Nhiều tỉnh thành chấn chỉnh lại việc dạy thêm, dạy tăng cường trong nhà trường

GD&TĐ - Việc tổ chức dạy thêm, dạy tăng cường trong nhiều trường học đã bộc lộ bất cập, phụ huynh cho biết đăng ký tự nguyện trên tinh thần 'bắt buộc'.

Tình trạng dạy thêm, dạy liên kết không theo quy định đã khiến phụ huynh nhiều nơi bức xúc. Ảnh minh họa: Minh Xuân.
Tình trạng dạy thêm, dạy liên kết không theo quy định đã khiến phụ huynh nhiều nơi bức xúc. Ảnh minh họa: Minh Xuân.

Bộc lộ nhiều bất cập

Vừa qua, phụ huynh một số trường tại huyện Hưng Hà (Thái Bình) được giáo viên phát cho phiếu đăng ký tham gia lớp "Tiếng Anh tăng cường" với giáo viên người nước ngoài. Địa điểm học tại phòng học của nhà trường với thời lượng 1 tiết/tuần và học phí mỗi tháng là 130.000 đồng/học sinh. Nhiều người không đồng tình và đặt câu hỏi, nếu trong lớp chỉ có vài học sinh không đăng ký tham gia thì giờ đó các em sẽ học gì?

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, ngày 15/9, UBND huyện Hưng Hà đã yêu cầu dừng ngay việc liên kết với công ty, trung tâm ngoại ngữ triển khai mở lớp Tiếng Anh tăng cường với người nước ngoài cho học sinh.

Thực tế cho thấy, không chỉ ở Thái Bình mà còn nhiều tỉnh/thành khác, tình trạng dạy thêm và dạy liên kết Tiếng Anh, kỹ năng sống và các hoạt động giáo dục khác trong nhà trường đã và đang gây bức xúc dư luận. Nhiều trường còn chèn các môn học tăng cường vào giờ học chính khóa để phụ huynh chỉ còn biết "tự nguyện" trên tinh thần "bắt buộc".

Mẫu phiếu đăng kí tham gia học Tiếng Anh liên kết tại huyện Hưng Hà, Thái Bình do phụ huynh cung cấp.

Mẫu phiếu đăng kí tham gia học Tiếng Anh liên kết tại huyện Hưng Hà, Thái Bình do phụ huynh cung cấp.

Sở GD&ĐT Nam Định cũng vừa có văn bản gửi các trường THPT, Phòng GD&ĐT trực thuộc về chấn chỉnh việc dạy thêm học thêm. Các trường không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc học sinh học thêm. Học sinh có nhu cầu học thêm tự nguyện viết đơn xin học thêm và được gia đình đồng ý ký vào đơn.

Các trường phải thực hiện đúng quy định về thời gian, thời lượng, các yêu cầu chung về dạy thêm học thêm trong nhà trường; theo đúng kế hoạch dạy thêm học thêm đã báo cáo về Sở GD&ĐT (đối với trường THPT), Phòng GD&ĐT đối với các trường Tiểu học, THCS.

Tuyệt đối không dạy thêm học thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; không dạy thêm với học sinh Tiểu học, trừ trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kĩ năng sống, dạy Tiếng Anh theo Đề án 1792 của UBND tỉnh Nam Định.

GS.TS Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An thì cho hay, đơn vị này đã quyết định tạm dừng việc cho các trung tâm liên kết dạy kỹ năng sống trong cơ sở giáo dục công lập. Đồng thời, rà soát các trung tâm, thẩm định chương trình dạy kỹ năng sống và tổ chức triển khai khi đầy đủ điều kiện và đảm bảo quy định.

Cần bổ sung hành lang pháp lý

Việc dạy Tiếng Anh với người nước ngoài là tốt nhưng các trường phải có sự sắp xếp tiết học sao cho hợp lý. Ảnh minh hoạ.

Việc dạy Tiếng Anh với người nước ngoài là tốt nhưng các trường phải có sự sắp xếp tiết học sao cho hợp lý. Ảnh minh hoạ.

Rõ ràng, vấn đề quản lý việc dạy thêm học thêm ở các địa phương đã bộc lộ nhiều bất cập do thiếu hành lang pháp lý.

Trả lời kiến nghị của người dân về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, sau khi luật sửa đổi luật Đầu tư đưa hoạt động dạy thêm, học thêm ra khỏi danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, một số điều quy định về điều kiện và cấp phép tổ chức dạy thêm, học thêm tại Thông tư số 17 quản lý về hoạt động dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường không còn hiệu lực.

Tuy vậy, các quy định khác của Thông tư số 17 vẫn có hiệu lực thi hành như quy định về nguyên tắc dạy thêm, học thêm, các trường hợp không được dạy thêm, học thêm, trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm của địa phương, cơ sở giáo dục.

Thông tư 17 cũng nêu rõ: Không tổ chức lớp dạy thêm, học thêm theo các lớp học chính khóa; không cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa để đưa vào giờ dạy thêm; không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc học sinh học thêm…

Tuy nhiên, một số quy định của Thông tư 17 cũng được các chuyên gia giáo dục chỉ ra là đã lỗi thời khi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong đó, có quy định: "Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống…".

Thực tế cho thấy, các môn như giáo dục thể chất, hoạt động trải nghiệm, giáo dục địa phương, Tiếng Anh, Tin học; Âm nhạc, Mỹ thuật… đã đưa vào là các môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc Chương trình GDPT 2018.

Hơn nữa, chương trình mới cũng thiết kế bắt buộc dạy học 2 buổi/ngày với học sinh tiểu học. Vậy tại sao lại cho phép dạy thêm tại trường tiểu học các hoạt động như tăng cường kỹ năng sống, nghệ thuật, thể dục, thể thao?

Trước ý kiến cần sửa đổi và thay thế Thông tư số 17, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ đề xuất Quốc hội đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Sau đó, Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu, sửa đổi Thông tư số 17 nhằm bảo đảm phù hợp, thuận lợi cho công tác quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