Chủ động hỗ trợ HS
Tại 39 trường có khối lớp 12 của tỉnh Tiền Giang, song song với việc hoàn tất chương trình học kỳ II theo quy định, nhà trường còn lên kế hoạch ôn tập cho học sinh, đặc biệt là phụ đạo học sinh có học lực yếu, kém.
Theo thống kê của Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang, trong 15.622 học sinh khối 12 của 39 cơ sở giáo dục (các trường THPT, trường trung học nhiều cấp học, trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh), có hơn 1.233 học sinh nguy cơ trượt tốt nghiệp THPT. Trong đó, trường ít nhất có 1 học sinh, trường nhiều nhất có gần 90 học sinh.
Để hỗ trợ học sinh, Sở GD&ĐT Tiền Giang chỉ đạo các trường xây dựng kế hoạch thực hiện kèm bảng phân công giáo viên phụ trách. Thời gian tổ chức, kinh phí… để tổ chức lớp phụ đạo cho học sinh học lực yếu, kém được chuẩn bị chu đáo. Cụ thể, các trường có kế hoạch phân công giáo viên chủ nhiệm, bộ môn và Đoàn Thanh niên tuyên truyền, vận động gia đình học sinh quan tâm, phối hợp cùng nhà trường tạo điều kiện thuận lợi cho các em tham gia lớp phụ đạo.
Học sinh thuộc đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, hộ cận nghèo, học sinh khuyết tật sẽ được quan tâm, hỗ trợ dụng cụ học tập, suất ăn trưa, nước uống miễn phí… Các trường đồng thời huy động nguồn lực trong và ngoài nhà trường như ban đại diện cha mẹ học sinh, cựu học sinh của trường qua các thời kỳ, các doanh nghiệp... để hỗ trợ tinh thần và vật chất cho học sinh và công tác tổ chức lớp phụ đạo.
Theo ông Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang, bên cạnh học sinh có học lực khá, giỏi, mỗi trường đều có học sinh yếu, kém. Mỗi em có hoàn cảnh khác nhau. Không hẳn các em yếu toàn diện mà đôi khi bị hạn chế ở một số môn học... Việc phụ đạo cho học sinh yếu, kém không phải là chạy theo bệnh thành tích mà giúp đỡ, tạo điều kiện để các em có thể hoàn thành kỳ thi, có tương lai tốt đẹp hơn.
Vừa phụ đạo, vừa động viên
Tại Trường THCS - THPT Tân Thới, huyện Tân Phú Đông, thầy Trần Thanh Đại, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Từ tháng 4, nhà trường tập trung ôn tập cho học sinh học lực yếu, kém. Nội dung ôn tập, phụ đạo tập trung vào việc bổ sung kiến thức trọng tâm mà học sinh bị mất căn bản, những kỹ năng còn yếu. Các giáo viên nỗ lực để củng cố, ôn tập, hệ thống hoá, khắc sâu kiến thức đã học để học sinh nắm vững theo chuẩn kiến thức, kỹ năng môn học. Bên cạnh đó, các tổ, nhóm chuyên môn của trường thống nhất xây dựng chương trình phụ đạo phù hợp với học sinh của lớp mình phụ trách.
Năm học 2019 - 2020, tỉnh Tiền Giang tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT đạt 99,21%. Điểm trung bình của học sinh Tiền Giang là 6.463, xếp hạng thứ 16 của cả nước. Tuy nhiên, khả năng học tập của học sinh mỗi năm học có khác nhau. Theo cô Nguyễn Thị Phúc Nga, Hiệu trưởng Trường THPT Dưỡng Điềm, huyện Châu Thành, năm học vừa qua số học sinh của trường đỗ tốt nghiệp THPT đạt 99,46%, nhưng năm nay, trong 460 học sinh khối 12 của trường, qua kiểm tra, khảo sát, có 52 học sinh điểm học lực yếu, nguy cơ không đủ điều kiện đỗ tốt nghiệp.
“Trường giao cho giáo viên giàu kinh nghiệm động viên, dạy kèm, đồng thời kết hợp nhóm học sinh học lực giỏi cùng giúp đỡ, hỗ trợ. Không chỉ bổ sung kiến thức, giáo viên còn làm công tác tâm lý, biết học sinh đang lo lắng, băn khoăn ở đâu để tháo gỡ, động viên và đề nghị gia đình tạo thêm điều kiện…”, cô Phúc Nga chia sẻ.
Trao đổi về công tác bồi dưỡng học sinh yếu kém, thầy Phan Tấn Ngọc, giáo viên Trường THPT Vĩnh Kim, huyện Châu Thành cũng cho biết: Nhà trường đã chỉ đạo giáo viên bộ môn bồi dưỡng miễn phí 2 tiết/tuần và dạy bồi dưỡng tăng cường 2 tiết/tuần. Với học sinh có học lực trung bình sẽ tổ chức phụ đạo 2 tiết/tuần. Trong các tiết học phụ đạo, giáo viên giúp các em lấp đầy những lỗ hổng kiến thức cơ bản rồi luyện các dạng bài tập cơ bản và giải đề…