Đánh giá cho thấy, trong năm học vừa qua, một số địa phương đã chủ động, sáng tạo trong việc thực hiện chương trình GD hướng nghiệp theo hướng tích hợp các chủ đề GD hướng nghiệp trong chương trình GD phổ thông gắn với hoạt động tham quan thực tế tại các cơ sở sản xuất kinh doanh tại địa phương.
Các Sở GD&ĐT đã chủ động phối hợp với các trường ĐH, CĐ, trung cấp, các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo nghề, các nghệ nhân, doanh nhân tư vấn hướng nghiệp cho HS khá hiệu quả; lồng ghép các chủ đề GD hướng nghiệp trong chương trình GD phổ thông và hoạt động tư vấn tuyển sinh; cung cấp thông tin về thị trường lao động cho HS để các em lựa chọn ngành, nghề phù hợp. Việc triển khai thí điểm mô hình nhà trường gắn với sản xuất kinh doanh tại địa phương đã mở ra một phương thức GD hướng nghiệp mới.
Công tác dạy nghề phổ thông đã có những chuyển biến tích cực, hiệu quả, gắn lý thuyết với thực hành và thực tiễn. Việc lựa chọn học nghề phổ thông của HS đã chuyển dần theo hướng phù hợp với nhu cầu phát triển kỹ năng, phục vụ nhu cầu lao động của xã hội. Phương thức dạy nghề phổ thông cũng được đổi mới theo hướng tăng cường hoạt động thực hành, thực tế. Một số địa phương đã mở rộng thêm các nghề phổ thông mới phù hợp với nhu cầu của HS.
Nhờ làm tốt công tác phân luồng, hướng nghiệp, tỷ lệ HS đăng ký tuyển sinh vào ĐH trong Kỳ thi THPT quốc gia trong những năm gần đây có xu hướng giảm. Năm học 2016 - 2017, HS tốt nghiệp THPT vào ĐH, CĐ khoảng 41%, vào CĐ nghề, trung cấp khoảng 23%, học nghề tại trung tâm đào tạo nghề khoảng 13%, đi làm khoảng 10%. HS đã có sự chuyển biến về nhận thức trong việc lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực của mình.
Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình, sách giáo khoa GD phổ thông của Bộ GD&ĐT đã thông qua Chương trình GD phổ thông tổng thể theo Nghị quyết số 88 của Quốc hội, theo đó GD hướng nghiệp được thực hiện thường xuyên và liên tục, thông qua tất cả các môn học từ tiểu học đến THCS và THPT, tập trung nhiều hơn ở các môn Công nghệ, Tin học, Khoa học tự nhiên, GD công dân ở THCS, các môn học ở THPT và hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp ở THCS, THPT.
Tuy vậy, Bộ GD&ĐT cũng thẳng thắn nhìn nhận công tác định hướng phân luồng hướng nghiệp cho HS phổ thông vẫn còn một số hạn chế. Có thể kể ra việc tích hợp GD hướng nghiệp trong chương trình GD phổ thông hiện hành mới chủ yếu được thực hiện ở môn Công nghệ. Phương thức GD hướng nghiệp tuy đã có những chuyển biến tích cực ở một số địa phương nhưng nhìn chung còn hạn chế, nặng về dạy kiến thức lý thuyết, thiếu điều kiện tổ chức cho HS thực hành, trải nghiệm; một số nhà trường thực hiện chương trình GD hướng nghiệp mang tính hình thức, kém hiệu quả.
Việc phối hợp giữa các trường phổ thông với các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất... trong việc hướng nghiệp, phân luồng cho HS THCS, THPT chưa thực sự hiệu quả. Hệ thống thông tin thị trường lao động còn thiếu và chậm cập nhật, chưa đáp ứng yêu cầu định hướng nghề nghiệp cho HS, nhất là đối với HS THCS trong bối cảnh tâm lý chạy theo bằng cấp còn nặng nề…
Việc thẳng thắn chỉ ra các tồn tại hạn chế cũng là để Bộ GD&ĐT có những định hướng tốt hơn, những cách triển khai hiệu quả hơn trong thời gian tới đây, đặc biệt là trong việc xây dựng Đề án GD hướng nghiệp và định hướng phân luồng HS phổ thông để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, làm cơ sở để các địa phương triển khai thực hiện ngay.