Tuy nhiên, bên cạnh đó hình ảnh con người trong văn học trung đại cũng nổi cộm sự cô đơn, lạc lõng giữa xã hội phong kiến ở vào giai đoạn suy tàn.
Con người tự phản tỉnh
Phản tỉnh là tự thức tỉnh để nhìn lại, nhận thức lại, phán xét lại chính mình từ đó nhận ra sai lầm mà ăn năn, sám hối để hướng đến những giá trị cao đẹp hơn. Tinh thần phản tỉnh là một một biểu hiện nhân văn góp phần hình thành vẻ đẹp nhân cách của con người.
Trong “Dạ Vũ” của Trần Minh Tông, tinh thần tự phản tỉnh thể hiện trong hình ảnh một con người xót xa, dằn vặt, ăn năn vì những lỗi lầm của 30 năm trước. Câu thơ đầu tiên “Thu khí hòa đăng thất thự minh” (Hơi thu hòa vào ngọn đèn làm mờ đi ánh sáng ban mai) gợi khung cảnh của một buổi bình minh khi những tia nắng đầu tiên của một ngày mới chiếu vào phòng. Thế nhưng con người dường như không trông thấy rõ ánh ban mai vì khí thu hòa vào ánh sáng của ngọn đèn làm mờ đi. Tại sao đến lúc canh tàn ngọn đèn vẫn chưa tắt? Câu thơ thứ hai giúp ta lí giải điều này “Bích tiêu song ngoại đệ tàn canh” (Giọt mưa trên tàu chuối xanh ngoài cửa sổ tiễn canh tàn). Người nằm đó, lắng nghe từng giọt mưa qua tàu chuối tí tách rơi trong đêm tận đến lúc tàn canh. Thì ra, ngọn đèn chưa tắt là vì con người trằn trọc suốt đêm thâu không thể nào chợp mắt.
Con người không ngủ được phải chăng có gì đó liên quan đến những hạt mưa đêm theo cái lẽ “Cảnh buồn người thiết tha lòng” (Chinh phụ ngâm)? Thực ra, những giọt mưa hiu hắt kia sẽ chẳng thể nào chi phối được giấc ngủ của con người nếu con người ấy đạt được trạng thái “đối cảnh vô tâm”, tức là luyện được một cái tâm an nhiên, bình thản trước mọi biến dịch từ ngoại cảnh. Vậy thì hẳn người đang thao thức kia phải đang mang nặng một nỗi niềm u uất. Nhà thơ giãi bày nỗi niềm ấy trong hai câu thơ cuối: “Tự tri tam thập niên tiền thác/ Khẳng bả nhàn sầu đối vũ thanh” (Tự biết sai lầm của mình ba mươi năm trước/ Đành ôm nỗi sầu ngồi nghe mưa rơi). Giây phút lắng nghe tiếng mưa đêm cũng là giây phút nhân vật trữ tình đối diện với lương tâm, tự vấn, tự xét chính mình để những lỗi lầm từ 30 năm trước cứ thế hiện về vò xé tâm can.
Người cung nữ trong “Cung oán ngâm khúc” của Nguyễn Gia Thiều ban đầu đặt rất nhiều niềm tin, hy vọng vào “đấng quân vương”, mơ ước được sống một cuộc sống nhung lụa vàng son theo kiểu “Một ngày tựa mạn thuyền rồng/ Còn hơn mãn kiếp ngồi trong thuyền chài”. Nàng mong muốn được sống giàu sang vinh hiển, khát vọng đạt được hạnh phúc tột đỉnh. Đối với nàng, cuộc sống đúng nghĩa phải là cuộc sống nơi lầu vàng gác tía, nàng coi thường cuộc sống thường dân: “Lan mấy đóa lạc loài sơn dã/ Uổng mùi hương vương giả lắm thay”. Thế nhưng khi bị thất sủng, phải đối mặt với một thực tại chua xót, bẽ bàng, đối mặt với bao nhiêu đau khổ, bao nhiêu uất ức, một khối cô đơn gặm nhấm tâm hồn nàng: “Buồn mọi nỗi lòng đà khắc khoải/ Ngán trăm chiều bước lại ngẩn ngơ”. Sống trong tâm trạng ấy, người cung nữ dần dần đánh mất niềm tin vào những thứ trước đây nàng tin tưởng. Giấc mộng lầu son giờ đổ vỡ, mọi ảo tưởng, ngộ nhận tiêu tan. Nàng rơi vào bi kịch vỡ mộng. Nàng bắt đầu phản tỉnh để nhận thức được rằng hóa ra những thứ mà trước đây nàng cho là tốt đẹp, cao quý lại là những thứ đen tối, xấu xa. Vinh hoa phú quý chỉ như một thứ “mồi”, thứ “bả” lừa gạt con người: “Mồi phú quý dử làng xa mã/ bả vinh hoa lừa gã công khanh/ Giấc Nam Kha khéo bất bình/ Bừng con mắt dậy thấy mình tay không”.
Mất niềm tin vào những giá trị cũ, người cung nữ tìm đến với những giá trị mới. Nàng hiểu ra rằng hạnh phúc không phải được tạo nên từ lầu vàng điện ngọc, từ phù phiếm, xa hoa. Hạnh phúc chỉ đến từ tình yêu chân thành, chung thủy. Cuộc sống êm đẹp nhất là cuộc sống vui vẻ sum vầy, có chồng có vợ. “Kìa điểu thú là loài vạn vật/ Dẫu vô tri cũng biết đèo bòng/ Có âm dương có vợ chồng/ Dẫu từ thiên địa cũng vòng phu thê”. Trực tiếp trải nghiệm trong một thực tế phũ phàng, trực tiếp nếm trải bao đắng cay, chua chát, nàng mới cảm thấy thèm cái giản dị nhưng rất đỗi ngọt ngào của “cảnh sống nhà quê” đầm ấm chan hòa: “Miếng cao lương phong lưu nhưng lợm/ Mùi hoắc lê thanh đạm mà ngon/ Cùng nhau một giấc hoành môn/ Lau nhau ríu rít cò con chung tình”.
