Phân luồng thay vì phân tầng học sinh

GD&TĐ - “Nhiều người đang nghĩ về phân luồng như là phân tầng học lực. Những em học kém, ngổ ngáo, tức là thuộc tốp dưới thì mới đưa vào diện tư vấn để phân luồng. Điều này tác động đến tâm lý của phụ huynh, HS thấy “mặc cảm” khi chọn học nghề thay vì học lên cao hơn nữa”, ông Nguyễn Khắc An – Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Vinh (Nghệ An) cho biết.

Tư vấn về phân luồng, hướng nghiệp cho phụ huynh HS tại xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông (Nghệ An)
Tư vấn về phân luồng, hướng nghiệp cho phụ huynh HS tại xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông (Nghệ An)

Những dấu hiệu tích cực

Trở về sau chuyến công tác tư vấn, hướng nghiệp cho HS THCS xã Thạch Ngàn (huyện Con Cuông), ông Nguyễn Khắc An - Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật Vinh - phấn khởi chia sẻ: Công tác phân luồng hiện nay đã có nhiều thuận lợi hơn trước, phần lớn bởi nhận thức, tư duy và tâm lý người dân thay đổi, quan tâm hơn đến đào tạo nghề. Tại buổi tư vấn, nhiều em đã mua hồ sơ và trực tiếp đăng ký xét tuyển vào trường chúng tôi, trong đó có cả những em là HS giỏi. Tất nhiên, chúng tôi cũng không tuyển sinh bằng mọi giá, mà tư vấn làm sao để các em có lựa chọn đúng đắn nhất.

Được biết, năm học 2016 – 2017, Trường Trung cấp Kinh tế Kỹ thuật TP Vinh đã tiến hành tư vấn cho khoảng 800 HS THCS ở TP Vinh, Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Thanh Chương, Con Cuông…, kết quả số HS phân luồng chiếm khoảng gần 30%. Năm học trước, riêng tại địa bàn TP Vinh, trường đã tiến hành tư vấn cho 621 em, và có 201 em phân luồng, trong đó 150 em nhập học vào trường. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy công tác phân luồng sau THCS đã có những kết quả nhất định.

Hiện nay, hầu hết các trường THCS trên địa bàn tỉnh bên cạnh công tác dạy – học đã đẩy mạnh tư vấn, hướng nghiệp. Dù tỉ lệ phân luồng so với tổng số HS không cao, nhưng đây được coi như là bước chuẩn bị giúp các em có nhận thức về xã hội cũng như chính bản thân mình. Từ đó, chủ động, tự chủ đưa ra các quyết định trong học tập và nghề nghiệp tương lai.

Tại Trường THCS Dân tộc nội trú Tương Dương, thầy Bùi Văn Chiến – Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: HS nội trú của trường sau khi tốt nghiệp THCS thì sẽ được tuyển thẳng vào các trường THPT trong huyện. Vì vậy, những năm trước, các em thuộc diện phân luồng hầu như không có. Tuy nhiên, nhà trường vẫn chú trọng công tác tư vấn, hướng nghiệp đến tất cả HS. Bởi thực tế ở vùng cao này, nhiều em sau khi vào lớp 10 do lực học đuối, hoặc vì hoàn cảnh gia đình đã nghỉ học giữa chừng. Nếu không tiếp tục học văn hóa, các em cần có định hướng để học nghề, học việc nuôi sống bản thân.

Riêng năm nay, dấu hiệu phân luồng đã rõ nét, thể hiện ở việc lần đầu tiên có 10/77 HS lớp 9 đã đăng ký học nghề.

Hiểu và làm đúng về phân luồng THCS

Thời gian qua, công tác phân luồng, hướng nghiệp HS THCS được tăng cường, nhưng thực tế vẫn tồn tại nhiều khó khăn cả về khách quan lẫn chủ quan. Ông Nguyễn Khắc An bày tỏ: “Có một thực tế hiện nay là nhiều người đang nghĩ về phân luồng như là phân tầng học lực. Những em “học kém”, “ngổ ngáo”, tức là thuộc tốp dưới thì mới đưa vào phân luồng.

Bản thân nhiều trường THCS cũng chưa thoát khỏi tâm lý “nhặt ra những em học lực yếu để phân luồng, hướng nghiệp” chứ chưa tư vấn cho tất cả mọi người. Điều này, gây nên tâm lý mặc cảm, phân biệt cho chính những em HS phân luồng. Cũng theo ông An, công tác tư vấn phải hướng đến đông đảo HS, phụ huynh, để mọi người hiểu “phân luồng là một sự lựa chọn” và sự lựa chọn đó là đáng tôn trọng”.

Một vấn đề nữa khiến cho công tác phân luồng gặp khó là sự thiếu chuyên nghiệp của các cơ sở giáo dục, đào tạo. Nhiều trường đến phút chót mới làm công tác tư vấn, hướng nghiệp cho HS. Trong khi để cho các em hình thành được nhận thức đầy đủ, và quyết định lựa chọn theo con đường khoa học thực hành hay khoa học nghiên cứu không thể chỉ trong một vài tuần. Bên cạnh đó, thông tin tư vấn còn chưa phong phú, đầy đủ và thực sự thu hút HS. Không gắn được trách nhiệm liên thông giữa các cơ sở giáo dục, đào tạo trong cùng một chủ thể quản lý.

Thời gian qua, để tránh sự chồng chéo, lãng phí, thiếu hiệu quả trong hoạt động, Nghệ An đang tiến hành sáp nhập TT dạy nghề và TT GDTX ở các huyện. Ông Lê Văn Thắng – Giám đốc TTGDTX huyện Quế Phong - cho biết: “Vừa qua, chúng tôi phát ra 500 phiếu thăm dò ý kiến và thu về khoảng 120 phiếu đăng ký học tại TT GDTX. Tuy nhiên, con số này có thể còn lớn hơn nếu công tác phân luồng hướng nghiệp được làm sớm và có sự phối hợp giữa các đơn vị, cơ sở giáo dục, đào tạo. Tháng 5/2017, Sở GD&ĐT Nghệ An cũng đã bàn giao Trung tâm về cho UBND huyện quản lý. Địa phương cũng đang tiến hành sáp nhập TT GDTX với TT dạy nghề huyện thành Trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Hi vọng rằng, khi được giao về cho cùng một chủ thể quản lý, hoạt động của trung tâm sẽ được phân hóa và hiệu quả hơn”.

Năm học 2016 – 2017, Nghệ An có khoảng 39.000 HS lớp 9. Trong đó, chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập là 26.186 em, vào các trường ngoài công lập là 3.000 em, và số HS vào các Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, THPT Dân tộc nội trú, Trường Phổ thông Năng khiếu TDTT khoảng 850 chỉ tiêu. Như vậy, sẽ có khoảng hơn 9.000 HS thuộc diện phân luồng sau THCS.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.