toàn đập thủy điện…

Nhằm xử lý đối với những khó khăn, vướng mắc, về hành lang pháp lý, Bộ Công Thương đề xuất giao Bộ NN&PTNT chủ trì phối hợp với các bộ, ngành có liên quan rà soát tổng thể quy định của pháp luật về vận hành hồ chứa và quản lý an toàn đập thủy điện, thủy lợi để sửa đổi, bổ sung hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung kịp thời, bảo đảm tính thống nhất và tính khả thi của các văn bản quy phạm pháp luật.

Bộ Công Thương còn đề xuất giao Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng lộ trình nâng cao chất lượng, bảo đảm chất lượng các bản tin KTTV sát với thực tế. Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao UBND các tỉnh phối hợp với các chủ đập rà soát tổng thể vùng hạ du đập và có biện pháp xử lý, quản lý chặt chẽ hành lang thoát lũ để bảo đảm an toàn cho vùng hạ du, khi các hồ chứa thủy điện vận hành xả lũ.

Theo quy hoạch, đến năm 2018 cả nước có 818 dự án thủy điện với tổng công suất lắp đặt 23.182MW. Phát triển nguồn thủy điện là mục tiêu được ưu tiên, dự kiến công suất lắp đặt các nhà máy thủy điện đến năm 2030 đạt khoảng 25.400MW.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