Hiệu trưởng, giáo viên chia sẻ việc tiếp cận SGK mới

GD&TĐ - Trước băn khoăn về việc HS lớp 1 có thể học bộ SGK khác khi lên lớp 2, đa số hiệu trưởng, giáo viên (GV) đều cho rằng không đáng lo ngại.

GV hoàn toàn chủ động với việc dạy học với bất kỳ bộ SGK nào. Ảnh: Đức Trí
GV hoàn toàn chủ động với việc dạy học với bất kỳ bộ SGK nào. Ảnh: Đức Trí

Bởi dạy học bộ SGK nào, GV cũng đáp ứng được yêu cầu chuyên môn, giúp HS đạt được yêu cầu môn học.

Quan trọng là phương pháp dạy học

Cô Ngô Thị Thoan – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Mỹ (Lạng Giang, Bắc Giang) cho biết: Năm học 2020 – 2021, trường triển khai dạy bộ SGK Cánh diều. Nhà trường đang tiếp cận với SGK lớp 2 mới.

Theo cô Ngô Thị Thoan, bộ SGK nào cũng có ưu nhược điểm riêng. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là nhà trường tiếp cận ra sao, chọn sách nào để phù hợp và đạt hiệu quả cao nhất cho HS khi học. Không nhất thiết phải dạy tiếp tục bộ SGK của nhà xuất bản năm trước mới bảo đảm được chuyên môn. Cũng không nhất định phải thay đổi SGK nếu không chọn được bộ tốt hơn để thay thế.

Tuy nhiên, trong trường hợp phải thay thế dạy một bộ SGK mới, nhà trường cũng không lo ngại bởi GV đều đáp ứng được yêu cầu giảng dạy. Mặt khác, bộ SGK dạy học lớp 1 năm 2020 – 2021, trường chọn từ 5 bộ SGK gom thành một bộ chứ không chọn hoàn toàn của 1 bộ. Do đó, GV sẽ không bị bỡ ngỡ trong việc giảng dạy SGK lớp 1 nếu chọn SGK khác.

Cùng quan điểm, cô Đỗ Thị Lan Hương – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Pom Hán (TP Lào Cai, Lào Cai) bày tỏ: UBND tỉnh chọn bộ SGK nào để triển khai với HS lớp 2, nhà trường không có gì lo lắng, bởi SGK chỉ là học liệu, cơ bản vẫn là phương pháp dạy học và giúp HS đạt được yêu cầu cần đạt của môn học.

Việc tận dụng lại SGK lớp 1 cũ nếu có cũng không quá quan trọng và nhất thiết phải đặt ra trong quá trình chọn SGK mới. Bởi thực tế, với HS ở khu vực thành phố, các gia đình không nặng nề việc sử dụng lại SGK cũ. Tâm lý chung các em khi bước vào năm học mới vẫn muốn được học sách mới. 

Với bộ SGK nào thì GV cũng phải giúp HS đạt được yêu cầu chung của môn học. Ảnh: Đức Trí
Với bộ SGK nào thì GV cũng phải giúp HS đạt được yêu cầu chung của môn học. Ảnh: Đức Trí

Không lãng phí

Cô NgôThị Thoan chia sẻ: Năm ngoái, nhà trường chọn bộ SGK Cánh diều để triển khai. Năm nay, nếu nhà trường được tham mưu để chọn SGK lớp 1 sẽ đề xuất bộ SGK trường chọn năm trước.

“Sở dĩ vẫn quyết định chọn bộ SGK này bởi khi bắt đầu bước vào giảng dạy, trường đã chủ động khắc phục sớm những ngữ liệu chưa phù hợp. Tới thời điểm này, việc dạy bộ SGK Cánh diều không có gì đáng ngại, kết quả học tập của HS học kỳ I khả quan. Hơn nữa, không thay đổi cũng giúp một bộ phận phụ huynh điều kiện kinh tế chưa cao tận dụng được SGK cũ...”, cô Thoan khẳng định.

Năm học trước, Trường Tiểu học Tân Hòa (Phú Bình – Thái Nguyên), nhà trường, GV tham gia lựa chọn kĩ cả 5 bộ SGK để chọn ra 1 bộ phù hợp nhất đưa vào dạy học. Theo cô Vũ Thị Thanh – Hiệu trưởng nhà trường, GV đã làm quen với phương pháp, chủ động linh hoạt dạy bộ sách được chọn. Mặt khác, những vấn đề ngữ liệu SGK chưa hợp lý, NXB đã có sự điều chỉnh bổ sung kịp thời… Như vậy nếu không có bộ SGK nào phù hợp hơn, nhà trường, GV đề xuất chọn bộ SGK đã chọn năm trước là hoàn toàn bình thường.

Mặt khác, tính liên thông của bộ SGK đã triển khai với bộ SGK sắp triển khai cũng là yếu tố cần thiết giúp GV phát huy những ưu điểm trong chuyên môn. Tiếp tục triển khai bộ SGK phù hợp với điều kiện chung của nhà trường, GV, HS… cũng là cách có thể tận dụng lại SGK năm trước; hỗ trợ nhiều cho phụ huynh, HS vùng còn khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Lịch – Trưởng phòng GD&ĐT Yên Bình (huyện Yên Bình – Yên Bái) thông tin: Các trường vẫn trong thời gian tiếp cận giới thiệu SGK mới. Lãnh đạo và GV nhà trường còn thảo luận kỹ lưỡng, lựa chọn… mới đề xuất tỉnh quyết định nên bộ SGK sẽ triển khai năm học tới vẫn là “ẩn số”.

Nhưng trong trường hợp không tiếp tục triển khai bộ SGK lớp 1 đã chọn năm học trước, nhà trường vẫn có thể lưu giữ, tận dụng lại SGK cũ như một nguồn tài liệu tại thư viện để GV, HS tham khảo khi cần trong quá trình dạy học các bộ SGK khác mới.

Với tính mở của Chương trình, SGK mới, GV hoàn toàn chủ động, linh hoạt đưa những ngữ liệu hay từ bộ SGK này vào giảng dạy ở bộ SGK khác, miễn sao phù hợp và giúp HS hiểu bài.

Mặt khác, nếu không tiếp tục triển khai SGK năm trước đã chọn, các nhà trường có thể thu gom để hỗ trợ cho HS những trường triển khai dạy học bộ SGK mà trường mình đã triển khai. Ở những nơi HS vẫn phải học chung sách, việc tận dụng SGK cũ trao lại cho HS rất cần thiết và hữu ích….

Mỗi bộ SGK có điểm mạnh, yếu riêng. Việc chọn SGK năm đầu tiên cũng chưa hẳn đã hoàn toàn “chuẩn”. Nên thay đổi bộ SGK ở năm tới cũng có thể xảy ra nếu chọn được bộ SGK tốt, phù hợp và phát huy được ưu thế của GV, HS hơn trước. - Cô Đỗ Thị Lan Hương

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Đến với bài thơ hay: Yêu con

GD&TĐ - Bài thơ mở ra với cụm từ 'yêu con' giản dị nhưng sâu sắc, tựa trời cao, biển rộng, như tình yêu không bờ bến.

Việc tham gia các giải chạy hoặc tập các môn thể thao cần phải phù hợp với sức khỏe, độ tuổi và tính chất công việc. Ảnh: H.Y

Hiểm họa từ tập thể dục quá sức

GD&TĐ - Hoạt động thể dục có rất nhiều lợi ích, nhưng nếu tập quá sức có thể khiến cơ thể đối mặt với nhiều tác hại nguy hiểm, thậm chí tử vong.