Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng được nghỉ 8 tuần/năm học: Cần áp dụng linh hoạt

GD&TĐ - Theo ghi nhận, đa số ý kiến đồng tình với đề xuất hiệu trưởng, phó hiệu trưởng được nghỉ 8 tuần/năm học như giáo viên nhưng cần áp dụng linh hoạt...

Cô trò Trường Mầm non Ngô Thì Nhậm (Hà Đông, Hà Nội) trong một hoạt động tại trường. Ảnh: TG
Cô trò Trường Mầm non Ngô Thì Nhậm (Hà Đông, Hà Nội) trong một hoạt động tại trường. Ảnh: TG

Bộn bề công việc trong hè

Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến dư luận về dự thảo Luật Nhà giáo, trong đó có việc hiệu trưởng, phó hiệu trưởng được nghỉ 8 tuần/năm học như giáo viên.

Cô Nguyễn Thị Thu An – Hiệu trưởng Trường Mầm non Ngô Thì Nhậm (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, tuy là cấp học thấp nhất trong hệ thống giáo dục quốc dân nhưng khối lượng công việc của giáo viên lẫn cán bộ quản lý lớn. Nếu đề xuất trên được áp dụng thì rất mừng, nhưng sẽ khó vì đa số phụ huynh có nhu cầu gửi trẻ trong hè để các cô trông nom, chăm sóc.

“Khi trẻ đến trường đồng nghĩa mọi hoạt động của các bộ phận trong nhà trường phải vận hành. Giáo viên có nhu cầu sẽ được ban giám hiệu phân công trông trẻ ngày hè. Tương tự, cán bộ quản lý vẫn phải có mặt ở trường để xử lý nhiều công việc khác nhau. Tháng 6 phải chuẩn bị xây dựng kế hoạch tuyển sinh và trực hè để sang tháng 7 tổ chức tuyển sinh, rà soát, bổ sung các điều kiện cơ sở vật chất cho năm học mới nên khá vất vả”, cô Thu An nói.

Nằm ở địa bàn vùng núi của tỉnh Lai Châu, thầy Phạm Quốc Bảo - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Nậm Manh (huyện Nậm Nhùn) cho rằng, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng được phép nghỉ 8 tuần/năm học như giáo viên là hoàn toàn phù hợp. Thực tế, cả giáo viên và ban giám hiệu các trường đều chịu nhiều áp lực từ công việc nên cần được quan tâm, chia sẻ từ các ban, ngành.

Thầy Bảo nhấn mạnh, cán bộ quản lý các trường cần được nghỉ trọn vẹn trong tháng 6 và 7; đến tháng 8 phải đi làm lại để bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn cũng như chuẩn bị mọi điều kiện cho khai giảng năm học mới. Nếu biết cách sắp xếp công việc và cấp trên tạo điều kiện, hiệu trưởng và phó hiệu trưởng có thể được nghỉ hè đúng nghĩa như giáo viên. Điều này sẽ tạo thêm động lực phấn đấu cho đội ngũ.

Theo cô Đặng Thúy Hà - Hiệu trưởng Trường THCS Tây Đằng (Ba Vì, Hà Nội), dù đã có quy định giáo viên phổ thông được nghỉ hè trọn vẹn trong tháng 6 và 7, nhưng thực tế với cấp THCS, công việc của cán bộ quản lý lẫn giáo viên khối 9 rất “căng” bởi phải lo công tác ôn tập, ôn thi cho học sinh thi vào lớp 10 THPT.

“Bộ GD&ĐT đưa ra đề xuất ý nghĩa và vì quyền lợi của cán bộ, giáo viên. Tuy nhiên, hiện chưa có quy định cụ thể về thời gian nghỉ hè của cán bộ quản lý các trường nên đa số, chúng tôi phải làm thông hè cũng như giải quyết các công việc cấp trên giao. Ngoài ra, nhà trường có kế hoạch tổ chức hoạt động hè và công tác tuyển sinh vào lớp 6, hỗ trợ ôn tập cho học sinh khối 9 thi vào lớp 10”, cô Thúy Hà bày tỏ.

Cùng quan điểm trên, thầy Phạm Tiến Dũng - Hiệu trưởng Trường THCS Nam Cao (Lý Nhân, Hà Nam) cho hay, dù chạm đúng tâm tư của nhiều cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục nhưng để áp dụng trong thực tế còn nhiều điều phải bàn.

