Hội nghị Ngoại giao văn hóa với chủ đề “Triển khai chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030: Chủ động thích ứng, góp phần lan tỏa giá trị và quảng bá sản phẩm Việt Nam” vừa được tổ chức, thu hút sự quan tâm của đông đảo người yêu mến văn hóa Việt Nam.
Đại diện Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chia sẻ: “Trong chiều dài lịch sử dân tộc, văn hóa tự hào là một trong những lĩnh vực được giao lưu, hội nhập quốc tế từ rất sớm. Quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa đã góp phần tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, làm giàu thêm nền văn hóa dân tộc Việt Nam, đồng thời giúp các quốc gia trên thế giới hiểu biết, tôn trọng và thúc đẩy quan hệ với đất nước ta”.
Có thể thấy rằng, từ những năm 2000 cùng với khái niệm “sức mạnh mềm”, thì thuật ngữ “ngoại giao văn hóa” ngày càng được sử dụng phổ biến trong quan hệ quốc tế. Dù có nhiều cách tiếp cận khác nhau nhưng nội hàm của khái niệm này được thống nhất, là sử dụng văn hóa để phục vụ các mục tiêu quốc gia.
Nhà nghiên cứu Nhật Bản O. Kaduô nhấn mạnh: “Mục tiêu chủ chốt của ngoại giao văn hóa là tăng cường, cải thiện hình ảnh và uy tín của quốc gia thông qua các khía cạnh văn hóa”.
Trong 10 năm qua, ngoại giao văn hóa của Việt Nam đã đạt được thành tựu đáng kể. Các hoạt động được thực hiện thông qua việc phổ biến văn hóa, nghệ thuật qua con đường ngoại giao hoặc qua thông tin, truyền thông, hội nghị, hội thảo để hỗ trợ cho công tác đối ngoại của đất nước.
Có thể nói, ngoại giao văn hóa vô cùng quan trọng và xuất hiện tự nhiên từ thời xa xưa. Cho đến nay, ngoại giao văn hóa đã có nhiều đóng góp quan trọng vào công tác đối ngoại, nâng cao hình ảnh đất nước, góp phần tích cực trong việc nâng cao hiểu biết về Việt Nam.
Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi đặt ra đối với ngoại giao văn hóa là quảng bá điều gì, gửi tới thế giới thông điệp gì?
Với đặc thù Việt Nam, với vốn văn hóa Việt Nam, chúng ta cần chọn lựa bản sắc có thể đại diện cho hình ảnh đất nước. Nhật Bản thường đem hoa anh đào đại diện cho bản sắc, và từ đó hình ảnh Nhật Bản cùng loài hoa này “ăn sâu” trong tiềm thức các nước. Cũng từ hoa anh đào, theo con đường biếu – tặng, dần trở thành một sản phẩm xuất khẩu của Nhật Bản.
Còn chúng ta có gì? Hình ảnh hoa sen, cây tre chưa thực sự nổi bật bởi cách quảng bá rời rạc. Một vài mô hình nhà tre được thể hiện ở một số triển lãm quốc tế, nhưng chưa nói được và chưa “bám rễ” vào nhận biết của thế giới.
Ngoại giao văn hóa là một hành trình dài, cần có chiến lược cụ thể và mang bản sắc dân tộc – kể cả các sản phẩm thương mại. Nhận diện được thương hiệu quốc gia - đó mới là mấu chốt của ngoại giao văn hóa, còn không chỉ là ngoại giao mang tính đối ngoại, hoặc để xúc tiến thương mại.