Nghệ An rà soát, chấn chỉnh hoạt động dạy tiếng Anh tăng cường, kỹ năng sống

GD&TĐ - Sở GD&ĐT Nghệ An chỉ đạo rà soát, tổ chức hiệu quả Chương trình tiếng Anh tăng cường, kỹ năng sống trong cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh. 

Nghệ An rà soát, chấn chỉnh hoạt động dạy tiếng Anh tăng cường, kỹ năng sống

Chiều 15/9, Sở GD&ĐT Nghệ An tổ chức hội nghị triển khai chương trình Tiếng Anh tăng cường, kỹ năng sống trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.

Tạm dừng dạy kỹ năng sống trong trường công lập

Tỉnh Nghệ An hiện có 152 đơn vị hoạt động giáo dục kỹ năng sống (GDKNS) và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa (GDNGCK) đã được Sở GD&ĐT cấp giấy phép.

Nội dung hoạt động GDKNS và GDNGCK thuộc 5 nhóm chính: chương trình kỹ năng sống; chương trình toán tư duy; chương trình khoa học kỹ thuật; chương trình nghệ thuật; chương trình rèn luyện kỹ năng học các môn văn hóa.

Trong năm học 2022-2023 vừa qua, các trung tâm GDKNS đã tổ chức được hơn 4.000 lớp học với gần 80.000 học viên, trong đó có hơn 63.000 học viên ở các lớp học và hơn 16.000 học viên học tại các trung tâm. Nhiều đơn vị đã đầu tư cơ sở vật chất, phòng học, khuôn viên, trang trí, phương tiện, trang thiết bị dạy học đảm bảo, phù hợp. Tính đến tháng 9/2023, có 18 Trung tâm có chương trình được Sở GD&ĐT thẩm định đủ điều kiện dạy trong các cơ sở giáo dục.

Ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết đã chỉ đạo tạm dừng việc các trung tâm liên kết dạy kỹ năng sống trong trường học. Ảnh: Hồ Lài.

Ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết đã chỉ đạo tạm dừng việc các trung tâm liên kết dạy kỹ năng sống trong trường học. Ảnh: Hồ Lài.

Hoạt động giáo dục kỹ năng sống đã góp phần tích cực trong việc nâng cao nhận thức, định hướng hành vi, rèn luyện cho học sinh một số kỹ năng cần thiết: ứng xử văn hoá, làm việc nhóm, rèn luyện sức khỏe, phòng chống tai nạn giao thông, tai nạn thương tích, đuối nước; chung sống hòa bình, phòng ngừa bạo lực học đường… Bên cạnh đó, góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách cho người học.

Tuy nhiên, việc tuyển sinh học tại nhiều trung tâm KNS gặp nhiều khó khăn. Đơn vị hoạt động GDKNS thật sự chuyên nghiệp, có quy mô, chất lượng, thu hút người học chưa nhiều.

Việc quản lý hoạt động trong các trung tâm và trong các cơ sở giáo dục còn nhiều khó khăn, bất cập cho cơ quan quản lý nhà nước các cấp do địa bàn rộng. Cơ sở vật chất nhiều đơn vị KNS, cơ sở giáo dục chưa thật sự phù hợp, thiếu không gian cho hoạt động ngoài trời, sân chơi, khu trải nghiệm…

Học sinh Nghệ An tham gia trò chơi trí tuệ trong chương trình Chinh phục tương lai. Ảnh: Hồ Lài.

Học sinh Nghệ An tham gia trò chơi trí tuệ trong chương trình Chinh phục tương lai. Ảnh: Hồ Lài.

Một số cơ sở giáo dục trong quá trình liên kết với các Trung tâm kỹ năng sống tổ chức hoạt động sau giờ học chính khóa cho học sinh chưa thống nhất, thiếu đồng bộ tạo ra một số dư luận thiếu tích cực trong cộng đồng.

Về phía Sở GD&ĐT Nghệ An đã thành lập các đoàn kiểm tra phối hợp giữa các phòng ban chuyên môn, liên ngành, xử lý nghiêm khắc những đơn vị khi có dấu hiệu vi phạm trong hoạt động đảm bảo tính chặt chẽ, nghiêm túc trong công tác quản lý. Trong năm học 2022-2023 đoàn kiểm tra liên ngành đã lập biên bản xử lý 4/13 đơn vị kiểm tra tại TP Vinh do hoạt động có nội dung ngoài cấp phép.

Phát biểu tại hội nghị, ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, kỳ họp HĐND tỉnh Nghệ An vào tháng 7/2023, một số đại biểu đã chất vấn đề vấn đề phòng chống bạo lực học đường, tai nạn thương tích đuối nước, giáo dục kỹ năng sống trong nhà trường…

"Thực hiện kết luận của HĐND tỉnh Nghệ An, Sở GD&ĐT chỉ đạo các phòng chức năng xây dựng văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục kỹ năng sống trong nhà trường. Vì vậy, trong thời gian này, Sở quyết định tạm dừng việc các trung tâm liên kết dạy kỹ năng sống trong cơ sở giáo dục công lập. Đồng thời rà soát các trung tâm, thẩm định chương trình dạy kỹ năng sống và tổ chức triển khai khi đầy đủ điều kiện và đảm bảo quy định", ông Thái Văn Thành cho hay.

