Mực nước lòng hồ thuỷ điện Bản Vẽ xuống thấp kỷ lục

GD&TĐ - Do hạn hán và phải điều tiết nước sản xuất, mực nước lòng hồ thủy điện Bản Vẽ (ở huyện Tương Dương, Nghệ An) xuống thấp nhất từ khi vận hành.

Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ tại huyện Tương Dương (Nghệ An). Ảnh: Phạm Tâm.
Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ tại huyện Tương Dương (Nghệ An). Ảnh: Phạm Tâm.

Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ (huyện Tương Dương, Nghệ An) là công trình đa mục tiêu với nhiệm vụ chính là cắt giảm lũ vào mùa mưa, chống hạn hán vào mùa khô và phát điện đảm bảo an ninh năng lượng cho hệ thống điện Quốc gia.

Tuy nhiên, sau nhiều đợt xả nước để chống hạn hán ở vùng hạ du, nước trong lòng hồ thủy điện Bản Vẽ đã xuống mức báo động về mực nước chết.

Từ đầu năm đến nay do ảnh hưởng của El Nino, lưu lượng nước về hồ chứa Bản Vẽ rất thấp, tần suất nước về trên 90%. Đặc biệt, trong hai tháng qua, trên địa bàn Nghệ An diễn ra nhiều đợt nắng nóng gay gắt, nhiệt độ dao động từ 39 đến 42 độ C, khiến cuộc sống người dân ở nơi đây gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt cũng như sản xuất nông nghiệp.

Mực nước đo tại hồ thủy điện Bản Vẽ ngày 2/6. Ảnh: Công ty Thủy điện Bản Vẽ.
Mực nước đo tại hồ thủy điện Bản Vẽ ngày 2/6. Ảnh: Công ty Thủy điện Bản Vẽ.

Đáng chú ý, vào ngày 7/5, trạm quan trắc khí tượng thủy văn ở Tương Dương đo được nhiệt độ nóng 44,2 độ C. Đây là nhiệt độ cao nhất ở Việt Nam cho đến thời điểm hiện nay.

Để đảm bảo năng suất cho vụ Đông Xuân, UBND tỉnh Nghệ An đã yêu cầu thủy điện Bản Vẽ 3 đợt xả nước, đặc biệt trong giai đoạn cuối tháng 4 khi hàng nghìn ha lúa vụ Đông Xuân bước vào thời kỳ trổ bông cần sử dụng một lượng nước lớn.

Ngày 2/6, UBND tỉnh Nghệ An tiếp tục chỉ đạo để phục vụ cấp nước cho người dân gieo trồng vụ Hè Thu yêu cầu thuỷ điện Bản Vẽ cấp nước với lưu lượng 200m3/s vào 8 ngày đầu tháng 6. Để tránh lãng phí nước đề nghị các địa phương vùng hạ du cùng người dân tích cực lấy nước để đảm bảo theo đúng thời vụ.

Biểu đồ điều tiết nước chống hạn cho hạ du trong mùa cạn. Ảnh: Công ty Thủy điện Bản Vẽ

Biểu đồ điều tiết nước chống hạn cho hạ du trong mùa cạn. Ảnh: Công ty Thủy điện Bản Vẽ

Biểu đồ điều tiết nước chống hạn cho hạ du từ 1/1 - 31/5. Ảnh: Công ty Thủy điện Bản Vẽ.

Biểu đồ điều tiết nước chống hạn cho hạ du từ 1/1 - 31/5. Ảnh: Công ty Thủy điện Bản Vẽ.

Ông Tạ Hữu Hùng – Giám đốc Công ty Thủy điện Bản Vẽ cho biết, dung tích hồ chứa Bản Vẽ hơn 1,8 tỷ m3, trong đó dung tích hữu ích từ cao trình 155m – 200m là 1,3 tỷ m3 nước.

Hiện nay, mực nước hồ đang ở mức 159,25m, thấp hơn 19m so với cùng kỳ. Mực nước này chỉ cao hơn 4m so với mực nước chết và dung tích hữu ích còn lại chỉ còn hơn 90 triệu m3.

“Với thời tiết diễn ra cực đoan như hiện tại, khi hồ thuỷ điện Bản Vẽ tiếp tục xả nước theo chỉ đạo của UBND tỉnh thì sau khoảng 6 - 8 ngày nữa hồ thuỷ điện Bản Vẽ sẽ về mực nước chết”, ông Hùng nói về nguy cơ đập thủy điện Bản Vẽ rơi vào mực nước chết.

Khi hồ chứa về mực nước chết 155m thì nhà máy thủy điện Bản Vẽ chỉ được phát điện với lưu lượng xả bằng lưu lượng về. Theo quy định, chỉ trường hợp đặc biệt do phải đáp ứng an ninh năng lượng mới tiếp tục khai thác hồ dưới mực nước chết.

Vì vậy, trong nửa cuối tháng 6 và hết mùa khô nếu thời tiết tiếp tục nắng nóng cực đoan thì hạ lưu sông Cả sẽ xảy ra hiện tượng thiếu nước cấp cho hạ du và nguy cơ không đáp ứng đủ điện lên hệ thống.

Biểu đồ thông tin vận hành và mực nước Nhà máy thủy điện Bản Vẽ. Ảnh: Công ty Thủy điện Bản Vẽ.

Biểu đồ thông tin vận hành và mực nước Nhà máy thủy điện Bản Vẽ. Ảnh: Công ty Thủy điện Bản Vẽ.

Càng về cuối mùa cạn khi nắng nóng xảy ra trên diện rộng nhu cầu nước của hạ du tăng cao sau lượng nước ở vùng hạ du cần sử dụng nhiều nên mực nước trong hồ ngày càng xuống thấp.

Lượng nước đo được đang đổ về hồ tại thời điểm hiện nay trung bình là 35m3/giây, so với thời điểm này của năm 2022 là 105m3/giây. Mùa nắng nóng đầu tháng 6 năm nay, mực nước thuỷ điện Bản Vẽ xuống thấp nhất từ khi vận hành nhà máy.

Theo ông Hùng, những năm trước chỉ cần xả 150m3/giây là các trạm bơm dọc sông Lam đều hoạt động. Tuy nhiên, năm nay các nhánh sông chính của sông Lam như sông Nậm Mộ, sông Hiếu cũng hạn nặng nên Thuỷ điện Bản Vẽ phải tăng thêm xả 200m3/giây các trạm bơm mới lấy được nước phục vụ nông nghiệp.

“Khi thiếu nước ở thượng nguồn thì nguy cơ nước biển xâm nhập vào sâu trong đất liền sẽ ngày càng cao. Nguy cơ này sẽ diễn ra vào trung tuần cuối tháng 6, nếu thời tiết tiếp tục nắng nóng gay gắt mà không có mưa ở thượng nguồn Sông Cả”, ông Hùng chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Chương mới trong lịch sử Nhật Bản

GD&TĐ - Vừa qua, Quốc hội Nhật Bản đã bầu lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do (LDP) Shigeru Ishiba, 67 tuổi, làm Thủ tướng kế nhiệm ông Fumio Kishida.