Tôi thật may là có rất nhiều bạn làm hiệu trưởng, thế nên có điều kiện hiểu các nhà trường toàn diện. Các bạn hiệu trưởng của tôi đều khá tích cực. Nhưng đúng là mỗi người mỗi vẻ. Có thể cùng một việc, nhưng mỗi người lại triển khai khác nhau, và thu được kết quả cũng khác nhau. Ý tôi nói, tích cực chưa đủ, tích cực chưa chắc đã dẫn tới hiệu quả như mong muốn.
Tôi lấy ví dụ về việc áp dụng công nghệ trong quản lí nhà trường. Tôi có hai người bạn đều làm hiệu trưởng ở cùng một tỉnh. Hai người này đều có kinh nghiệm, hơn tuổi tôi và đều biết rằng phải tạo môi trường làm việc tích cực cho anh em, đều dùng công nghệ như một công cụ.
Một người làm như sau:
- Lập Facebook cá nhân, group tập thể, cả fanpage nhà trường.
- Yêu cầu các giáo viên đều phải làm theo.
- Các bài giảng phải trình chiếu.
- Giáo viên chịu khó chụp ảnh, quay lớp học… rồi đưa lên mạng.
- Các thông tin của nhà trường cũng được truyền tải qua các group, fanpage…
Người hiệu trưởng này thấy rằng việc thực hiện các việc trên thực sự đã khiến tất cả mọi người đều phải dùng công nghệ, hoạt động của trường diễn ra sôi nổi hẳn, được phụ huynh chú ý hơn. Hiệu trưởng chỉ cần vào Facebook là có vẻ thấy hết những gì đang diễn ra ở trường mình.
Ảnh minh họa. |
Nhưng dạo này bạn ấy lo lắng. Hiệu trưởng này nói với tôi rằng: “Thơ biết không, công nghệ sinh ra nhiều hệ lụy lắm. Đấy, các thầy cô còn có group kín, trao đổi những gì mình không biết được. Các thông tin của trường chỉ có vậy thôi sao? Ngày lại ngày, những gì vui vẻ, những gì hào nhoáng, và cái gì cũng cho thiên hạ biết.
Giáo viên vừa dạy, vừa dùng điện thoại, nhiều khi cũng lấy hết thời gian. Tiết học nào cũng có trình chiếu đấy, nhưng mà nhiều tiết vô hồn lắm. Thế công nghệ chỉ có vậy thôi sao? Nhiều giáo viên phản đối, kêu mất thời gian, vô bổ và tôi cũng bắt đầu thấy như thế”.
Tôi hỏi rằng: Vì sao cần biết những group ấy có những gì? Hiệu trưởng có đủ thời gian, năng lực, thẩm quyền, trách nhiệm để nắm được tất tần tật các thông tin đó không? Trình chiếu có thực là giải pháp hữu ích cho công nghệ?
Một hiệu trưởng khác cũng không ít lần than vãn với tôi về công nghệ. Chị ấy cho rằng công nghệ giết chết những giác quan khác. Chị ấy vốn trầm tính, không mấy thích ồn ào. Nên khi thuyết phục chị ấy dùng mạng xã hội là một khó khăn. Nhưng từ lúc làm hiệu trưởng, chị phải thay đổi. Chị dùng công nghệ cho mình, và cho trường mình thế này:
- Mọi người trong trường phải tạo thói quen check email hàng ngày. Các thông tin của trường sẽ được thông báo qua email.
- Tổ chuyên môn thực hiện chia sẻ giáo án, trao đổi chuyên môn qua ứng dụng online.
- Các giờ học không nhất thiết phải dùng trình chiếu, nhưng có tiêu chuẩn rõ ràng cho việc áp dụng công nghệ: Video, hình ảnh phải rõ nguồn trích dẫn; khuyến khích dùng phần mềm chứ không chỉ có trình diễn hình ảnh, chữ…
Ở trường này, có lớp huấn luyện viết email cho giáo viên, học sinh để họ biết viết thế nào là hay, là đúng.
Khi áp dụng giáo án dùng chung, các hoạt động chuyên môn của tổ trở nên công bằng, minh bạch. Đi kiểm tra sổ sách nhàn hơn, ai chăm, ai lười, ai trách nhiệm hiển hiện rõ ràng hơn, mà cũng tiết kiệm công sức hơn. Nghe nói, giáo viên còn không phải in giáo án ra nữa. Hiệu trưởng này đã phản biện thanh tra rằng: Có giáo án không có nghĩa bắt buộc phải in giáo án thành quyển.
Công nghệ là công cụ cho quản lí. Nếu hiệu trưởng tham vọng (mặc dù đầy trách nhiệm) dùng công nghệ để kiểm soát thông tin, để mở mang kết nối thật xa, thật rộng thì chẳng có gì khác ngoài áp lực. Dùng công nghệ để thúc đẩy, để giải phóng cho anh em có thể khiến mọi việc khá hơn.
Ở ngôi trường thứ 2, phải trải qua 3 năm, nhà trường mới đi vào nền nếp dùng công nghệ. Vị hiệu trưởng có vẻ tự tin hơn khi nói rằng: Giáo viên, nhân viên đều ý thức được và có kĩ năng công nghệ. Chúng tôi không ồn ào, nhưng hiệu quả. Chúng tôi ít vào mạng giải trí, nhưng chúng tôi làm việc được cùng nhau.