Bên cạnh đó, việc dạy kỹ năng sống cho học sinh vẫn được các nhà trường triển khai thông qua lồng ghép, tích hợp vào các môn học, hoạt động trải nghiệm... Đặc biệt là trong chương trình địa phương để góp phần hình thành, phát triển năng lực, phẩm chất và kế thừa cốt cách tốt đẹp của con người xứ Nghệ.

Định hướng tổ chức hiệu quả, phù hợp Chương trình Tiếng Anh tăng cường

Từ năm học 2020-2021, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã cho phép Trường THPT chuyên Phan Bội Châu và THPT Huỳnh Thúc Kháng tuyển sinh 2 lớp IELTS. Hiện nhiều trường trọng điểm THCS, THPT được phép tuyển sinh đầu cấp dựa trên kết quả chứng chỉ năng lực ngoại ngữ quốc tế của học sinh. Đây là động lực để học sinh học và thi chứng chỉ quốc tế. Chủ trương này nhận được sự đồng thuận cao của phụ huynh và học sinh trên địa bàn tỉnh.

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Nghệ An, chương trình tiếng Anh tăng cường được thực hiện trong điều kiện nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên và phụ huynh học sinh về dạy học bộ môn này có nhiều chuyển biến tích cực. Cơ sở vật chất tại các cơ sở giáo dục cơ bản đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình tiếng Anh tăng cường.

Sở GD&ĐT chỉ đạo triển khai các chủ trương của tỉnh, HĐND tỉnh và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các trung tâm, các cơ sở giáo dục thực hiện Đề án, quyết tâm chỉ đạo nâng cao chất lượng ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. Mạng lưới và quy mô các trung tâm ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh cơ bản đáp ứng để dạy tăng cường cho các cơ sở giáo dục.

Chương trình tăng cường Tiếng Anh sẽ tạo điều kiện cho học sinh các trường được học tập với giáo viên nước ngoài, giáo viên có năng lực chuyên môn giỏi với chi phí thấp hơn so với học thêm trung tâm ngoài.

Giờ học Tiếng Anh tại Trường THCS Trung Đô, TP Vinh, Nghệ An. Ảnh: Hồ Lài.

Giờ học Tiếng Anh tại Trường THCS Trung Đô, TP Vinh, Nghệ An. Ảnh: Hồ Lài.

Tuy nhiên, việc triển khai chương trình Tiếng Anh tăng cường ở một số cơ sở giáo dục cũng gặp một số vướng mắc. Công tác tổ chức, phối hợp giữa các trung tâm ngoại ngữ và cơ sở giáo dục chưa thật chặt chẽ (bố trí giờ học chưa hợp lí, bố trí giáo viên của trường tham gia trợ giảng, quản lý lớp học, đặc biệt là giờ của giáo viên nước ngoài). Hiện chưa bố trí trung tâm khảo thí độc lập để đánh giá chuẩn đầu ra cho các lớp tiếng Anh tăng cường.

Các huyện miền núi cao như: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Tân Kỳ, Anh Sơn tổ chức Chương trình tăng cường còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Phụ huynh, học sinh ở nhiều cơ sở giáo dục có nguyện vọng được học tăng cường tiếng Anh nhưng không có trung tâm để phối hợp tổ chức.

Tại hội nghị, lãnh đạo Sở GD&ĐT mong muốn các trung tâm ngoại ngữ tăng cường tiếp tục đồng hành với các nhà trường trong nâng cao chất lượng dạy học môn Tiếng Anh. Đầu tư cơ sở vật chất, phòng học, thiết bị tại các nhà trường để đạt hiệu quả dạy học.

Trong thời gian tới, đối với chương trình Tiếng Anh tăng cường, Sở GD&ĐT cũng có các yêu cầu, định hướng. Cụ thể, điều kiện giáo viên dạy tăng cường Tiếng Anh phải cao hơn nhiều so với giáo viên của các cơ sở giáo dục, ngoài điều kiện, tiêu chuẩn giáo viên công lập hiện nay. Đối với các nhà trường, khi thực hiện chương trình Tiếng Anh tăng cường phải thực hiện nghiêm túc các các văn bản chỉ đạo của Sở về ký kết hợp đồng với Trung tâm ngoại ngữ. Việc lựa chọn đơn vị tăng cường phải được Thông qua qua Hội đồng trường lựa chọn.

Đồng thời công khai, cam kết về số lớp, số học sinh, số tiết/tuần, số tiền/tiết, thông tin về Trung tâm tăng cường, Thời khóa biểu tăng cường để cơ quan quản lý cũng như phụ huynh theo dõi, giám sát chặt chẽ.

Sở GD&ĐT cũng sẽ công khai thông tin và năng lực của các trung tâm đủ điều kiện dạy tăng cường (Thông tin về năng lực thực hiện, giáo viên của trung tâm, khả năng đáp ứng của trung tâm) lên Website của Sở để các cơ sở giáo dục lựa chọn trung tâm phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường và khả năng của phụ huynh, học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

khóa học ielts Hướng dẫn Học PTE tại nhàTrung tâm Tiếng Anh Yola dành cho học sinh TP.HCM Trợ động từ