Hiệu ứng từ hợp tác trao đổi sinh viên

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Dù mang lại hiệu ứng tích cực nhưng việc hợp tác trao đổi sinh viên cũng cần chú trọng chất lượng thay vì chạy theo số lượng...

Sinh viên Trường ĐH Đông Đô (Hà Nội). Ảnh: NTCC
Sinh viên Trường ĐH Đông Đô (Hà Nội). Ảnh: NTCC

Ngày càng nhiều cơ sở giáo dục đại học đẩy mạnh hợp tác quốc tế, trao đổi sinh viên theo mô hình: Kết hợp học tập trong nước và nước ngoài. Dù mang lại hiệu ứng tích cực nhưng cũng cần chú trọng chất lượng thay vì chạy theo số lượng để người học không rơi vào tình cảnh “xôi hỏng bỏng không”.

Trao đổi để hội nhập

Trực tiếp tham gia chương trình trao đổi sinh viên trong khuôn khổ hợp tác quốc tế của Trường ĐH Đông Đô (Hà Nội), sinh viên Đỗ Ngọc Khánh - lớp NB522.01 có thời gian trải nghiệm học tập và làm việc thú vị tại Nhật Bản. Tại đây, Ngọc Khánh được thực tập ở Tập đoàn Lawson, học “giảng đường doanh nghiệp” theo đúng nghĩa.

Tiếp xúc với người bản địa hàng ngày nên kỹ năng nghe, nói, đọc, viết tiếng Nhật của Ngọc Khánh cải thiện rõ rệt. Từ trải nghiệm bản thân, Khánh nhận thấy, chương trình trao đổi, hợp tác quốc tế giữa cơ sở giáo dục đại học trong nước với trường đại học, doanh nghiệp nước ngoài có nhiều ý nghĩa.

Mô hình này giúp người học bổ sung kiến thức thực tế, có cơ hội tìm hiểu về nhiều nền văn hóa khác nhau. “Với hình thức hợp tác song phương, đa phương như hiện nay, sinh viên Việt Nam hoàn toàn có thể hội nhập quốc tế, trở thành công dân toàn cầu”, Ngọc Khánh bày tỏ.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm gia tăng cơ hội việc làm cho sinh viên là chiến lược phát triển nhà trường, TS Trịnh Hữu Tuấn – Chủ tịch Hội đồng trường, Giám đốc Trung tâm Hợp tác doanh nghiệp và quốc tế (Trường ĐH Đông Đô) chia sẻ. Theo đó, nhà trường thiết lập và mở rộng mối quan hệ hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu uy tín trong khu vực và thế giới. Trong đó, chú trọng ký kết thỏa thuận hợp tác, gửi và tiếp nhận sinh viên theo hình thức trao đổi; đồng thời thực hiện dự án nghiên cứu và tổ chức các chương trình học tập trung.

Mặt khác, nhà trường tăng cường hỗ trợ tài chính cho sinh viên tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế như: Chi phí du học, sinh hoạt và nghiên cứu khoa học. Đây là yếu tố quan trọng để thu hút và duy trì sự tham gia của người học. “Chúng tôi cũng xây dựng một số chương trình học tập như: Học kép, học bằng tiếng Anh và học liên kết với các trường đại học quốc tế. Qua đó, giúp sinh viên phát triển kỹ năng giao tiếp, khả năng làm việc trong môi trường đa văn hóa, nắm bắt cơ hội việc làm trong và ngoài nước”, TS Trịnh Hữu Tuấn chia sẻ.

Ngoài ra, Trường ĐH Đông Đô tăng cường cử cán, bộ giảng viên tham gia các hội thảo quốc tế nhằm tiếp thu khoa học công nghệ, phương pháp giảng dạy, giáo trình chuyên môn mới. Qua đó, đổi mới chương trình đào tạo và gia tăng cơ hội du học, học lên cao hơn của sinh viên trong trường. “Hiện, chúng tôi hợp tác chặt chẽ với các nước như: Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… Tới đây, chiến lược phát triển của nhà trường là mở rộng hợp tác quốc tế với Úc và một số nước châu Âu”, TS Trịnh Hữu Tuấn thông tin.

