Xử lí tình huống "chống trượt" cho thí sinh

GD&TĐ - Dù đã được cảnh báo và tư vấn rất kỹ về tiêu chí phụ xét tuyển, nhưng tuyển sinh 2021 vẫn có nhiều thí sinh mắc lỗi và nếu không xử lý kịp thời thì các em có thể “trắng tay”.

Ảnh minh hoạ/gdtd.vn
Ảnh minh hoạ/gdtd.vn

Suýt trượt vì quên điều kiện tuyển sinh

PGS.TS Nguyễn Phong Điền – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã phải ký công văn đề nghị Bộ GD&ĐT điều chỉnh kết quả xét tuyển với 67 thí sinh trúng tuyển vào trường bằng điểm thi tốt nghiệp THPT.

Cụ thể, trong quá trình xét tuyển, lọc ảo những thí sinh này đủ điểm để trúng tuyển vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội nhưng khi rà soát, hậu kiểm thì mới biết không đủ điều kiện trúng tuyển. Lý do, 67 thí sinh này ban đầu đăng ký xét tuyển tổ hợp A00, nhưng khi biết điểm thi môn tiếng Anh cao hơn môn Hóa nên đã điều chỉnh sang tổ hợp A01.

Tuy nhiên, các em không nhớ điều kiện cần khi thí sinh tham gia phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT là: điểm trung bình học bạ THPT 6 học kỳ của mỗi môn học trong tổ hợp xét tuyển đạt từ 7.0 điểm trở lên.

Ví dụ: thí sinh đăng ký và đạt điểm chuẩn trúng tuyển vào ngành A, theo tổ hợp A01 thì điều kiện cần để nhập học là điểm học bạ trung bình 3 năm THPT phải đạt từ 7.0 trở lên với mỗi môn Toán, Lý, Anh.

Vì không chú ý đến điều kiện trên nên thí sinh vẫn đăng ký xét tuyển và đạt điểm trúng tuyển vào Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Đến khi làm thủ tục xác nhận nhập học, qua khâu hậu kiểm của trường, các em mới biết không đủ điều kiện trúng tuyển.

Về nguyên tắc, nhà trường có thể từ chối nhập học của thí sinh vì các em chưa đủ điều kiện. Khi đó, các em sẽ không còn cơ hội trúng tuyển vào các nguyện vọng kế tiếp.

Tuy nhiên, nhà trường đã sớm làm công văn gửi Bộ GD&ĐT ngay trong thời gian xét tuyển đợt 1, để hệ thống không xác định những thí sinh này trúng tuyển vào Trường ĐH Bách khoa nữa và có em sẽ có cơ hội trúng tuyển vào một trong những nguyện vọng kế tiếp.

Dù đã được tư vấn rất kỹ nhưng nhiều thí sinh vẫn không lưu tâm đến các điều kiện tiêu chí phụ. Ảnh minh hoạ/gdtd.vn
Dù đã được tư vấn rất kỹ nhưng nhiều thí sinh vẫn không lưu tâm đến các điều kiện tiêu chí phụ. Ảnh minh hoạ/gdtd.vn

Lỗi chủ quan

Theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền, đây là lỗi chủ quan của thí sinh. Nhiều thí sinh sơ xuất không chú ý đến điều kiện và một số tiêu chí phụ của trường. Trong quá trình tư vấn tuyển sinh, chúng tôi đã lưu ý: thí sinh phải đọc kỹ đề án tuyển sinh và không được bỏ qua các tiêu chí phụ.

Ngoài ra, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã thông tin rộng rãi Đề án tuyển sinh trên Web, Fanpage, ... và đã đưa vào hệ thống đăng ký nguyện vọng của Bộ... nhưng nhiều thí sinh vẫn không lưu tâm.

Năm 2020, không chỉ Trường ĐH Bách khoa Hà Nội mà tại Trường ĐH Dược Hà Nội cũng đã xảy ra tình trạng tương tự khi có một số thí sinh đủ điểm chuẩn nhưng vẫn trượt vì không đạt điểm học bạ theo yêu cầu của nhà trường.

Theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền, mỗi trường sẽ đưa ra các tiêu chí phụ khác nhau, vừa để “lọc” bớt thí sinh, vừa không để bị vượt chỉ tiêu được giao. Với những trường áp dụng tiêu chí phụ thí sinh cần hết sức lưu ý, các trường chỉ có thể kiểm tra khi thí sinh làm thủ tục nhập học. Vì thế, nhiều em không để ý đến tiêu chí phụ nên đến khi làm thủ tục nhập học mới biết mình không nằm trong danh sách trúng tuyển.

Nhấn mạnh, đây là bài học cần ghi nhớ để thí sinh cho đợt xét tuyển bổ sung cũng như mùa tuyển sinh tới, GS.TS Hoàng Tuấn Anh – Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), lưu ý: Các em cần đọc kỹ đề án tuyển sinh của các trường để tránh sai sót không đáng có.

TS Võ Thanh Hải – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) cho hay: những năm trước ngoài việc không chú ý đến tiêu chí phụ, nhiều thí sinh còn quên hoặc ghi sai địa chỉ cần liên hệ. Tốt nhất là các em không nên thay đổi địa chỉ email, số điện thoại trong suốt quá trình xét tuyển. Việc này nhằm bảo đảm sự nhất quán về thông tin khi nhà trường cần trao đổi, liên lạc trong quá trình xét tuyển, tránh sơ sẩy không đáng có.

Liên quan đến trường hợp của 165 thí sinh đạt 27 điểm thực (cho tổng 3 môn, chưa tính điểm ưu tiên) trở lên nhưng không trúng tuyển nguyện vọng xét tuyển nào, PGS.TS Nguyễn Phong Điền - chia sẻ: Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có thể xem xét những thí sinh này với điều kiện: Thí sinh phải đạt được điểm chuẩn từ điểm cao nhất của trường trở lên (khoảng trên 28 điểm). Thi sinh chỉ vào những ngành mà tỉ lệ thí sinh xác nhận nhập học vào trường chưa đạt 100%. Ngoài yếu tố nhân văn thì cũng phải tuân thủ quy định của Quy chế tuyển sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