Thời điểm giao mùa, ho là một trong những vấn đề thường thấy ở trẻ.
Các dạng ho phổ biến có thể là ho khan, ho có đờm hay ho dị ứng.
Một vài trường hợp có thể không nguy hiểm nhưng sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tổng thể của trẻ nếu cha mẹ điều trị sai cách.
Chia sẻ về vấn đề này, PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng Khoa nhi, Bệnh viện Bạch Mai nói: “Khi đưa con đi khám, nhiều bậc cha mẹ phàn nàn việc con ho và có nhiều đờm. Nhưng theo kinh nghiệm của giới chuyên môn, phần lớn cha mẹ đều quan niệm sai về đờm.
Nói cách khác, đờm trú ngụ ở đường hô hấp dưới, nhưng khi khám cho các bé, tôi thấy “đờm” mà cha mẹ phát hiện chính là... dịch mũi chảy xuống.
Một số bé nuốt dịch này, một số bé nôn ra. Chúng tôi không gọi đó là đờm, mà nó chính xác là dịch mũi. Đờm phải từ phế quản và phổi đi lên.”
Trước câu hỏi “Có nên dùng thuốc hỗ trợ để con long đờm dễ hơn không?”, PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng nói: “Tôi không nghĩ phương pháp đó tốt. Thay vào đó cha mẹ có thể sử dụng phương pháp vỗ rung long đờm.”
Cách vỗ rung cho bệnh nhân nhí
Trước khi áp dụng phương pháp này cho các bé, cha mẹ cần nắm được những nguyên tắc dưới đây:
Tư thế vỗ rung long đờm
Để bé nằm nghiêng một bên, hoặc ngồi cúi đầu về phía trước, hoặc tư thế mẹ bế vác bé. Các tư thế này khiến dẫn lưu đờm tốt hơn.
Xác định vị trí vỗ
Vỗ từ vùng phổi của bé, vỗ từ dưới vỗ lên nhằm mục đích dẫn lưu đờm từ dưới lên miệng, họng. Các mẹ có thể ước lượng vùng phổi của trẻ từ ngang lưng trở lên.
Kỹ thuật vỗ rung long đờm
Tư thế tay: Tay khum lại tạo thành một khoảng trống không khí thì khi vỗ bé sẽ không đau.
Dùng lực cổ tay vỗ rung cho bé tạo thành tiếng “bộp, bộp”, cảm giác lồng ngực của bé sẽ rung lên từng nhịp theo nhịp vỗ tay, làm đúng kỹ thuật, bé sẽ không hề đau mà còn cảm giác thoải mái, thích thú. Lưu ý không dùng lực cánh tay để vỗ rung cho bé.
Mỗi lần vỗ rung làm 10-15 phút. Sau khi vỗ rung có thể bé sẽ ho nhiều, nôn ra đờm, cần lưu ý quan sát tính chất đờm trắng loãng hay xanh, vàng đặc để báo cho bác sĩ.
Lưu ý, kỹ thuật này chỉ áp dụng khi trẻ ho có đờm, không áp dụng với những trẻ ho khan.
Bên cạnh đó, thời điểm vỗ rung long đờm cho bé tốt nhất là buổi sáng sớm khi trẻ ngủ dậy,sau một đêm dài, lượng đờm ứ đọng sẽ nhiều hơn và tránh việc làm bé bị nôn trớ thức ăn. Trước và sau khi vỗ rung, mẹ cần hút sạch đờm dãi khỏi mũi họng bé.
Hậu quả khi tự ý cho trẻ dùng thuốc trị ho, long đờm
“Đờm” mà nhiều bậc cha mẹ phát hiện chính là... dịch mũi chảy xuống. (Ảnh: ITN) |
Trẻ em dưới 2 tuổi không nên dùng bất kỳ loại sản phẩm trị ho và cảm lạnh nào có chứa thuốc thông mũi hoặc thuốc kháng histamine vì có thể xảy ra các tác dụng phụ nghiêm trọng, thậm chí đe dọa đến tính mạng.
Tác dụng phụ được báo cáo của các sản phẩm này bao gồm co giật, nhịp tim nhanh và tử vong. Đối với trẻ trên 2 tuổi, khi cho trẻ uống thuốc ho, cảm lạnh, cha mẹ nên thận trọng.
Một cuộc họp về sự an toàn và hiệu quả của việc sử dụng sản phẩm thuốc ho và cảm lạnh ở trẻ em của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ năm 2007 đã tiết lộ rằng có nhiều báo cáo về tác hại và thậm chí tử vong ở trẻ em sử dụng các sản phẩm này.
Trong thời gian 2004-2005, ước tính có khoảng 1.519 trẻ em dưới 2 tuổi được điều trị tại các khoa cấp cứu của Hoa Kỳ vì các tác dụng phụ, bao gồm dùng quá liều, liên quan đến thuốc ho và cảm lạnh. Các nhà sản xuất đã tự nguyện loại bỏ các sản phẩm trị ho và cảm lạnh không kê đơn (OTC) dành cho trẻ dưới 2 tuổi do những lo ngại về an toàn này.
Lưu ý khi sử dụng thuốc long đờm cho trẻ em
Cảm lạnh vào thời điểm giao mùa dễ khiến trẻ bị ho, đặc biệt là ho có đờm. (Ảnh: ITN) |
Trẻ bị ho có đờm có thể được chỉ định sử dụng thuốc long đờm để đờm lỏng hơn và dễ thoát ra khỏi phế quản hơn. Để tránh những tác dụng phụ không mong muốn, khi sử dụng thuốc cho trẻ, cha mẹ cần lưu ý những vấn đề sau:
Không dùng cho bệnh nhi bị loét dạ dày tá tràng vì tác dụng phụ của thuốc là phá hủy hàng rào niêm mạc dạ dày.
Không sử dụng hoặc thận trọng khi sử dụng cho bệnh nhân hen vì thuốc có thể gây co thắt phế quản ở những người có khuynh hướng mắc bệnh hen. Nếu xảy ra co thắt phế quản, nên ngừng dùng thuốc và khí dung salbutamol hoặc ipratropium.
Không dùng thuốc cho trẻ suy nhược, quá yếu hoặc không biết khạc đờm vì sẽ làm tăng lượng đờm ở đường hô hấp khiến bệnh nặng hơn; Nếu trong phế quản có nhiều đờm loãng, bệnh nhân giảm khả năng ho thì phải hút.
Tốt nhất người bệnh chỉ nên sử dụng thuốc long đờm khi điều trị nội trú tại các cơ sở y tế có điều kiện hỗ trợ như hút đờm, xoa bóp (khi cần thiết) để đờm ra ngoài dễ dàng.
Ngoài ra, cảm lạnh vào thời điểm giao mùa dễ khiến trẻ bị ho, đặc biệt là ho có đờm. Các chuyên gia khuyên cha mẹ nên giữ ấm cho trẻ, đảm bảo chế độ ăn uống khoa học, cho trẻ uống nhiều nước, đặc biệt là nước cam, nước chanh để tăng sức đề kháng, để bé có thể tự khỏi bệnh.
Nếu nghi ngờ trẻ bị nhiễm trùng đường hô hấp dẫn đến ho có đờm, cha mẹ nên đưa trẻ đến bác sĩ để được chỉ định phương pháp điều trị thích hợp. Cha mẹ tuyệt đối không mua thuốc cho con sử dụng vì dùng sai thuốc hoặc sai liều lượng sẽ rất nguy hiểm.