Bởi thông thường trong tháng 6, các trường có nhiệm vụ hoàn thiện nốt hồ sơ thi đua, công tác tuyển sinh đầu cấp. Tháng 8 là thời điểm để cán bộ, giáo viên tham gia tập huấn và sinh hoạt chuyên môn chuẩn bị bước vào năm học mới. Nếu hiệu trưởng, phó hiệu trưởng cũng muốn nghỉ hè như giáo viên thì phải hoàn tất công việc trên trong nửa đầu tháng 6 và tập huấn chuyên môn vào nửa cuối tháng 8.

Cô Đặng Thúy Hà – Hiệu trưởng Trường THCS Tây Đằng (Ba Vì, Hà Nội). Ảnh: TG

Cô Đặng Thúy Hà – Hiệu trưởng Trường THCS Tây Đằng (Ba Vì, Hà Nội). Ảnh: TG

Cần căn cứ vào thực tế

Căn cứ vào Khoản 3 Điều 5 Văn bản hợp nhất 03/2017/VBHN-BGDĐT do Bộ GD&ĐT ban hành quy định thời gian làm việc, thời gian nghỉ hàng năm của giáo viên phổ thông gồm: Nghỉ hè, nghỉ Tết Âm lịch, nghỉ học kỳ và các ngày nghỉ khác. Thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên là hai tháng (bao gồm cả nghỉ hằng năm theo quy định của Bộ luật Lao động), được hưởng nguyên lương và các phụ cấp (nếu có).

Thầy Hà Văn Hải – Hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Tho (Ý Yên, Nam Định) trao đổi, với thực tế tại trường dù cấp trên có cho nghỉ thì cán bộ quản lý cũng không thể không đến trường, kể cả khi giáo viên và học sinh đã nghỉ hè. Có nhiều công việc “không tên” cần giải quyết; nhiều phụ huynh đến trường thường lên thẳng phòng hiệu trưởng để hỏi trực tiếp. Vì thế, nếu cho phép cán bộ quản lý được nghỉ hè, Bộ GD&ĐT cần ban hành các quy định thật chi tiết, cụ thể.

Điều 27 dự thảo Luật Nhà giáo nêu rõ, chế độ làm việc của nhà giáo được xây dựng bảo đảm đúng quy định của Bộ luật Lao động và phù hợp với hoạt động nghề nghiệp và quy đổi thành thời gian làm việc theo tuần, năm học và thời gian nghỉ trong năm của nhà giáo.

Thời gian nghỉ trong năm của nhà giáo (kể cả cán bộ quản lý cơ sở giáo dục) bao gồm 8 tuần nghỉ và các ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết theo quy định của Bộ luật Lao động; nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương theo quy định của Bộ luật Lao động và các ngày nghỉ khác theo Luật Bảo hiểm xã hội.

Việc bố trí 8 tuần nghỉ/năm do cơ quan quản lý giáo dục cấp tỉnh (đối với giáo dục mầm non, phổ thông), cơ sở giáo dục (đối với giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm và giáo dục nghề nghiệp) quy định trong kế hoạch giáo dục hằng năm cho phù hợp điều kiện thực tế.

Dưới góc độ chuyên gia, TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam nhìn nhận, dự thảo Luật Nhà giáo của Bộ GD&ĐT đã phần nào phản ánh những điều căn cốt nhất về chế độ tuyển dụng, quản lý đội ngũ nhà giáo, khẳng định rõ quyền cũng như trách nhiệm của nhà giáo vì sự nghiệp giáo dục chung của nước nhà.

Khoản 5, Điều 27 dự thảo Luật Nhà giáo quy định, nhà giáo (bao gồm cả cán bộ quản lý cơ sở giáo dục) được chi trả chế độ làm thêm giờ khi thời gian làm việc thực tế vượt định mức theo quy định. Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình quy định chi tiết chế độ làm việc đối với nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý.

“Giáo viên có thể nghỉ 8 tuần trong hè. Đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng công việc trong dịp hè cũng nhiều, phải thường xuyên làm việc, báo cáo nên khó có thể nghỉ suốt hai tháng hè như giáo viên. Việc nghỉ 8 tuần cần linh động sắp xếp trong năm học và thời điểm hè, không nhất thiết phải nghỉ liên tục 8 tuần dịp hè. Ngoài ra, cần có chế độ làm thêm giờ để họ yên tâm công tác”, TS Nguyễn Tùng Lâm trao đổi thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.