Gỡ khó cho “môn khó”
Từ thống kê những môn học có số lượng sinh viên nợ môn nhiều nhất, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng triển khai mô hình sinh viên tham gia hướng dẫn, hỗ trợ học tập (Mentor). Theo đó, nhà trường tuyển chọn một số sinh viên tình nguyện tham gia hướng dẫn, hỗ trợ môn học như Vật lý 2, Sức bền vật liệu… Sinh viên làm Mentor được giảng viên trao đổi, hướng dẫn một số nội dung liên quan đến môn học… Thông thường, những sinh viên được lựa chọn phải có kết quả học tập tốt, khả năng truyền đạt hay nói cách khác là có năng khiếu sư phạm.
TS Phạm Thành Hưng – Phó Giám đốc Trung tâm Học liệu và Truyền thông, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng cho biết: “Trung tâm thông báo lịch hỗ trợ học tập của từng môn học, phòng học trên các kênh thông tin để sinh viên biết. Các Mentor sẽ có mặt tại phòng học trong suốt buổi hỗ trợ để có thể giải đáp thắc mắc từ bài tập, lý thuyết hay kinh nghiệm học tập bộ môn, làm bài tập nhóm… cho những sinh viên có nhu cầu”.
Đây là năm đầu tiên, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng triển khai thí điểm mô hình sinh viên hỗ trợ học tập. 5 sinh viên được nhà trường ký hợp đồng sau khi qua các vòng tuyển chọn để tham gia hỗ trợ cho người học có nhu cầu được giúp đỡ trong quá trình học tập.
Theo nhận xét của TS Phạm Thành Hưng, tâm lý chung của sinh viên là ngại hỏi giảng viên nếu có những vướng mắc trong học tập. Học hỏi lẫn nhau khiến các bạn cởi mở hơn, hỏi được nhiều thông tin chi tiết hơn. Chính vì vậy, nhà trường sẽ thống kê số lượng sinh viên nợ môn để nhân rộng mô hình.
Khác với mô hình sinh viên làm trợ giảng, Nguyễn Phúc Lê Huy – Mentor môn học Vật lý 2 của Chương trình Chất lượng cao cho biết: “Cứ đúng lịch thông báo thì Mentor sẽ đến phòng học. Bạn nào cần hỗ trợ thì em chia sẻ kinh nghiệm, cùng giải bài tập hoặc hệ thống lại kiến thức. Trong khoảng thời gian trống, em có thể giải quyết bài học của mình chứ không phải đứng lớp như các bạn làm trợ giảng, công việc vì vậy cũng đỡ áp lực hơn”.
Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng duy trì đội ngũ sinh viên trợ giảng môn Tiếng Anh (Teaching Assistant - TA Team) với 10 sinh viên tham gia. PGS.TS Lê Văn Huy – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “TA Team hội tụ của các sinh viên có thành tích xuất sắc trong học tập, có chứng chỉ IELTS từ 6.0 trở lên và từng tham gia giảng dạy, phiên dịch, trợ giảng tại các trung tâm Anh ngữ lớn tại Đà Nẵng, cơ quan, tổ chức như: Access American Education, phiên dịch viên tại hội thảo du học của tổ chức Capstone...”.
Công việc của các thành viên TA Team là hỗ trợ cho giảng viên hướng dẫn SV làm bài tập, hỗ trợ kỹ thuật khi khai thác nguồn học liệu điện tử và làm bài tập trực tuyến... Đây là cách nhà trường nâng cao tỷ lệ sinh viên đạt chuẩn đầu ra môn Tiếng Anh để đủ điều kiện tốt nghiệp.
Sinh viên tham gia trợ giảng môn tiếng Anh của Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng được hướng dẫn trước khi nhận nhiệm vụ. |
Giúp sinh viên xây dựng lộ trình học tập phù hợp
Lê Quý Thành – sinh viên chương trình Kỹ sư Chất lượng cao 17PFIEV3 vừa nhận suất học bổng thực tập trong thời gian 7 tháng tại Pháp với Giáo sư Claudia Frydman để hoàn thành đồ án tốt nghiệp. Học bổng bao gồm chi phí đi lại, hỗ trợ nhà ở và được trả lương thực tập 15 triệu đồng/tháng.
Lê Quý Thành cho biết: “Trước khi vào đại học, tiếng Pháp của em là con số 0 tròn trĩnh. Nên ngay từ đầu em đã cố gắng theo sát chương trình học ở trường. Dù có bận rộn cỡ nào em cùng dành ít nhất 15-30 phút để học ngoại ngữ. Ngoài ra, em còn đọc thêm các loại tiểu thuyết bản gốc để học từ và cách dùng từ; tham khảo sách chuyên môn bằng tiếng Pháp vừa tăng từ vựng, vừa tăng kiến thức chuyên môn. Do đó, trình độ đọc hiểu của em được cải thiện dần dần. Còn về giao tiếp, em làm quen và kết bạn với các bạn ở châu Âu. Trong quá trình trao đổi, em cải thiện được kỹ năng nghe và nói của mình”.
Xây dựng lộ trình học tập phù hợp, đầu tư cho ngoại ngữ là thông điệp mà Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng luôn nhắn nhủ với tân sinh viên trong mỗi mùa tựu trường. Tuy nhiên, tình trạng sinh viên không tự chủ động xây dựng thời khóa biểu cho mình mà phó mặc việc đăng ký môn học nhờ bạn bè làm giúp vẫn tồn tại: Lợi dụng chính sách không điểm danh và cấm thi để đi làm thêm kiếm tiền và lơ là việc học. Một bộ phận sinh viên đăng ký học nhiều tín trong một học kỳ nhưng kết quả học lại thấp. Thậm chí, có em đăng ký không đủ các học phần bắt buộc trong khi lại thừa những học phần tự chọn.
Vì vậy mà gần như học kỳ nào, các trường ĐH cũng có thông báo danh sách SV bị buộc thôi học hoặc bị cảnh báo kết quả học tập. SV bị buộc thôi học đều rơi vào tình trạng bỏ học, bỏ thi, không đăng ký học phần mới hoặc không có phương pháp học tập thích hợp.
PGS.TS Trần Hữu Phúc, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng cho biết: “Chuyển sang môi trường học tập mới, SV năm nhất cần có phương pháp học tập phù hợp với hình thức đào tạo tín chỉ: Hình thành, phát triển thói quen tự học, nghiên cứu; cần nắm rõ và chấp hành quy chế, quy định đào tạo và thực hiện đúng thông báo của nhà trường. Vì vậy, trong tuần lễ sinh hoạt công dân và ngay trong mỗi môn học, giảng viên đều hướng dẫn sinh viên phương pháp học bộ môn phù hợp, những sai sót cần tránh để có thể tốt nghiệp đúng tiến độ”.
Em Nguyễn Hoàng Oanh, Lớp 47K32.1, Khoa Kinh tế (Trường ĐH Kinh tế) cho biết: “Cùng là sinh viên nên mọi thắc mắc về môn học, cách học, chúng em dễ dàng trao đổi với nhau. Với những vấn đề có nhiều bạn trong lớp cùng hỏi, các anh chị là sinh viên trợ giảng sẽ dành một buổi hướng dẫn, giải đáp để chúng em nắm chắc kiến thức hơn. Em cũng có thể hỏi thêm những kiến thức không nằm trong bài học hoặc kinh nghiệm học tập để hoàn chỉnh những gì mình còn hạn chế”.