Hiệu quả từ việc tổ chức câu lạc bộ cho học sinh tại Trường THPT Phan Đình Phùng

GD&TĐ - Việc thực hiện linh hoạt các câu lạc bộ tại Trường THPT Phan Đình Phùng (TP Hà Tĩnh) đã góp phần phát triển năng lực, phẩm chất học sinh.

Lãnh đạo Trường THPT Phan Đình Phùng trao giải cho CLB xuất sắc trong cuộc thi tại trường.
Lãnh đạo Trường THPT Phan Đình Phùng trao giải cho CLB xuất sắc trong cuộc thi tại trường.

Sôi nổi các câu lạc bộ

Thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Hội nghị lần thứ 8 (Khoá XI) Ban chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, trong những năm qua, bên cạnh việc nâng cao chất lượng giáo dục, mũi nhọn, giáo dục toàn diện, công tác tổ chức các Câu lạc bộ học sinh đã được Trường THPT Phan Đình Phùng tích cực thực hiện.

Trường THPT Phan Đình Phùng đã chỉ đạo Đoàn trường, các tổ, nhóm chuyên môn thành lập các câu lạc bộ theo sở thích. Hàng năm có từ 15 – 20 câu lạc bộ học sinh được thành lập và hoạt động có hiệu quả.

CLB vẽ tặng 2 bức tranh cho nhà trường.

CLB vẽ tặng 2 bức tranh cho nhà trường.

Năm học 2022 – 2023, Trường có 18 CLB được thành lập và hoạt động như: CLB Lá, CLB Âm nhạc, CLB Vẽ, CLB Truyền thông, các CLB thể thao (Bóng rổ, bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, cờ vua…), đặc biệt là CLB EC (English Concert), CLB Olympia,… hoạt động rất sôi nổi và hiệu quả.

“Các câu lạc bộ do học sinh đề xuất ý tưởng, xây dựng kế hoạch, nội quy hoạch động, các tiểu ban như: Tiểu ban Truyền thông, tài chính, nhân sự… được BCH Đoàn trường phê duyệt.

Các CLB chia sẻ kinh nghiệm học tập rất hiệu quả.

Các CLB chia sẻ kinh nghiệm học tập rất hiệu quả.

Nhiều CLB đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa: CLB Lá tổ chức thành công Dự án “Đông Ấm” tại Bàn Giàng II, Hương Khê (Hà Tĩnh); CLB Vẽ tổ chức chương trình dạy vẽ cho học sinh tại Làng trẻ SOS, thành phố Hà Tĩnh… Hàng tuần, các bộ môn có câu lạc bộ đều trình diễn sản phẩm của mình ở giờ chào cờ, hoạt động tập thể”, cô Phạm Thị Hải Yến – Phó Bí thư Đoàn trường chia sẻ.

Tham gia sinh hoạt trong câu lạc bộ, đối với các em học sinh, đó là cơ hội để mỗi em được hoàn thiện những kỹ năng và thể hiện mình trong tập thể. Cũng theo các thầy cô giáo phụ trách câu lạc bộ, nhiều em học sinh ban đầu tuy chưa thật mạnh dạn, có phần rụt rè nhưng sau một thời gian tham gia câu lạc bộ, các em đã tự tin, mạnh dạn đứng lên để trình bày những ý kiến cá nhân trước tập thể, từ đó hình thành cho học sinh nhiều kỹ năng ứng xử, giao tiếp.

Để rèn luyện các kỹ năng cơ bản cho học sinh khi tham gia câu lạc bộ, các thầy cô giáo phụ trách câu lạc bộ rất chú trọng đến việc tổ chức cho các em làm việc theo nhóm, tự làm việc, tự khám phá và tự kiểm tra.

Việc thực hiện các CLB cho học sinh ở Trường THPT Phan Đình Phùng rất linh hoạt và hiệu quả.

Việc thực hiện các CLB cho học sinh ở Trường THPT Phan Đình Phùng rất linh hoạt và hiệu quả.

Trong quá trình đó, các hình thức tiến hành như các nhóm đánh giá lẫn nhau, hợp tác trong khi làm việc, trình bày kết quả làm việc, khắc phục các lỗi mắc phải… đã giúp các em học sinh có được những kỹ năng quan trọng mà ở lứa tuổi các em phải có, đặc biệt là sẽ sử dụng trong quá trình học tập.

Thầy Dương Anh Tuấn - Bí thư Đoàn trường chia sẻ: “Trong khi tham gia câu lạc bộ bóng đá, các thành viên có được cơ hội giao lưu, tương tác lẫn nhau. Đồng thời, biết ứng xử đẹp khi thi đấu”.

Hình thành những kỹ năng tốt

Hoạt động ngoại khóa của các câu lạc bộ là môi trường tốt giúp các em phát huy tốt các năng lực, phẩm chất riêng của mình. Vào giờ chào cờ đầu tuần hay các buổi sinh hoạt tập thể, câu lạc bộ chủ động đăng ký với BTC, bộ môn trình diễn các sản phẩm làm việc của câu lạc bộ thông qua các hình thức như thuyết trình, giới thiệu, hùng biện, kịch bản, sân khấu hóa…

CLB truyền thông của Trường THPT PHan Đình Phùng.

CLB truyền thông của Trường THPT PHan Đình Phùng.

Ở các câu lạc bộ thể thao thì ngoài những kỹ năng cần có ở các môn thể thao, các em học sinh khi tham gia câu lạc bộ còn được rèn kỹ năng ứng xử trong thi đấu, kỹ năng trợ giúp lẫn nhau và biết chấp nhận thất bại khi bị thua…

Điều đặc biệt, khi thành lập và tổ chức các câu lạc bộ trong nhà trường là đây là cơ hội để mỗi học sinh phát huy những năng khiếu, những tài năng vốn có của các em học sinh mà các giờ học trên lớp không có cơ hội thể hiện.

Em Phạm Thuỳ An (học sinh lớp 11D1, Trường THPT Phan Đình Phùng), thành viên Câu lạc bộ EC của nhà trường chia sẻ: “Khi tham gia Câu lạc bộ EC, nhiều bạn có kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Anh rất tốt. Đặc biệt, nhiều bạn có khả năng hát và trình diễn rất thành công các ca khúc tiếng Anh”.

Việc tham gia câu lạc bộ bộ môn, các em học sinh còn có cơ hội và điều kiện để rèn kỹ năng phản biện vấn đề về kiến thức môn học. Đồng thời sáng tạo ra những phương pháp mới mà bản thân cảm thấy hiệu quả trong quá trình học tập. Vì thế, câu lạc bộ bộ môn ngoài rèn kỹ năng, còn là nơi phát hiện, chăm chút và bồi dưỡng những tài năng.

Các CLB giúp học sinh trải nghiệm, phát huy năng lực, thế mạnh của bản thân.

Các CLB giúp học sinh trải nghiệm, phát huy năng lực, thế mạnh của bản thân.

“Thông qua hoạt động của CLB trong nhà trường, học sinh được trải nghiệm, vận dụng các kiến thức đã học để giải quyết các tình huống trong thực tiễn, đồng thời phát huy tối đa các năng lực và phẩm chất của mỗi cá nhân, phát triển các kỹ năng mềm.

Việc để học sinh tự phát huy, thể hiện năng lực của bản thân cũng chính là định hướng phát triển các năng lực phẩm chất của học sinh, đồng thời đó cũng là một cách hướng đến mục tiêu xây dựng trường học hạnh phúc”, thầy giáo Nguyễn Nam Thắng, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đình Phùng nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