Sinh viên Trường ĐH Công đoàn (Hà Nội). Ảnh: TG
Sinh viên Trường ĐH Công đoàn (Hà Nội). Ảnh: TG

Không vì lợi ích kinh tế…

Mới đây, Trường ĐH Công đoàn và Học viện Công nghệ Melbourne (Australia) ký kết thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2023 – 2028. PGS.TS Lê Mạnh Hùng - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, hai bên cam kết hỗ trợ trong một số lĩnh vực như: Chương trình chuyển tiếp sinh viên 2+2 ngành Kinh doanh trình độ cử nhân; đào tạo cử nhân và thạc sĩ tại Học viện Công nghệ Melbourne dành cho sinh viên Việt Nam. Cùng đó là hoạt động trao đổi giảng viên, cán bộ giữa hai bên và đồng tổ chức các bài giảng, hội thảo và hội nghị.

Theo PGS.TS Lê Mạnh Hùng, thỏa thuận hợp tác trên phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển bền vững và tích cực của Trường ĐH Công đoàn, góp phần nâng cao chất lượng bồi dưỡng nguồn nhân lực, thúc đẩy quốc tế hóa trong giáo dục. Mô hình hợp tác, trao đổi sinh viên, giảng viên mở ra những cơ hội học tập và giảng dạy mới, đồng thời mang đến giá trị thiết thực cho người học và xã hội.

Song, làm sao để “xứng đồng tiền bát gạo” là vấn đề được nhiều chuyên gia đặt ra với mô hình hợp tác đào tạo như trên. PGS.TS Ngô Đăng Tri – nguyên giảng viên Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhìn nhận, hợp tác, trao đổi, liên kết đào tạo với quốc tế là việc nên làm, cần thúc đẩy mạnh mẽ. Đây là xu hướng không thể đảo ngược nếu muốn hội nhập quốc tế sâu rộng.

Tuy nhiên, sinh viên học tập theo chương trình 2+2, 3+1 (2 - 3 năm học trong nước; 1 - 2 năm học ở nước ngoài) thường phải đóng phí nhiều hơn so với việc học tập hoàn toàn trong nước. Vì thế, rất mong các cơ sở giáo dục đại học không vì lợi ích kinh tế mà đánh bóng các chương trình đào tạo để chiêu sinh. Chủ trương này cần xuất phát từ quan điểm lấy người học làm trung tâm, trên hết vì uy tín, thương hiệu và sự phát triển bền vững của nhà trường.

Đồng quan điểm, ông Lê Tuấn Tứ - nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIV khuyến nghị, các trường cần thực hiện đúng cam kết với người học theo tiêu chí: Uy tín và chất lượng. Các hoạt động, chương trình đào tạo theo mô hình hợp tác phải được kiểm định chất lượng quốc tế hoặc quy định của các trường đại học, tổ chức đào tạo nước ngoài. Phía người học cần tìm hiểu kỹ về chương trình/cơ sở đào tạo có hình thức trao đổi sinh viên trước khi quyết định đăng ký tham gia, tránh tình trạng “xôi hỏng bỏng không”.

Ngoài thực hiện trao đổi sinh viên với trường quốc tế, ông Lê Tuấn Tứ mong muốn thúc đẩy hoạt động này giữa các trường trong nước. Bộ GD&ĐT đã có quy định về trao đổi sinh viên và hợp tác trong đào tạo. Điều này thể hiện rõ nét trong Quy chế đào tạo trình độ đại học. Các cơ sở có thể vận dụng cơ chế này để triển khai các hoạt động trao đổi sinh viên hiệu quả.

Theo Báo cáo của Bộ GD&ĐT, giai đoạn 2013 - 2022, Bộ đã cử hơn 11.600 người (trên 4.000 tiến sĩ, gần 1.900 thạc sĩ, hơn 5.000 đại học và 661 thực tập) đi học ở nước ngoài tại 40 nước. Trong đó, số lượng giảng viên, viên chức các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng được cử đi học ở nước ngoài là hơn 3.500 người (trên 3.200 tiến sĩ, 258 thạc sĩ, 52 thực tập). Đến hết năm 2022, các đề án, chương trình học bổng Hiệp định đã có khoảng 7.100 người tốt nghiệp, về nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nhiệm kỳ 2.0 ?

GD&TĐ - Theo kết quả cuộc thăm dò do Reuters/Ipsos vừa tiến hành, Tổng thống Joe Biden chỉ còn dẫn trước 1% so với đối thủ là cựu Tổng thống Donald Trump.
Minh họa/INT

Câu trả lời rõ ràng

GD&TĐ - Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, sẽ thay thế tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa bằng tuyến đường sắt đô thị...
Đồng bào các dân tộc xem triển lãm ảnh Bác Hồ với cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Tháng 5 'Theo dấu chân Người'

GD&TĐ - Tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội) trong tháng 5/2024 sẽ diễn ra các hoạt động với chủ đề 'Theo dấu chân Người'.