Con người cô đơn, lạc lõng
Hình ảnh con người cô đơn, lạc lõng trong văn học trung đại thường xuất hiện khi xã hội phong kiến Việt Nam ở vào giai đoạn suy tàn. Mọi trật tự tôn ti sụp đổ, mọi giá trị lộn nhào. Lúc ấy con người, đặc biệt là những người trí thức vốn đặt niềm tin vào lý tưởng nhà Nho cảm thấy lạc lõng, bơ vơ, mất phương hướng, khủng hoảng niềm tin một cách trầm trọng.
Đó là hình ảnh một con người bơ vơ, trôi dạt, không biết đi về đâu, chẳng biết làm gì cho đúng khiến tâm trạng trở nên bức bối, khiến cõi lòng trở nên hoen rỉ trong thơ Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác: “Tìm đường về Hán chưa xong/ Sang Tần là việc đã không nên rồi/ Bể hồ trôi dạt đôi nơi/ Cho người tráng chí ra người cuồng ngông” (Y tông tâm lĩnh).
Đó là một con người mang nặng một nỗi uất ức, bấn loạn khiến tâm hồn nhàu nhĩ, bi thương trong thơ Nguyễn Du: “Tráng sĩ bạch đầu bi hướng thiên/ Hùng tâm sinh kế lưỡng mang nhiên” (Người tráng sĩ đầu bạc buồn ngẩng mặt nhìn trời/ Hùng tâm, sinh kế cả hai đều mờ mịt cả) (Tạp thi). Đó là một con người sụp đổ niềm tin, chán ngán trước tất cả trong thơ Nguyễn Công Trứ “Ngồi buồn mà trách ông xanh/ Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười/ Kiếp sau xin chớ làm người/ Làm cây thông đứng giữa trời mà reo” (Vịnh cây thông). Và đó là một con người tuy nhận ra con đường công danh mờ mịt, tăm tối mà vẫn phải ngụp lặn, tất tả ngược xuôi trong ấy để cõi xót xa, day dứt trong thơ Cao Bá Quát: “Trường sa phục trường sa/ Nhất bộ nhất hồi khước/ Nhật nhập hành vị dĩ/ Khách tử lệ giao lạc”(Bãi cát dài lại bãi cát dài/ Đi một bước như lùi một bước/ Mặt trời đã lặn không dừng được/ Lữ khách trên đường nước mắt rơi.) (Sa hành đoản ca).
Trong bài thơ “Tự tình 2” của Hồ Xuân Hương, ta bắt gặp hình ảnh người phụ nữ một mình đối diện với không gian mênh mông, thời gian đêm khuya thanh vắng mà trơ “cái hồng nhan” ra cùng tuế nguyệt “Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn/ Trơ cái hồng nhan với nước non”. Nàng khát khao tìm đến rượu để giải tỏa nỗi buồn nhưng “Chén rượu hương đưa say lại tỉnh”. Nàng tìm đến vầng trăng với khát khao hạnh phúc tròn đầy thì tiếc thay lại là trăng khuyết, trăng xế bóng “Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn”. Dù mạnh mẽ bức phá, quẫy đạp mong thoát khỏi tình cảnh tù túng, cô đơn nhưng cuối cùng người phụ nữ lại càng chìm sâu vào bị kịch với bao nhiêu chán chường, tuyệt vọng “Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại/ Mảnh tình san sẻ tí con con”.
Nàng Kiều trong kiệt tác “Truyện Kiều” của Nguyễn Du cũng không ít lần rơi vào trạng thái cô đơn, tuyệt vọng như vậy. Đó là sau khi tự mình trao duyên, trao tình yêu cho em, nàng trở về với chính cõi lòng mình để bao nhiêu buồn tủi, xót xa lan tỏa trong tâm hồn“ Bây giờ trâm gãy gương tan/ Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân/ Trăm nghìn gửi lạy tình quân/ Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi/ Phận sao phận bạc như vôi/ Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng”. Đó là giây phút nàng tỉnh rượu sau những “bướm lả ong lơi”, những “cuộc vui đầy tháng trận cười suốt đêm”, đối diện với một đêm khuya quạnh vắng, nỗi cô đơn, chán chường như tan chảy trong sâu thẳm cõi lòng “Khi tỉnh rượu lúc tàn canh/ Giật mình mình lại thương mình xót xa/ Khi sao phong gấm rủ là/ Giờ sao tan tác như hoa giữa đường/ Mặt sao dày gió dạn sương/ Thân sao bướm chán ong chường bấy thân”.
Nhìn lại toàn bộ tiến trình văn học trung đại Việt Nam, có thể nhìn thấy một sự vận động không ngừng của quan niệm nghệ thuật về con người. Hình tượng con người trong văn học phát triển theo chiều hướng ngày càng mang bản sắc riêng, có sự dịch chuyển từ tuân thủ chuẩn mực đến sáng tạo trong thể hiện khiến hình tượng con người ngày càng trở nên phong phú và giàu sức hấp dẫn hơn. Sự đa dạng, phong phú trong sự thể hiện con người ấy đã góp phần tạo nên giá trị nhân đạo sâu sắc, tạo nên vẻ đẹp nhân văn lấp lánh trong nền văn học.