Ông Phạm Văn Vương, Giám đốc Công ty thủy điện Hòa Bình cho biết, việc hồ thủy điện Lai Châu và Sơn La đã về gần mực nước 'chết", thuỷ điện Hoà Bình đang vừa phải đảm bảo vai trò dự phòng công suất cho hệ thống, vừa phải đảm bảo cung cấp sản lượng điện đáp ứng nhu cầu cung cấp điện. Vì vậy, việc vận hành thuỷ điện Hoà Bình phải phù hợp, thường xuyên phải điều chỉnh theo nhu cầu hệ thống điện quốc gia.
Hiện nay, lượng nước về hồ thuỷ điện Hoà Bình rất thấp, chỉ khoảng 40m3/s. Mực nước mặt hồ xấp xỉ 103m, cách mực nước "chết" 23m. Nếu khai thác tối đa thì sau khoảng 3 ngày sẽ không đủ cột áp để phát công suất tối đa, ảnh hưởng đến khả năng dự phòng công suất và sau khoảng 12 - 13 ngày mực nước hồ sẽ về mực nước "chết".
Mực nước về hồ thuỷ điện Hoà Bình xuống thấp, làm ảnh hưởng đến việc nuôi cá lồng của người dân. |
Theo Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình, nhằm đáp ứng nhu cầu cung ứng điện và đảm bảo việc cấp nước cho hạ du, Công ty đang vận hành linh hoạt, công suất phát thay đổi từng giờ theo nhu cầu cấp điện, có thời điểm phát tối đa, có thời điểm phát thấp. Lượng nước trong ngày đảm bảo đủ cho việc lấy nước phục vụ sinh hoạt vùng hạ du.
Nhà máy Thủy điện Hòa Bình là công trình thủy điện lớn thứ hai ở Việt Nam, sau thuỷ điện Sơn La. Thủy điện Hòa Bình có thiết kế mực nước dâng bình thường cao 117m, mực nước gia cường là 120m, mực nước chết 80m. Diện tích hồ chứa 208km2, dung tích toàn bộ hồ chứa 9,45 tỷ m3; công suất lắp máy là 1.920MW, gồm 8 tổ máy, Điện lượng bình quân hàng năm đạt 8,6 tỷ kWh. Đập thủy điện Hòa Bình có 12 cửa xả và 8 tổ máy phát điện, mỗi tổ máy có công suất 240MW.