Nên khi các bạn là hiệu trưởng hỏi tôi: Phải bắt đầu từ đâu để giúp trường phát triển? Tôi luôn nói: Bắt đầu từ chuyên môn của giáo viên.
Các hiệu trưởng nói:
- Phải đi mời được những giáo viên giỏi về trường.
- Không, đừng làm thế. Vì làm sao chúng ta mời được họ như mong muốn của chúng ta: Lương, cơ chế làm việc… Mà chẳng lẽ họ dễ mời như thế? Mà người giỏi nào có nhiều không?
Không có người giỏi thì liệu rằng trường có thể thay da đổi thịt nhờ chuyên môn không?
Tôi nói: Phải làm cho các giáo viên trở nên giỏi hơn, có động lực hơn, truyền cảm hứng hơn.
Tôi đã hướng dẫn một số hiệu trưởng đi dự giờ theo phong cách “nghiên cứu bài học”. Việc dự giờ này không phải để xem chuyên môn của giáo viên rồi nhận xét họ, mà là để xem việc học dưới sự hướng dẫn của giáo viên đang diễn ra thế nào để cùng giáo viên cải thiện.
Khi hiệu trưởng đứng ở phía trên quan sát học sinh sẽ khiến giáo viên tự tin hơn. Ảnh minh họa |
Lạ thay:
- Khi hiệu trưởng đứng ở phía trên quan sát học sinh chứ không đứng ở phía dưới quan sát giáo viên sẽ khiến giáo viên tự tin hơn. Họ không lúng túng, cũng không diễn nữa (sau chỉ 1 - 2 giờ được dự).
- Khi hiệu trưởng mô tả cho giáo viên biết những gì mình ghi lại được về một học sinh, giáo viên và hiệu trưởng có cùng mối quan tâm rằng: Em ấy có tập trung không; em ấy có được quan tâm không; vở em ấy ghi được gì; em ấy làm việc thế nào,... Giáo viên và hiệu trưởng chỉ bàn về việc làm thế nào để cải thiện em học sinh đó, và những em học sinh khác.
- Sau những góp ý đó, giáo viên tìm đến những chỉ dẫn về phương pháp dạy học. Giáo viên để ý đến học sinh, đến sự hữu ích thực sự của những gì mình dạy, mình nói, mình làm.
Hiệu trưởng, trong một tuần đã ghi kín hơn 20 trang trong sổ, bằng những nét nguệch ngoạc để vẽ lại thật nhanh lớp học, về một học sinh. Trong một tháng, hiệu trưởng dự được 3 giáo viên như vậy. Thật kì lạ, hiệu trưởng đã thu thập được rất nhiều, đã thấy được giáo viên giỏi hơn sau mỗi giờ như thế. Giáo án được chỉnh sửa để phù hợp hơn. Khi giáo viên nghĩ về những học sinh cụ thể, tìm ra giải pháp cụ thể, có vẻ họ gần gũi, truyền cảm hứng với học sinh hơn.
Hiệu trưởng nói rằng: Cuốn sổ này là gia tài của mình, mình có nó thì trở nên giàu hơn, dùng nó để giúp giáo viên giỏi hơn. Mà chúng ta biết đấy, chỉ cần thấy mình giỏi hơn, tự tin hơn thì giáo viên sẽ thực sự có sức mạnh thay đổi thế giới.
Khi nói chuyện với học sinh, phụ huynh lớp 10 và thầy hiệu trưởng ở ngôi trường tôi từng học tập, tôi nói: Chúng ta có thể hy vọng sẽ sống tốt hơn ở một nơi nào đó, rất xa quê hương, nhưng sự thật là, chúng ta thực sự sống tốt ở đây, nơi ta thân thuộc, nơi ta tự chủ cuộc đời mình.