Tiếng Mông là môn học thuộc lĩnh vực Giáo dục ngôn ngữ, được học từ cấp tiểu học đến cấp trung học phổ thông nhằm đáp ứng sự lựa chọn của học sinh người Mông trong việc nâng cao năng lực ngôn ngữ và văn hóa Mông.
Môn học Tiếng Mông được biên soạn cho học sinh người Mông. Đây là môn học tiếng mẹ đẻ. Môn học này có mục tiêu phát triển năng lực ngôn ngữ (tiếng Mông) thông qua các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết, trong đó chú trọng kỹ năng đọc, viết tiếng Mông nhằm góp phần phát triển công cụ ngôn ngữ cho học sinh để giúp học sinh có phương tiện giao tiếp trong cộng đồng người Mông.
Môn Tiếng Mông chủ yếu sử dụng ngữ liệu văn hóa Mông để dạy học, những ngữ liệu này góp phần giáo dục học sinh những giá trị cao đẹp về văn hóa, ngôn ngữ của dân tộc Mông, hình thành ở học sinh ý thức giữ gìn, bảo vệ và phát triển văn hóa, dân tộc Mông hài hòa với văn hóa của các dân tộc trên đất nước Việt Nam.
Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Mông ghi rõ: Cấu trúc chương trình môn Tiếng Mông theo bậc và trình độ. Chương trình Tiếng Mông trong trường phổ thông gồm 2 bậc (Bậc A, Bậc B) cơ cấu bằng 3 trình độ chuẩn đầu ra. Bậc A có 2 trình độ là A1 và A2.
Tổng thời lượng chương trình môn Tiếng Mông gồm 1085 tiết; trong đó trình độ A1: 350 tiết, trình độ A2: 420 tiết, trình độ B: 315 tiết.
Về phương pháp giáo dục, theo dự thảo, Chương trình môn Tiếng Mông vận dụng các phương pháp giáo dục theo định hướng chung là dạy học tích hợp và phân hóa; đa dạng hoá các hình thức tổ chức, phương pháp và phương tiện dạy học; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong học tập và vận dụng kiến thức, kĩ năng của học sinh.
Căn cứ vào chương trình, giáo viên chủ động, linh hoạt xây dựng và tổ chức các bài học theo định hướng:
Thực hiện yêu cầu tích hợp nội môn (cả kiến thức và kĩ năng), tích hợp liên môn và tích hợp những nội dung giáo dục ưu tiên (xuyên môn); thực hiện dạy học phân hóa theo đối tượng học sinh ở tất cả các trình độ A1, A2, B;
Rèn luyện cho học sinh phương pháp đọc, viết, nói và nghe; thực hành, trải nghiệm việc tiếp nhận và vận dụng kiến thức tiếng Việt, văn học thông qua các hoạt động học bằng nhiều hình thức trong và ngoài lớp học; chú trọng sử dụng các phương tiện dạy học, khắc phục tình trạng dạy đơn điệu theo kiểu đọc chép, phát triển tư duy, rèn luyện kĩ năng sử dụng các phương tiện cho học sinh.
Tăng cường, phát huy tính tích cực, tự lực của học sinh; dành nhiều thời gian cho học sinh làm việc sách giáo khoa và tài liệu học tập, luyện tập, thực hành, trình bày, thảo luận, bảo vệ kết quả học tập để học sinh biết tự đọc, viết, nói và nghe theo những yêu cầu và mức độ khác nhau; kiểm tra, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ học tập của học sinh.
Về kiểm tra, đánh giá, trong môn Tiếng Mông, giáo viên đánh giá phẩm chất, năng lực chung, năng lực đặc thù và sự tiến bộ của học sinh thông qua các kĩ năng nghe, nói, đọc, viết. Phương thức đánh giá là đánh giá thường xuyên phối hợp với phương thức đánh giá định kì.
Cuối năm học thứ 9 (kết thúc bậc A), cuối năm học thứ 12 (kết thúc bậc B), các cơ sở giáo dục tổ chức cho học sinh làm bài kiểm tra để cấp chứng chỉ cho những em đạt yêu cầu. Những học sinh có chứng chỉ về tiếng Mông sẽ được hưởng một số ưu tiên trong việc tuyển chọn vào những trường đào tạo nghề, trường cao đẳng, đại học hoặc các cơ sở tuyển dụng lao động ở địa bàn có người Mông sinh sống.
Căn cứ vào chương trình môn Tiếng Mông, có thể có nhiều nhóm tác giả sẽ biên soạn những bộ sách giáo khoa Tiếng Mông khác nhau. Mỗi nhóm tác giả sách giáo khoa, tùy vào quan điểm của mình, có quyền chọn thiết kế các bộ sách có cấu trúc khác nhau.
Nhưng dự thảo nhấn mạnh, dù thiết kế cấu trúc của bộ sách theo cách nào, các tác giả sách vẫn phải đảm bảo sách giáo khoa bao gồm đủ những nội dung học tập và định hướng về phương pháp dạy học, phương pháp đánh giá đã nêu trong chương trình này.
Sách giáo khoa Tiếng Mông đưa vào nhà trường để dạy học phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Bên cạnh sách giáo khoa là tài liệu học tập chính, các nhóm tác giả có thể biên soạn các tài liệu bổ trợ để hỗ trợ học sinh học tập có chất lượng hơn như : Vở bài tập, Sách đọc thêm, các đoạn clip cung cấp tư liệu cho học sinh.
Học sinh học môn Tiếng Mông cần được cung cấp đủ sách giáo khoa, thiết bị học tập tối thiểu dưới hình thức tự mua hoặc miễn phí (tùy theo chính sách của Nhà nước, địa phương). Đây là một điều kiện tối thiểu, bắt buộc để thực hiện chương trình này.